Huyện vùng cao A Lưới từ lâu được ví như “Đà Lạt của Huế”, với khí hậu ôn hòa, cùng với đó là giá trị bản sắc văn hoá đa dạng độc đáo, tài nguyên thiên nhiên phong phú, hạ tầng ngày càng đồng bộ... Với nhiều tiềm năng thế mạnh đang có, A Lưới thuận lợi cho phát triển du lịch. Hiện nay, du lịch A Lưới được đặt trong lộ trình di sản miền Trung, là điểm đến quen thuộc của du khách khi nhắc đến con đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
A Lưới cách TP. Huế 70km về phía Tây, là nơi hội tụ những sắc màu văn hóa của 5 dân tộc anh em Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu, Pa Hy và Kinh. Hiếm có địa phương miền núi nào như A Lưới có được tiềm năng và thế mạnh rất lớn về phát triển các loại hình du lịch, từ du lịch sinh thái, du lịch ẩm thực, du lịch văn hoá tộc người... đến du lịch các điểm văn hoá cách mạng. Mỗi một loại hình du lịch nơi đây đều có những thế mạnh và nét đặc trưng riêng của nó.
Vùng núi A Lưới được đặt trong lộ trình di sản miền Trung, có nhiều điều kiện phát triển du lịch
Tiềm năng du lịch lớn
Từ cổng khu du lịch cộng đồng suối Pâr Lê (xã Hồng Hạ) vào đến con suối, lên tận hồ tắm, PV nhận thấy nơi đây được lắp đặt các bảng quảng cáo, biển chỉ dẫn, xây nhà vệ sinh, bố trí các thùng rác và chòi sạp hợp lý; nội quy và bảng giá được niêm yết công khai... Mỗi ngày, hàng trăm khách vượt đường xa để đến với điểm du lịch hấp dẫn này.
Ông Hồ Viết Lương - Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ cho biết với PV, xã đã xây dựng một khu nhà sàn homestay trên tuyến đường đi vào suối, theo hình thức tái hiện không gian văn hoá bản làng đồng bào thiểu số trước đây, bố trí gian hàng thủ công mỹ nghệ. Định kỳ sẽ được tổ chức các hoạt động sinh hoạt, lao động sản xuất như dệt Zèng, chế tạo nông cụ, nhạc cụ dân tộc... và tái hiện các hoạt động văn hoá phi vật thể của đồng bào để du khách đến đây được tham gia.
Khu du lịch cộng đồng suối Pâr Lê là địa điểm thu hút đông đảo du khách đến với A Lưới
Vào cuối tháng 7/2019 vừa qua, khu du lịch Farmstay Cân Tôm ở một cánh đồng lúa vừa hình thành tại xã Hồng Hạ, thu hút đông đảo du khách thập phương tham gia trải nghiệm các nét văn hóa riêng như tục Đi Sim của người Pa Cô xưa, sinh hoạt thường ngày trong sản xuất nương rẫy, bắt cá suối, chế biến ẩm thực truyền thống và các loại hình văn hóa cộng đồng, dân gian… được tái hiện nguyên bản.
“Điểm du lịch Farmstay này do chính người dân cùng nhau thực hiện với sự định hướng và hỗ trợ của chính quyền các cấp, nhằm tạo thêm loại hình du lịch mới, làm phong phú thêm các điểm đến và trải nghiệm cho du khách. Hiện địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức tập huấn, đào tạo và phát triển đội ngũ làm du lịch của xã, tiến đến thành lập hợp tác xã du lịch, mở rộng quy mô phục vụ du khách để tham gia ký kết với các đơn vị lữ hành đưa tour du lịch đến với các khu du lịch của xã”- ông Lương chia sẻ.
Du lịch tại xã Hồng Hạ như trên chỉ mới là một phần nhỏ của nét hấp dẫn, độc đáo mà A Lưới đang sở hữu. Về du lịch sinh thái có nhiều điểm hấp dẫn như chuỗi thác liên hoàn A Nôr (xã Hồng Kim), thác Pông Chất, hang động Kềnh Crâm (xã A Roàng), suối nước nóng Tôm Trung, rừng nguyên sinh với đa dạng sinh học chạy dọc hai bên đường Hồ Chí Minh hùng vĩ.
Farmstay Cân Tôm ở một cánh đồng lúa là điểm nhấn du lịch mới tại A Lưới trong tương lai
Đối với du lịch di tích lịch sử cách mạng thì có nhiều địa điểm nổi tiếng gắn liền với 2 cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc như cụm địa đạo Động So, địa đạo Lam Sơn, đồi ABia (còn gọi là đồi Thịt Băm- Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia), động Tiên Công, địa đạo Puúc, địa đạo AĐoon, địa đạo ABó, địa đạo Tà Lương, sân bay A So, sân bay A Lưới, sân bay A Co...
Du lịch cộng đồng gồm hệ thống các nhà ở truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số như nhà Moong (nhà sàn dài) của người Pa Cô, nhà Rông của người Tà Ôi, nhà Gươl của người Ka Tu vì những ngôi nhà này chính là linh hồn của làng, bản, tộc người, ở đó thường xuyên diễn ra các hoạt động mang tính cộng động như hội họp, cúng bái, tiếp khách.
Tại A Lưới, nhiều nét văn hóa truyền thống, đặc sắc riêng có luôn được giữ gìn, phát huy
A Lưới còn có các ngành truyền thống như dệt Zèng- di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, rèn...; những lễ hội của các dân tộc như Lễ A riêu caar, Lễ A riêu Ada (Lễ mừng lúa mới), Lễ A Riêu Piing (lễ giỗ tổ tiên, quy tập mồ mã), Lễ hội cầu mùa (A riêu tạ ơn trời đất, thần linh đã phù hộ giúp đỡ)...
Du lịch gắn liền với văn hóa
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, địa phương được xác định là cụm du lịch thứ ba của của tỉnh, được đưa vào danh mục dự án đầu tư phát triển du lịch với tổng số vốn 25 triệu USD thực hiện đến năm 2020. Huyện đang có nhiều chương trình quảng bá và du lịch A Lưới được đặt trong lộ trình di sản miền Trung, là điểm đến của du khách khi nhắc đến con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Trong những năm qua, huyện A Lưới đã chú trọng đến việc kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa và du lịch, tạo được mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu về văn hóa, môi trường cảnh quan, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững.
Du khách trải nghiệm làm các sản phẩm từ dệt Zèng
Theo ông Hùng, lượng khách du lịch đến với huyện tăng mạnh qua từng năm. Năm 2017, lượng khách đạt 29.500 lượt. Năm 2018, A Lưới đón 40.000 lượt khách. Và chỉ trong 9 tháng đầu năm 2019, lượng khách đã lên đến 52.768 lượt khách.
Văn hóa ẩm thực của các dân tộc thiểu số ở A Lưới hiện đã và đang được người dân bảo tồn và phát huy, thông qua các dịp lễ hội cùng với những hoạt động phục vụ khách du lịch. Tổ chức các Ngày hội văn hóa ẩm thực các dân tộc thiểu số A Lưới, đã giới thiệu được nhiều món ăn truyền thống đến với du khách trong và ngoài nước. Một số điểm du lịch sinh thái trên địa bàn được các địa phương quản lý, bảo vệ và giữ được vẻ nguyên sơ, thân thiện với môi trường.
“Truyền thống văn hóa, bản sắc từng dân tộc đã được bảo tồn và khai thác, mở rộng giao lưu văn hóa giữa các dân tộc thông qua các hình thức hội diễn, tổ chức lễ hội, triễn lãm trong ngày hội văn hóa, thể thao. Lễ hội truyền thống tiêu biểu được thường xuyên duy trì khôi phục theo phong tục, tập quán từng dân tộc. Đặc biệt địa phương đã tổ chức thành công ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu sổ các tỉnh vùng biên giới Việt Nam - Lào, khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2019 diễn ra từ vào tháng 5 vừa rồi, qua đó thu hút đông đảo khách thập phương...”- ông Hùng cho hay.
Phát triển du lịch gắn với văn hóa là điều mà huyện A Lưới hướng đến lâu dài, bền vững...
Ông Hùng cũng cho rằng, tiềm năng thì đã rõ. Vấn đề là các địa phương có lợi thế về du lịch phải phối hợp chặt chẽ giữa việc xây dựng chương trình, mục tiêu phát triển KTXH với phát triển du lịch. UBND huyện cũng cho xây dựng nhiều phương án hỗ trợ phát triển du lịch homestay tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng và một số hộ gia đình tại xã Hồng Kim, Hồng Hạ, A Roàng và Nhâm. Huyện nhà xác định du lịch homestay phát triển góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, duy trì không gian mang tính cộng đồng, cải thiện môi trường sống, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể góp phần tôn vinh và giới thiệu về lịch sử, văn hóa con người A Lưới. Ngoài ra, còn phối hợp với UBND TP. Huế giới thiệu và trình diễn nghề thủ công truyền thống dệt Zèng trong các đợt Festival Nghề truyền thống. Xây dựng và triển khai kế hoạch hợp tác phát triển du lịch và phát triển KTXH giữa 4 huyện A Lưới với Đông Giang - Tây Giang - Nam Giang (tỉnh Quảng Nam).
Theo ông Phan Thiên Định- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, với những giá trị bản sắc văn hoá đa dạng và độc đáo cùng tài nguyên du lịch hiện có, tương lai gần A Lưới hoàn toàn có thể trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách khi đến với Huế, đặc biệt là khách quốc tế, góp phần làm phong phú đa dạng hơn các sản phẩm văn hoá du lịch đặc sắc của Cố đô...
Văn Dinh