Nghĩ xanh - dùng xanh

Cập nhật: 27/09/2019
Ngày Hội thu đổi rác tài nguyên, Phong trào Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp, mô hình Khu dân cư thân thiện với môi trường… đã trở nên quá quen thuộc với người dân Đà Nẵng. Từ nhiều năm nay, các hoạt động bảo vệ môi trường đã góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn cảnh quan cho thành phố và tìm ra những giải pháp giữ gìn vệ sinh hiệu quả.

mô hình bảo vệ môi tường 4

Mô hình trồng chuối lấy lá được Hội LHPN huyện Hòa Vang triển khai với hơn 1.200 gốc chuối

Từ những việc làm nhỏ

Ở Đà Nẵng, mỗi con người, mỗi người dân đều có ý thức trong việc chung tay giúp cho môi trường sống được trong lành, sạch đẹp. Mỗi người một hành động đẹp, đã lan tỏa tới nhiều người, đến cả tập thể và hằn sâu vào ý thức chung của cộng đồng Đà Nẵng.

Hình ảnh người đàn ông tuổi lục tuần ngồi đan những chiếc sọt rác đủ màu bên vệ đường đã quá quen mắt với người dân trên tuyến đường Hà Mục, phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng). Đó là ông Đoàn Túc (68 tuổi), khu dân cư số 19, phường Hòa Thọ Đông với công việc hàng ngày đan giỏ đựng rác từ sợi ni lông phế thải. Những giỏ rác đủ màu sắc có dòng chữ "Chi hội Nông dân khu dân cư số 19 vì môi trường thân thiện" đã làm cho khu phố tươm tất và sạch sẽ hơn. Cùng với sản phẩm giỏ đựng rác, ông Túc còn thiết kế nhiều vật dụng tái chế khác. Các sản phẩm của ông là điển hình cho mô hình bảo vệ môi trường kiểu mới Hội Nông dân phường Hòa Thọ Đông đang thí điểm.
 

mô hình bảo vệ môi trường 1

Ông Đoàn Túc đan những chiếc sọt rác từ sợi ni lông phế thải

Cô Huỳnh Thị Mai (phường Thọ Quang, Sơn Trà) hào hứng khoe với chúng tôi chiếc túi được cắt may khéo léo từ tấm pano quảng cáo, bao bố do Chi hội Phụ nữ Mân Quang 1 và Chi đoàn Mân Quang 1 cùng làm. Những chiếc túi đã được chị em sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày, đi chợ, đựng đồ ăn… “Nhìn vậy thôi chứ cái túi này tiện lợi lắm, mỗi lần đi chợ cô chỉ việc bỏ hết các loại rau củ vào túi, không cần lỉnh kỉnh những bao ni lông to nhỏ mà cũng không bị rỉ nước từ tôm cá ra ngoài” - cô Mai chia sẻ.

Các chị em phụ nữ phường Hòa Xuân (Cẩm Lệ) tận dụng thùng sơn cũ bỏ đi rồi chùi rửa, sơn lại làm thùng đựng rác có nắp đậy. Hơn 2.000 thùng sơn đã được chuyển đổi thành thùng rác thân thiện được phụ nữ tin dùng. Ngoài phường Hòa Xuân, tại phường An Khê (quận Thanh Khê), các Chi hội Phụ nữ cũng nhiệt tình hưởng ứng mô hình này.

Phong trào Ngày Hội thu đổi rác tài nguyên, các cuộc thi tìm hiểu chống rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn… đang được các hội, đoàn thể trên địa bàn Đà Nẵng tổ chức sôi nổi. Cầm bình đựng nước thủy tinh trên tay, bạn Nguyễn Thị Thanh Thanh (sinh viên năm 2 khoa Du lịch, trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng) cho biết, cứ 7 - 10 ngày em cùng với các bạn học tại phòng trọ lại gom góp đem chai nhựa đã dùng để đến điểm phát động đổi chai nhựa để mua giảm giá chai thủy tinh.

Xuất phát từ ý thức cá nhân người dân Đà Nẵng đang ngày càng thể hiện nếp sống văn minh, đô thị với những hành động bảo vệ môi trường đẹp mắt. Những khu dân cư thân thiện môi trường ngày càng tăng cả về số lượng lẫn phong trào. Những phong trào ra quân dọn vệ sinh ngày càng có nhiều người tham gia. Công tác tuyên truyền người dân về bảo vệ môi trường đã thực sự có hiệu quả.
 

mô hình bảo vệ môi trường 3

Những bình nước thủy tinh được trao đến tay các bạn đoàn viên, thanh niên trong Ngày hội Thanh niên nói không với rác thải nhựa

Đến những mô hình hay

Từ nhiều năm nay, tận dụng lá chuối luôn có sẵn trong vườn nhà, chị Đặng Thị Tuyết (thôn An Trạch, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) để sử dụng gói nem chả, gói các loại bánh, và bọc các loại rau xanh để rau tươi được lâu. Số lá chuối không sử dụng hết, chị mang ra chợ bán cho các tiểu thương sử dụng gói thực phẩm. Nhận thấy nhiều người cũng có nhu cầu sử dụng lá chuối như mình, chị Tuyết đã quyết tâm chặt tràm để trồng chuối lấy lá. Với cách làm này, chị vừa có thể tăng thêm thu nhập cho gia đình, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Mô hình của chị đã được nhân rộng tại 100 hộ gia đình tại bốn thôn Thạch Bồ, An Trạch, Cẩm Toại Đông và Thái Lai với tổng số 1.200 gốc chuối. Đến nay, các chị em đã tạo thói quen sử dụng lá chuối để gói thực phẩm, hạn chế tối đa sử dụng túi ni lông trong sinh hoạt nếu không cần thiết. Chị Tuyết chia sẻ: “Lá chuối rất tiện lợi, vừa giúp cho thực phẩm ngon hơn, mà số lá dùng xong đem đổ vào hố rác trong vườn, đốt là có thể dùng làm phân bón cho cây trồng. Tôi rất vui khi có thể chia sẻ mô hình với các chị em khác, vừa giúp họ có thêm thu nhập, lại bảo vệ môi trường”.

mô hình bảo vệ môi trường 2

Người dân chung tay dọn sạch rác tại bãi biển sau mưa lũ

Xuất phát từ thói quen dùng lá chuối gói thực phẩm của một số chị em ở huyện Hòa Vang, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Đà Nẵng đã phát động mô hình trồng chuối lấy lá thay thế cho túi ni lông. Mô hình hướng tới mục đích cung cấp lá chuối gói các loại rau, củ, thực phẩm… thay cho túi ni lông, qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sinh hoạt tiêu dùng hằng ngày của người dân và hội viên phụ nữ; đồng thời, khuyến khích các hội viên phụ nữ  trồng trọt trên các mảnh vườn bỏ hoang của mình, các khu đất chưa có người sử dụng… tạo ra sản phẩm, tăng thêm thu nhập. Theo đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hòa Vang sẽ nhân rộng mô hình này trên các xã Hòa Phong, Hòa Tiến và dần tiến tới 11 xã trên địa bàn huyện Hòa Vang.

Chị Lê Thị Hằng Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Liên Chiểu cho biết, mặc dù, quỹ đất để trồng chuối của quận khá ít nhưng với mục đích tuyên truyền cho người dân biết tác hại của rác thải nhựa nên tất cả các chi hội đều tham gia. Các chị em trong chi hội phải tận dụng đất rẻo, đất trống chưa xây dựng trên địa bàn để trồng chuối. Có nhiều chị tận dụng các bãi rác tự phát trong khu dân cư để trồng, có nhiều khoảnh đất chỉ trồng được 1 - 2 gốc chuối nhưng cũng thu hoạch được lá chuối đủ để gói thực phẩm cho gia đình, tạo mảng xanh cho khu phố, lại dẹp bỏ được các bãi rác tự phát nên khu dân cư ai nấy đều hài lòng. Hiện, các chị em trong hội phụ nữ đều sử dụng lá chuối từ mô hình này để gói thực phẩm khi đi chợ thay cho túi ni lông. “Đây là một hình thức tuyên truyền phong trào chống rác thải nhựa thực sự hiệu quả”, chị Hằng nhận định.

Sử dụng các bãi đất hoang để trồng rau sạch, trồng hoa dịp Tết; tận dụng vải bạc cũ để may túi đi chợ; tái chế rác thải thành dụng cụ học tập, phát giỏ đi chợ giảm thiểu túi ni lông; thu gom rác tái chế… đó là những mô hình sống xanh được các hội viên phụ nữ TP. Đà Nẵng triển khai từ nhiều năm nay. Bắt đầu thí điểm từ năm 2010, đến nay, phong trào đã được nhân rộng ở 7 quận, huyện, 56 xã, phường trên toàn thành phố với 900 nhóm “sống xanh” tổng cộng hơn 16.000 thành viên. Năm 2019, với chủ đề “chống rác thải nhựa” được Hội LHPN Việt Nam phát động, các chi hội phụ nữ trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã triển khai nhiều mô hình chống rác thải nhựa lồng ghép trong phong trào sống xanh tạo hiệu ứng tích cực.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Ðà Nẵng Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ: “Những mô hình của các chị em đã góp phần không nhỏ vào việc giảm thải rác nhựa ra môi trường. Ðồng thời là những tấm gương để tuyên truyền đến nhiều người dân trong thành phố cùng hưởng ứng tham gia. Những mô hình hay sẽ được nhân rộng, qua đó, cùng chung tay vào xây dựng thành phố xanh vì môi trường”.

Bài và ảnh: Nhi Yên

Nguồn: Báo TNMT