Cuộc chiến chống rác thải nhựa đại dương

Cập nhật: 08/10/2019
Mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương khoảng 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa, chiếm 6% toàn thế giới, đứng sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines… Đây quả là những con số đáng báo động về tình trạng “ô nhiễm trắng”, tức ô nhiễm rác thải nhựa trên biển ở Việt Nam. Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang quyết tâm ra sức đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là trên biển. Chính phủ kêu gọi toàn dân, cam kết cùng với cộng đồng quốc tếthực hiện quyết liệt, đồng bộ mọi giải pháp, phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Tiếng kêu cứu từ những bờ biển bị “ô nhiễm trắng”

Câu chuyện ở 3 xã biển Đa Lộc, Ngư Lộc, Minh Lộc, thuộc huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, có lẽ là một ví dụ điển hình về việc ô nhiễm rác thải nhựa. Ở đây, rác có khắp mọi nơi, nhất là ở những cánh rừng ngập mặn phòng hộ ven biển. Cứ sau mỗi đợt triều cường hay sóng lớn là hàng ngàn, hàng vạn 

Ô nhiễm do rác thải nhựa trở thành vấn đề cấp thiết toàn cầu và được xem là thách thức môi trường lớn thứ hai thế giới, sau biến đổi khí hậu.

chiếc túi nilon, bao tải, chai lọ, mảnh nhựa, lưới rách… từ ngoài biển dạt vào tấp kín bờ biển, bám cả lên cành cây sú vẹt, bay phất phơ trong gió trông điêu tàn và ám ảnh.

Đến ngay như Đà Nẵng, thành phố du lịch biển nổi tiếng thế giới giờ cũng không tránh khỏi nạn rác thải nhựa bủa vây. Sự bùng nổ lượng khách du lịch, số lượng tàu cá cùng với hiện tượng rác thải từ ngoài biển dạt vào khiến cho khu vực cảng cá Thọ Quang, bán đảo Sơn Trà và cả những bãi biển tuyệt đẹp như Mỹ Khê, Non Nước, Nguyễn Tất Thành luôn phải đối diện với tình trạng ô nhiễm nặng.

Cán bộ của Ban Quản lí Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Tp. Hội An – Quảng Nam ) lặn biển để nghiên cứu môi trường
và dọn rác dưới lòng biển sâu bảo vệ sự phát triển của rạn san hô, thảm cỏ biển. Ảnh: Tất Sơn

Xã biển Đa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa cứ sau mỗi đợt triều cường hay sóng lớn là hàng ngàn, hàng vạn chiếc túi nilon, bao tải nhựa…
từ ngoài biển dạt vào bám kín lên những cành cây sú vẹt trông rất điêu tàn. Ảnh: Tất Sơn 

Cảng cá Thọ Quang, Tp. Đà Nẵng thường xuyên được dọn dẹp nhưng rác thải nhựa vẫn tràn ngập, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con quanh chợ.
Ảnh: Tất Sơn 

Rác thải nhựa bủa vây môi trường sống của người dân xóm biển Mân Quang, Sơn Trà, Tp. Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hòa

Rác thải nhựa vây kín cảng cá Thọ Quang, Đà Nẵng. Ảnh: Tất Sơn

Rác thải nhựa trôi dạt trên vịnh biển Mân Quang , Sơn Trà, Đà Nẵng. Ảnh: Tất Sơn 

Ám ảnh nhất có lẽ là ở khu vực bãi Đá Đen, một bãi đá tuyệt đẹp nằm khuất bên sườn núi phía Bắc bán đảo Sơn Trà. Rác từ cửa sông Hàn trôi ra, từ ngoài biển dạt vào phủ kín cả một góc núi. Túi nilon, bao bì, chai nhựa, giày dép, lưới rách, dây dợ, rồi cả mảnh vỡ tàu thuyền, những đoạn ống nhựa dài hàng mét… bị sóng biển đánh dạt lên bờ, giắt kín vào từng kẽ đá.Thậm chí nhiều mảnh xốp to chẳng hiểu bị sóng gió thổi thế nào mà bay tấp lên cả những vách núi cao nằm cách mặt biển hàng chục mét.
 

Ngày 22/06, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 34, Việt Nam cùng các nước thành viên ASEAN đã nhất trí thông qua Tuyên bố Bangkok về chống rác thải biển ở khu vực ASEAN và Khung Hành động ASEAN về rác thải biển.

Ngay cả ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (Tp. Hội An, tỉnh Quảng Nam), nơi được quản lí, bảo vệ nghiêm ngặt cũng không tránh khỏi sự tấn công của rác.  Nguyễn Thị Hồng Thúy, nữ cán bộ trẻ có nhiều năm công tác tại Phòng tuần tra kiểm soát của Ban quản lí Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, những loại rác thải này có sức tàn phá rất lớn đến sự phát triển của rạn san hô, thảm cỏ biển và cả loài rùa biển. Đây đều là những đối tượng có giá trị đặc biệt mà Khu Bảo tồn đang đầu tư công sức, tiền của để nghiên cứu bảo vệ.

Là quốc gia ven biển, có hơn 3.200km đường bờ biển và 112 cửa biển, Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển, nhưng đó cũng chính là áp lực đè nặng lên vai chính quyền và người dân trong việc xử lí khủng hoảng rác thải nhựa, khi mà 80% lượng rác thải trên biển được cho là đến từ đất liền.

Việt Nam quyết tâm đẩy lùi thảm họa “ô nhiễm trắng”

Nhà nhà hạn chế rác thải nhựa, người người phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa, xã hội tiến đến nói không với rác thải nhựa; phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, các chợ, các siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Đó chính là lời kêu gọi và yêu cầu đầy mạnh mẽ và quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi Lễ ra quân toàn quốc “Phong trào chống rác thải nhựa” diễn ra vào ngày 9/6 vừa qua tại Hà Nội.

Lời kêu gọi của người đứng đầu Chính phủ đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ phía người dân và có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng xã hội.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, cơ quan này đang gấp rút xây dựng đề án tổng thể về quản lí chất thải nhựa để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ngay trong năm nay. Một số bộ, ngành liên quan cũng đang rà soát hoàn thiện các quy định, chính sách để hạn chế việc sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất các loại túi nilon khó phân hủy.

Nhóm thanh niên tình nguyện “Dọn rác Sơn Trà” chung tay dọn sạch một lượng lớn rác thải nhựa ở bãi Đá Đen, Sơn Trà, Đà Nẵng. Ảnh: Tất sơn 

Các bạn trẻ Đà Nẵng đã tập hợp khoảng 500 tình nguyện viên thường xuyên  dọn rác trên bở biển ven bán đảo Sơn Trà, Tp. Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hòa

Khách du lịch nước ngoài chung tay cùng người dân Đà Nẵng dọn rác biển ở bãi biển Nguyễn Tất Thành, Tp. Đà Nẵng. Ảnh: Tất Sơn

Anh Callan Meyer người Nam Phi tham gia dọn rác thải nhựa tại bãi Đá Đen, Sơn Trà, Đà Nẵng. Ảnh: Tất Sơn
 

Các bạn trẻ Đà Nẵng dầm mình trong làn nước biển chuyển từng bao rác từ bán đảo Sơn Trà lên thuyền để đưa vào bãi rác ở trong bờ chờ xử lí. Ảnh: Thanh Hòa

Khối kinh doanh, sản xuất, lĩnh vực được cho là liên quan nhiều và trực tiếp đến vấn đề rác thải nhựa cũng đề xuất, xây dựng nhiều sáng kiến, giải pháp mang tính hiệu quả, bền vững và lâu dài. Điển hình như việc nhiều doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu tại Việt Nam đã bắt tay thành lập hai tổ chức là Liên minh các doanh nghiệp chống rác thải nhựa và Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) nhằm góp phần loại bỏ dần các sản phẩm nhựa gây nguy hại môi trường, tiến đến xây dựng chuỗi sản phẩm xanh sạch, thân thiện với môi trường.

Một số doanh nghiệp còn mạnh dạn đầu tư nghiên cứu sản xuất thành công các dòng sản phẩm bao bì, túi xách, chai hộp, cốc, chén, ống hút… và thậm chí là cả lưới đánh cácó nguồn gốc từ thiên nhiên, tự phân hủy, thân thiện với môi trường nhằm thay thế dần các sản phẩm làm bằng nhựa và nilon. Trong đó có thể kể đến hai cái tên đáng chú ý là: Tập đoàn An Phát Holdings và Công ty Cổ phần Quốc tế Thịnh Đạt.


Đặc biệt, phong trào phòng chống rác thải nhựa, đẩy lùi thảm họa “ô nhiễm trắng” đang dần phát triển mạnh mẽ trong ý thức cũng như hành động của người dân, nhất là ở những vùng ven biển và các thành phố lớn.

Nhiều sản phẩm ống hút, bao bì, túi xách, chai, hộp, cốc, chén... có nguồn gốc từ thiên nhiên,
dễ phân hủy, thân thiện với môi trường do các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu sản xuất thành công. Ảnh: Tất Sơn 

Nhiều chương trình nghệ thuật sắp đặt tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa được diễn ra ở khắp Việt Nam đã tạo sự chuyển biến về nhận thức của người dân. Ảnh: Tất Sơn

Tại Đà Nẵng, nhóm thanh niên tình nguyện “Dọn rác Sơn Trà” là cái tên được nhiều người nhắc đến. Với sức trẻ, sự vô tư, lòng nhiệt huyết và tình yêu môi trường, họ đã cùng nhau lập nên một trang facebook kêu gọi mọi người cùng chung tay dọn sạch một lượng lớn rác thải nhựa ở bãi Đá Đen để trả lại vẻ đẹp bình yên, lãng mạn cho “lá phổi xanh” Sơn Trà của thành phố biển Đà Nẵng.

Hay như ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam), nhóm nữ cán bộ trẻ của Ban Quản lí Khu bảo tồn biển liên tục trong nhiều năm trời bám biển, bám tàu, bám cả từng con sóng thực hiện thành công hàng trăm chuyến lặn biển để nghiên cứu môi trường và dọn rác dưới lòng biển sâu.

Và có lẽ tình yêu ấy đã chắp cánh cho Nguyễn Nguyệt Linh, cô học trò lớp 5 trường Marie Curie, Hà Nội viết nên thông điệp lay động lòng người:“Thả bóng bay lên trời: Bay cao ước mơ của các học sinh - Giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển!” trong bức thư gửi thầy hiệu trưởngvới mong muốn nhà trường đừng thả bóng bay trong ngày khai giảng năm học mới để bảo vệ môi trường, bảo vệ đại dương xanh khỏi bị nhấn chìm trước cơn bão mang tên: Ô nhiễm trắng./.

Bài: Thanh Hòa - Ảnh: Tất Sơn, Thanh Hòa

Nguồn: vietnam.vnanet.vn