ASEAN chung tay xử lý rác thải nhựa đại dương

Cập nhật: 12/08/2019
Ô nhiễm đại dương do rác thải, chủ yếu là rác thải nhựa, được xem là thách thức môi trường lớn thứ 2 thế giới, sau biến đổi khí hậu. Để khắc phục vấn đề này, các nước Đông Nam Á đã có những bước đi cụ thể nhằm giảm lượng rác nhựa thải ra môi trường.

Theo số liệu của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc, mỗi năm khoảng 8 triệu tấn rác nhựa thải ra đại dương, đe dọa sự sống của các sinh vật biển, thậm chí còn đi vào chuỗi thực phẩm của con người. Những loài sinh vật nhỏ như rùa biển hay những loài lớn như cá voi đã và đang là nạn nhân trực tiếp của chất thải nhựa. Đặc biệt, châu Á là khu vực gây ô nhiễm môi trường biển nhất do rác thải nhựa, chiếm 60% lượng rác thải nhựa trên đại dương. Trong đó, có 4 trong số 5 quốc gia châu Á nằm  trong danh sách này thuộc Đông Nam Á.

Theo báo cáo của Tổ chức Bảo vệ Đại dương và Trung tâm McKinsey về Doanh nghiệp và Môi trường, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Philippines, đang bùng nổ nhu cầu về các sản phẩm tiêu dùng nhưng lại thiếu cơ sở hạ tầng xử lý rác thải để đối phó với sự gia tăng của các loại túi nhựa. Với đường bờ biển dài, nguồn tài nguyên ven biển phong phú, đi cùng với các dịch vụ du lịch sinh thái, nếu môi trường biển bị hủy hoại, ASEAN sẽ đứng trước nguy cơ mất đi một nguồn thu lớn từ hoạt động kinh tế biển trong khi nhiều người lao động phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp.
 


Một bãi rác thải ở Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN


Con cá voi trong dạ dày chứa tới 6kg rác thải nhựa chết trôi dạt vào bờ biển tại khu bảo tồn Wakatobi thuộc tỉnh Sulawesi, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN


Rác xả bừa bãi bị sóng và gió cuốn vào bờ gây ô nhiễm, làm mất vẻ đẹp tự nhiên tại xã đảo Cam Bình, thành phố Cam Ranh, Khánh Hòa.
Ảnh: Dương Chí Tưởng-TTXVN

 

Nhận định về hoạt động chống rác thải nhựa tại khu vực ASEAN, Giám đốc Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN Theresa Mundita S Lim cho rằng, một số quốc gia đã triển khai các chương trình cụ thể hơn để làm sạch môi trường, trong đó có môi trường biển, bằng cách hạn chế dùng các sản phẩm từ nhựa.

Theo hãng tin Borneo Bulletin, Chính phủ Brunei đang hướng tới mục tiêu loại bỏ túi nhựa khỏi siêu thị từ năm 2019 và khuyến khích người dân dùng túi thân thiện với môi trường. Riêng ở Campuchia, nhiều siêu thị lớn đã áp dụng thu phí  0,1 USD/ túi nhựa đựng hàng để giảm việc sử dụng túi nhựa. Lào đang khuyến khích sử dụng túi tái chế tại khu vực công cộng, thay cho túi nhựa.

Từ năm 2014, Chính phủ Thái Lan đã đưa xử lý rác thải trở thành ưu tiên của chương trình nghị sự với các chính sách giảm sử dụng túi nilon, chai lọ nhựa tại các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp; đồng thời đưa ra lệnh cấm đồ nhựa tại các điểm du lịch. Với mục tiêu tái chế 60% rác thải nhựa vào năm 2021, Chính phủ Thái Lan cũng đang xem xét đánh thuế đối với túi nhựa. Tính riêng tại Thái Lan, hàng năm có khoảng 2 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường.

Việt Nam là quốc gia quyết liệt xử lý vấn nạn rác thải nhựa đại dương. Gần đây, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu tăng cường sự bền vững phát triển kinh tế biển. Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất thải nhựa đại dương cũng như tìm hiểu để xây dựng chính sách quản lý liên quan đến ô nhiễm nhựa trên biển.
 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham gia đi bộ kêu gọi cộng đồng hành động chống rác thải nhựa. Ảnh: Thống Nhất –TTXVN



Xe dọn rác thải nhựa trên bờ biển Kuta, gần Denpasar, đảo Bali, Indonesia. Ảnh: AFP/ TTXVN

Thu gom rác thải nhựa tại bãi biển Dinh Cậu, huyện Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải – TTXVN
 


Mô hình cá bống khổng lồ thu gom rác thải nhựa tại bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng). Ảnh: Trần Lê Lâm – TTXVN


500 đoàn viên, thanh niên ra quân  thu gom rác thải, làm vệ sinh dọc bờ biển Đồi Dương, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh – TTXVN


Đông đảo người dân, du khách tham gia dọn rác khu vực biển Mũi Né, Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh – TTXVN


Vận chuyển máy nén rác thải nhựa ra huyện đảo Trường Sa. Ảnh: TTXVN

 

Các quốc gia còn lại cũng đưa ra những mục tiêu tham vọng về giảm rác thải nhựa. Chính phủ Indonesia cam kết dành 1 tỷ USD/năm để giảm 70% lượng rác thải nhựa trên biển trước năm 2025. Tại Philippines, dù vẫn chưa có lệnh cấm sử dụng túi nhựa trên toàn quốc, nhưng chính quyền một số địa phương  bắt đầu kiểm soát việc sử dụng túi nhựa. Một số trung tâm thương mại Philippines cũng đã thay thế túi nhựa bằng túi giấy, đồng thời khuyến khích khách hàng sử dụng các loại túi có thể tái sử dụng và mang túi riêng để đựng hàng, thay vì dùng túi nhựa. Ở Malaysia, đề xuất lệnh cấm sử dụng túi nhựa cũng đang được xem xét./.
 

Bài: Hải Yến - Ảnh: AFP, TTXVN

Nguồn: Báo ảnh Việt Nam