Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng và 3.000 bức ảnh rác thải tại Việt Nam

Cập nhật: 05/07/2019
Với chiếc máy ảnh, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Việt Hùng (Lekima Hùng) đã đi dọc 7.000 km bờ biển, 100 cửa sông tại 28 tỉnh thành ở Việt Nam, ghi lại 3000 bức ảnh mang thông điệp “Hãy cứu biển”,“Hãy hành động” nhằm giảm thiểu rác thải nhựa đổ ra đại dương mỗi ngày. Với những nỗ lực đó, anh được Bộ Tài Nguyên Môi trường tặng danh hiệu Đại sứ đại dương xanh như một sự ghi nhận của cộng đồng, người dân, xã hội đối với sự nghiệp bảo vệ môi trường, biển đảo của cá nhân Lekima Hùng.

Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Việt Hùng vừa thực hiện thành công triển lãm ảnh rác thải nhựa “Hãy cứu biển” tại Hà Nội. Triển lãm trưng bày hơn 100 bức ảnh được lựa chọn từ hơn 3000 bức ảnh kể những câu chuyện về rác thải nhựa tại Việt Nam đã ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống như thế nào. Đó không chỉ là vấn đề nóng của Việt Nam mà hiện cũng là “cuộc chiến” của tất cả các quốc gia trên thế giới.


Trong thời gian diễn ra Triển lãm ảnh rác thải nhựa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chính thức phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc và kêu gọi chúng ta cần có những hành động thiết thực để kiểm soát, ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa ra môi trường.
 

 Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Việt Hùng. Ảnh: Trần Thanh Giang


Những hình ảnh chụp về rác thải nhựa được anh Nguyễn Việt Hùng biên tập cho triển lãm ảnh “Hãy cứu biển” được tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: Trần Thanh Giang


Bà Caitlin Wiesen (trái), Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Việt Hùng
và bà Elsbeth Akkerman (phải), Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam và thông điệp mang tính biểu tượng "Hãy cứu biển - Save Our Seas". Ảnh: Tư liệu


Những con cá bằng giấy viết trên đó viết cảm nghĩ của khách tham quan sau khi xem ảnh tại Triển lãm của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Việt Hùng. Ảnh: Trần Thanh Giang


Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có chỉ số chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ cao nhất là 3260 km, và cũng là đất nước có tới 2360 dòng sông lớn nhỏ. Tất cả những rác thải nhựa tự phát từ nhiều nguồn cũng vì thế đều trôi ra sông rồi đổ về phía biển.

Là người đã có hơn 20 năm làm việc trong lĩnh vực đào tạo nhiếp ảnh, ý tưởng ghi lại sự nguy hiểm từ rác thải nhựa với môi trường hình thành từ khi Nguyễn Việt Hùng chứng kiến mẹ mang trong mình bệnh ung thư. Anh đã tìm hiểu nguyên nhân của căn bệnh và phát hiện đằng sau sự tiện lợi của những đồ nhựa dùng một lần luôn tiềm tàng những nhân tố gây bệnh, nguy hiểm đến sự sống. Phải làm một điều gì đó để tác động đến ý thức của người dân Việt Nam trước thảm họa rác thải nhựa đang tràn lan trong môi trường đã thôi thúc anh dành nhiều thời gian nghiên cứu lĩnh vực này và quyết tâm “săn ảnh về rác thải nhựa”.


Sau 1 năm chuẩn bị, năm 2018, anh bắt đầu lên đường thực hiện dự án hình ảnh rác thải nhựa. Bước chân anh đã đi dọc 7.000 km bờ biển, 100 cửa sông tại 28 tỉnh thành và ghi lại 3000 bức ảnh.

Với thông điệp “Chỉ có hành động mới mang lại sự thay đổi”,các bức ảnh của Nguyễn Việt Hùng đã lay động sâu sắc đến người xem và lan tỏa nhận thức của mọi người về rác thải nhựa, kêu gọi sự chung tay hành động của các cơ quan quản lý nhà nước. Các bức ảnh được sắp xếp theo từng nội dung, địa điểm, và thời gian chụp để người xem có thể hình dung một bức tranh tổng thể về thực trạng rác thải nhựa xuyên suốt bờ biển Việt Nam.
 


Anh Nguyễn Việt Hùng bên cạnh một bãi đốt rác lộ thiên trong chuyến đi của mình. Ảnh: Tư liệu


Một bãi rác ven đường tại đảo Phú Quốc năm 2017. Ảnh: Nguyễn Việt Hùng


Cấm đổ rác tại Nam Định năm 2018. Ảnh: Nguyễn Việt Hùng

Đầm làm muối Sa Huỳnh, Quảng Ngãi năm 2018. Ảnh: Nguyễn Việt Hùng


Đổ rác xuống biển tại Quảng Ngãi năm 2018. Ảnh: Nguyễn Việt Hùng


Phơi cá tại Cần Giờ năm 2018. Ảnh: Nguyễn Việt Hùng


Rừng chết tại Nam Định năm 2018. Ảnh: Nguyễn Việt Hùng


Bãi biển Vĩnh Lương tại Nha Trang, Khánh Hòa năm 2018. Ảnh: Nguyễn Việt Hùng


Mưu sinh tại Bình Thuận năm 2018. Ảnh: Nguyễn Việt Hùng


Theo bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, câu chuyện rác thải nhựa bằng hình ảnh của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Việt Hùng thực sự lan toả và truyền cảm hứng mạnh mẽ tới cộng đồng.


Còn với nhà nhiếp ảnh Nguyễn Việt Hùng, sau mỗi lần chụp ảnh rác thải tại các địa phương, anh đều chia sẻ hình ảnh và thông điệp “Hãy cứu biển” lên mạng xã hội. Hiệu quả là nhiều nơi chính quyền địa phương và người dân đã bắt đầu ý thức dọn rác. Thời gian tới, anh Hùng sẽ tiếp tục triển lãm ảnh rác thải nhựa tại các địa phương có biển, với mong muốn làm thêm nhiều triển lãm cho trẻ em hiểu hơn về rác thải nhựa thông qua các câu chuyện ảnh../.
 

Bài: Bích Vân - Ảnh: Thanh Giang và Tư liệu

Nguồn: Báo ảnh Việt Nam