ThS Đàm Thị Lan và những sáng chế xử lý rác thải ở Việt Nam

Cập nhật: 29/03/2019
Theo đuổi ngành môi trường từ khi còn là sinh viên, Thạc sỹ (ThS) Đàm Thị Lan (Giảng viên trường Đại học Xây Dựng, Giám đốc Công ty CP Năng lượng và Môi trường Bách khoa Hà Nội) đã hiện thực hoá mong muốn giải quyết vấn đề rác thải ở Việt Nam bằng việc cho ra đời lò đốt chất thải rắn sinh hoạt BD - Anpha. Đây là sản phẩm giành được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, bởi tính ưu việt trong xử lý rác thải đặc trưng của Việt Nam.

Bắt đầu đề tài tốt nghiệp về xử lý rác thải...

Khi còn học Cao đẳng ngành Kỹ thuật Nhiệt lạnh, Đại học Bách khoa Hà Nội, chứng kiến tình trạng ô nhiễm rác thải tại các vùng nông thôn trong những lần đi thực tế, cô sinh viên Đàm Thị Lan khi đó đã mong muốn tìm ra những giải pháp giúp người dân.

Khi đó, cách xử lý rác đơn giản bằng cách chôn lấp tại các địa phương đã không thuyết phục được Đàm Thị Lan. Cô bắt đầu nung nấu ý tưởng về một lò đốt rác với mục tiêu xử lý triệt để hơn. Tuy nhiên, ý tưởng này cũng chỉ được dừng lại ở mức độ một đề tài tốt nghiệp đại học.

Đến năm 2011, khi theo học Cao học ngành năng lượng và môi trường, Đàm Thị Lan lại tiếp tục với ý tưởng của mình nhưng lần này thực tế và cụ thể hơn, đó là nghiên cứu thử nghiệm lò đốt rác thải sinh hoạt công suất 500kg/h.

Chồng của chị, ThS.Nguyễn Văn Quyền, giảng viên Viện Khoa học công nghệ Nhiệt Lạnh, Đại học Bách khoa Hà Nội khi đó cũng đang lên ý tưởng về nguyên lý hoạt động của lò đốt rác thải.
 


Thạc sỹ (ThS) Đàm Thị Lan hiện là Giảng viên trường Đại học Xây Dựng, Giám đốc Công ty CP Năng lượng và Môi trường Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Công Đạt


Lò đốt rác BD - Alpha với ưu điểm nhỏ gọn, dễ lắp đặt, mặt bằng diện tích sử dụng ít,
xây dựng nhanh và đơn giản, rất phù hợp với khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Ảnh: Công Đạt


Giám đốc Đàm Thị Lan và các cộng sự tại Công ty Công ty CP Năng lượng và Môi trường Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Công Đạt


Bản vẽ thiết kế này của người chồng, theo lời kể của ThS Đàm Thị Lan “ráp với bản thiết kế của tôi tạo thành một kết cấu lò đốt rác khả thi và hoàn chỉnh”. Đúng như câu tục ngữ của người Việt: “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”.

Mọi người muốn vứt rác, còn Đàm Thị Lan lại đi mua rác. Chị Lan đã mua toàn bộ số rác của trường Đại học Bách khoa Hà Nội khi đó để làm thử nghiệm cho lò đốt của mình. Đều đặn trong 3 tháng, 10h/đêm, rác được đốt liên tục trong lò để làm thử nghiệm.
 

Tham dự Giải thưởng quốc tế về khoa học và công nghệ 2018 do Hiệp hội Thúc đẩy sáng kiến, sáng chế Hàn Quốc phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tổ chức vào giữa tháng 12-2018 với 33 quốc gia và vùng lãnh thổ gửi tới 603 công trình tham dự, công trình lò đốt chất thải rắn sinh hoạt BD-Anpha của ThS Đàm Thị Lan là một trong ba Huy chương vàng mà đoàn Việt Nam nhận được. 

Không phụ công sức của chị, sau thời gian chạy thử nghiệm, chiếc lò đốt rác thải sinh hoạt đầu tiên này vận hành theo đúng tính toán và nguyên lý trên lý thuyết. Lò cháy tốt, điều chỉnh được gió và độ hút của lò theo đúng thiết kế. Tuy nhiên vẫn có hạn chế là quá trình gia nhiệt còn kéo dài, nghĩa là thời gian để sấy và nhóm lò lại (sau khi dừng hoạt động) còn dài, có khi mất 3-4 tiếng mới đạt được nhiệt độ cháy bình thường.

Mặc dù chiếc lò đầu tiên này đã đạt tới 90%, ngoài cả mong đợi của hai vợ chồng, nhưng chị Lan và chồng tiếp tục cho thử nghiệm lò đốt thứ hai để hoàn thiện những hạn chế.

Từ thành công của lần thử nghiệm thứ hai này, chị Lan đã mạnh dạn đem đi dự Techmart 2012 để chào bán sản phẩm với thị trường. Một kết quả bất ngờ với cả tác giả khi chiếc lò đốt rác nhận được cúp vàng tại Techmart 2012. Sau này, nhiều địa phương trên cả nước đã biết đến và mời chị Lan về tư vấn.

Đầu năm 2013, sản phẩm lò đốt rác thải rắn đầu tiên với công suất 500 kg/h đã được chị Lan lắp đặt tại xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, Nam Định.

Ưu điểm vượt trội của lò đốt rác BD - Alpha đó là nhỏ gọn, dễ lắp đặt, mặt bằng diện tích sử dụng ít, xây dựng nhanh và đơn giản, rất phù hợp với khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, những nơi chưa có điều kiện xây dựng nhà máy xử lý rác quy mô lớn và cũng chưa có điều kiện tập kết thu gom rác thường xuyên.

Cũng trong năm 2013, lò đốt rác BD - Alpha đã giành Giải thưởng Môi trường Việt Nam cùng Bằng khen của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bằng khen của UBND Tp. Hà Nội về ý tưởng sáng tạo…

... đến sản phẩm ưu việt cho vấn đề rác thải tại Việt Nam.

Năm 2013, tiếp nối thành công của công nghệ lò đốt chất thải rắn sinh hoạt BD - Alpha, ThS. Đàm Thị Lan và cộng sự đã nghiên cứu, phát triển và cho ra đời sản phẩm lò đốt chất thải rắn công nghiệp CONI, đốt chủ yếu là nilon và vải vụn công nghiệp. Nhiệt lượng toả ra này sau đó lại được sử dụng cho chính lò hơi trong các nhà máy giấy, nhà máy dệt may.

Các mô hình đầu tiên đã được áp dụng thử nghiệm tại Nhà máy Giấy và bao bì Đồng Tiến (Bình Dương) và Nhà máy Giấy AFC (Tp. Hồ Chí Minh).

Hiện nay, lò đốt rác thải sinh hoạt BD - Alpha cũng đã được áp dụng tại 30 tỉnh thành và nhiều vùng hải đảo với công suất hoạt động được cải tiến, nâng lên đạt 10.000kg rác/giờ.

Mặc dù BD - Alpha hiện nay được áp dụng rộng khắp trên cả nước, nhưng chị Lan và các cộng sự vẫn không ngừng cải tiến công nghệ để phù hợp với đặc thù rác thải tại các địa phương của Việt Nam.
 


ThS Đàm Thị Lan báo cáo công nghệ lò đốt rác tại Phủ Chủ tịch nước năm 2013. Ảnh: Tư liệu


ThS Đàm Thị Lan (thứ hai từ bên trái) đến thăm và làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ. Ảnh: Tư liệu


Đoàn làm việc của Công ty được mời thăm và làm việc tại văn phòng của Chủ tịch Cục sở hữu trí tuệ thế giới WIPO tại Thụy Sĩ. Ảnh: Tư liệu


ThS Đàm Thị Lan giành Giải đặc biệt do Hiệp hội Doanh nghiệp và các Nhà sáng tạo nữ Thế giới trao tặng. Ảnh: Tư liệu


Để giải quyết vấn đề rác thải cần xử lý với công suất 100 tấn/ngày tại huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), chị Lan đã cải thiện hiệu suất cháy nhờ công tác tận dụng nhiệt cho không khí nóng, trước khi cấp cho lò đốt, điều chỉnh quá trình phối trộn nhiên liệu (rác sinh hoạt và rác công nghiệp), áp dụng công nghệ ủ rác sinh hoạt mà không cần phân loại.

Hay như để xử lý rác thải công nghiệp tại làng nghề giấy Phong Khê và Phú Lâm (Bắc Ninh), lò đốt rác đã được cải tiến để tận dụng nhiệt thừa để cấp hơi nước bão hòa cho các nhà máy và khung công nghiệp đối với chất thải có nhiệt trị cao như rác công nghiệp.

Tại Hậu Giang, với công suất xử lý 200 tấn rác/ngày, lò đốt đã triển khai hệ thống phát điện từ công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt này.

Các hệ thống xử lý khói thải hiện nay của công ty đều đáp ứng tiêu chuẩn QCVN 61-MT:2016/BTNMT hiện hành, đem lại hiệu quả kinh tế cho chủ đầu tư.

Ngoài ra, nhóm của chị Lan còn cho ra đời lò đốt chất thải y tế với công suất 15kg/h, 20kg/h, 30kg/h, 50kg/h và hiện đang được áp dụng tại Ninh Bình, Hà Tĩnh, Cao Bằng, Tây Ninh; Lò đốt nhiên liệu rắn và lỏng (áp dụng cho các đề tài khoa học của Bộ Quốc Phòng trong công tác xử lý môi trường),…

Theo đánh giá của Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam, lò đốt chất thải rắn sinh hoạt BD - Anpha là một sản phẩm công nghệ thân thiện với môi trường và là một sản phẩm nội địa hoàn toàn mới ở Việt Nam.

Đây là thành quả xứng đáng cho quá trình dấn thân của ThS Đàm Thị Lan và chồng chị, một người đồng hành không thể thiếu trong hành trình tìm giải pháp cho vấn đề rác thải của mình. Như lời chị Lan chia sẻ “Nếu không có chồng tôi thì hệ thống của tôi vẫn có thể tồn tại và phát triển được nhưng nó không thể phát triển cao và xa như ngày hôm nay. chồng tôi là trái tim của công nghệ còn tôi là người nuôi dưỡng, bảo vệ và nâng tầm nó”./.
 

Bài: Thảo Vy - Ảnh: Công Đạt

Nguồn: Báo ảnh Việt Nam