Phát huy thế mạnh của các di sản UNESCO tại Việt Nam

Cập nhật: 01/11/2019
Việt Nam là một quốc gia có kho tàng di sản thiên nhiên, văn hóa phong phú.Trong những năm qua, việc bảo vệ, phát huy giá trị các di sản thế giới luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt coi trọng. Các di sản thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận, không chỉ đem lại sinh kế cho người dân, thu nhập cho ngành du lịch, mà quan trọng và thiêng liêng hơn tất cả, đó còn là niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc chúng ta về lịch sử hình thành, phát triển của đất nước.

Đến nay Việt Nam đã có 24 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản thiên nhiên được UNESCO vinh danh là di sản thế giới; trong đó có 8 di sản thiên nhiên và di sản văn hóa vật thể (Vịnh Hạ Long, Hoàng Thành Thăng Long, quần thể danh thắng Tràng An, Thành Nhà Hồ, Phong Nha Kẻ Bàng, Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Di tích Mỹ Sơn); 12 di sản văn hóa phi vật thể (Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ, Lễ hội Gióng, Ca Trù, Hát Xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam, Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh, Nghi lễ kéo co, Đờn ca Tài tử Nam Bộ; Bài Chòi Trung Bộ); và 4 di sản tư liệu (Bia Tiến sỹ Văn Miếu Quốc Tử Giám, Mộc bản Triều Nguyễn, Châu bản Triều Nguyễn, Mộc bản Kinh Phật Thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm tỉnh Bắc Giang).

Di sản nếu không được xem là tài sản thì là di sản chết. Di sản phải đóng góp vào phát triển thì việc bảo tồn di sản mới bền vững. Đó là chủ trương của Việt Nam trong quá trình phát triển đất nước.Trong những năm qua, Việt Nam đã và đang giải quyết hài hòa lợi ích giữa bảo tồn và phát triển, gìn giữ di sản và phát triển du lịch, bảo đảm quyền lợi cho người dân nơi có di sản.
 


 

Cố đô Huế có 5 Di sản thế giới. Cụ thể, Năm 1993, Quần thể di tích Cố đô Huế là Di sản văn hóa thế giới; năm 2003, Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam
là Di sản Phi vật thể đại diện của nhân loại; năm 2009, Mộc bản triều Nguyễn được công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới; Châu bản triều Nguyễn
và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO công nhận Di sản Tư liệu
trong các năm 2014 và 2016. Năm 2017, Châu bản triều Nguyễn tiếp tục được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới. Ảnh: VNP


Du khách tham quan Di sản Thế giới Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam). Ảnh: VNP


 

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu bằng chữ Hán và chữ Nôm, là nguồn tư liệu vô cùng quý giá
cho việc nghiên cứu sự phát triển của ngôn ngữ Việt đã được UNESCO vinh danh là di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, năm 2012. Ảnh: VNP


 

Lần đầu tiên Di sản Hát Xoan thuyết phục được UNESCO ra một quyết định đặc cách và chưa có tiền lệ,
chuyển đổi đặc biệt từ danh sách Di sản văn hóa Phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp sang danh sách Di sản văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại
vào năm 2018. Di sản Hát Xoan của Việt Nam đang trở thành một hiện tượng Di sản được cả thế giới quan tâm, nghiên cứu và bình xét. Ảnh: VNP


 

Du khách quốc tế thưởng thức thanh âm, vũ điệu cồng chiêng của Tây Nguyên. Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên
được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại năm 2005. Ảnh: VNP


Nói về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách bền vững, không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là sự  nghiệp của quần chúng và cộng đồng. Cùng với đó là nhu cầu đẩy mạnh hội nhập, giao lưu quốc tế trong bảo tồn, quản lý di sản vì bản chất của di sản và văn hóa là giao lưu. Đồng thời phải nghiêm túc thực hiện các cam kết với UNESCO và quốc tế; phải đóng góp bản sắc của Việt Nam để làm phong phú hơn bức tranh toàn cầu về đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc trên thế giới và coi đó là nghĩa vụ và trách nhiệm quốc tế.
 

“Nếu như tôi ở đây đại diện cho UNESCO tại Việt Nam thì chính quý vị mới là những người đại diện cho những giá trị mà UNESCO có thể đem lại cho người dân và cũng chính quý vị, qua những công việc của mình, mới là những người đã giúp cộng đồng hiểu được ý nghĩa của các giá trị đó’’,

Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam ông Michael Croft

Trong những năm qua, việc khai thác di sản để phát triển du lịch đã đem lại nguồn thu không nhỏ cho địa phương. Lượng khách du lịch quốc tế, trong nước tới tham quan các khu di sản ở Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây. Đặc biệt là một số khu di sản như vịnh Hạ Long, quần thể di tích Cố đô Huế, quần thể danh thắng Tràng An, phố cổ Hội An, chùa Hương, Văn Miếu - Quốc Tử Giám...

Mới đây tại lễ kỷ niệm 20 năm đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới và 10 năm Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Mỗi một di sản hiện diện trên đất nước chúng ta là một minh chứng về hình ảnh Việt Nam hội nhập, cởi mở và dung nạp các giá trị văn hóa, văn minh, lịch sử và phát triển của nhân loại, một trong những điển hình là đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn ở tỉnh Quảng Nam”/.
 

Bài: VNP tổng hợp - Ảnh: VNP

Nguồn: Báo ảnh Việt Nam