(TITC) – Sáng ngày 27/11/2019, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) tổ chức Hội thảo xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù khu du lịch thác Bản Giốc. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương đến dự và phát biểu tại hội thảo.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, trong những năm qua, du lịch Cao Bằng có những chuyển biến tích cực, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh cũng như sự phát triển du lịch chung của cả nước. Năm 2018, Cao Bằng đón trên 1,2 triệu lượt khách, tăng 30% so với năm 2017, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 360 tỷ đồng, tăng 90%. Sáu tháng đầu năm 2019, lượng khách đến với Cao Bằng đạt 736.018 lượt, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Đạt được kết quả trên, theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương, một phần nhờ vào sức hút của công viên Địa chất Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu ngày 14/4/2018. Công viên địa chất Non nước Cao Bằng nằm trên địa bàn 9 huyện, trong đó điểm nhấn là Khu du lịch thác Bản Giốc.
Ngày 15/11/2015, Việt Nam và Trung Quốc ký Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên Khu du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc), trong đó nhấn mạnh tăng cường hợp tác giữa hai bên để thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ tại Khu du lịch thác Bản Giốc – Đức Thiên. Tuy nhiên, Khu du lịch thác Bản Giốc phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của vùng.
Toàn cảnh hội thảo
“Hội thảo được tổ chức nhằm tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý góp ý vào dự thảo Đề án “Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù khu du lịch thác Bản Giốc”, đặc biệt là bàn giải pháp xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù hiệu quả, phát huy tối ưu tiềm năng và thế mạnh của Khu du lịch thác Bản Giốc trong thời gian tới” – Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu Đề án, Khu du lịch thác Bản Giốc có nhiều tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù. Về tài nguyên tự nhiên, Khu du lịch thác Bản Giốc có cảnh quan sông, suối, thác, nước, hồ; Công viên địa chất Non nước Cao Bằng; cảnh quan núi rừng, hang động và thung lũng; hệ thống các khu bảo tồn; cảnh quan nhân tạo. Về tài nguyên du lịch văn hóa, nổi bật là văn hóa tâm linh với Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc; di chỉ khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật; những cột mốc thiêng liêng khẳng định chủ quyền Tổ quốc; nghề truyền thống; ẩm thực; lễ hội; nghệ thuật truyền thống.
Hiện nay, Khu du lịch thác Bản Giốc có 9 cơ sở lưu trú với 258 buồng; trong đó khách sạn 1-2 sao được khách du lịch lựa chọn nhiều nhất, tiếp đó là đến nhà nghỉ, nhà khách, nhà trọ; khách sạn từ 3-5 sao; homestay và resort cao cấp.
Về nguồn nhân lực ngành Du lịch, tính đến nay đã có nhiều hộ gia đình có thêm việc làm mới từ tham gia bán hàng lưu niệm, đặc sản địa phương, kinh doanh cung cấp dịch vụ homestay, trong đó cung cấp dịch vụ ăn uống, lưu trú đạt 89,5%; bán hàng lưu niệm (84,2%); cung cấp dịch vụ vận chuyển (47.4%); hướng dẫn viên, thuyết minh (36,8%); cho thuê thiết bị du lịch, phương tiện đi lại (26,3%).
Hoạt động du lịch chủ yếu tại Khu du lịch thác Bản Giốc gồm có nghỉ dưỡng, tham quan, ngắm cảnh, chèo thuyền kayak, đi bè trên sông, tham quan hang động, sinh hoạt cộng đồng, các lễ hội, tìm hiểu nghề truyền thống, ẩm thực, mua sắm tại chợ Cột Mốc 835…
Về số lượng khách du lịch đến với Khu du lịch thác Bản Giốc, năm 2018 chiếm 57% so với lượng khách đến toàn tỉnh, đạt 750.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 80.000 lượt (chiếm 73% lượng khách quốc tế đến toàn tỉnh), khách nội địa đạt 670.000 lượt. Khách quốc tế đến với Khu du lịch thác Bản Giốc chủ yếu là khách châu Âu (81,8%), khách châu Mỹ (9,1%), trong những năm gần đây lượng khách ASEAN cũng tăng đáng kể. Khách nội địa vẫn là lượng khách chủ yếu, chiếm tỷ trọng trên 90%.
Các đại biểu nghe tham luận tại hội thảo
Đối với công tác xúc tiến, quảng bá, trong 2 năm 2018-2019, UBND huyện Trùng Khánh đã tổ chức Lễ hội du lịch thác Bản Giốc. Trong khuôn khổ Lễ hội du lịch thác Bản Giốc tổ chức Lễ hội ánh sáng trong tháng 10/2019 thu hút trên 3 vạn du khách.
Nhóm nghiên cứu đề xuất, trong thời gian tới, định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù Khu du lịch thác Bản Giốc là tập trung vào các sản phẩm: du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái nông, lâm nghiệp; du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe; du lịch văn hóa tâm linh; du lịch ẩm thực và du lịch thể thao mạo hiểm.
Để xây dựng được những sản phẩm du lịch đặc thù, có chất lượng, báo cáo cũng đưa ra một số giải pháp về cơ chế chính sách; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù; phát triển nguồn nhân lực; xúc tiến, quảng bá du lịch; tổ chức quản lý hoạt động du lịch; ứng dụng khoa học công nghệ; liên kết và hợp tác quốc tế; bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch; khuyến khích hỗ trợ cộng đồng hoạt động du lịch.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe tham luận “Một số chính sách và giải pháp đầu tư hạ tầng giao thông cho Khu du lịch thác Bản Giốc” và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong làm du lịch ở một số điểm du lịch trên thế giới.
Ông Trương Thế Vinh – Phó Giám đốc Sở VHTTDL Cao Bằng phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, ông Trương Thế Vinh – Phó Giám đốc Sở VHTTDL Cao Bằng cho biết, sau khi được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, Khu du lịch thác Bản Giốc ngày càng đón được nhiều khách hơn, đặc biệt khách quốc tế từ châu Âu. Trước đây khách thường đi tham quan các địa điểm tại Cao Bằng sau đó sẽ lưu trú tại thành phố, nhưng hiện tại xu hướng đã có sự thay đổi khi khách muốn trải nghiệm dịch vụ homestay tại Khu du lịch thác Bản Giốc, vì vậy nhiều homestay đã được đưa vào hoạt động để phục vụ nhu cầu của du khách. Tuy nhiên những homestay này chưa được quy hoạch đồng bộ, dịch vụ đi kèm cũng còn hạn chế. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Vì vậy tỉnh mong muốn thời gian tới hạ tầng giao thông sẽ được đầu tư đồng bộ, có sự kết nối đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh và 2 công viên địa chất Hà Giang – Cao Bằng, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn cho cộng đồng dân cư địa phương, đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến, quảng bá Khu du lịch.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến phát biểu đóng góp cho xây dựng Đề án nói riêng và phát triển du lịch Cao Bằng nói chung.
Việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù Khu du lịch thác Bản Giốc cần phân tích làm rõ hơn sản phẩm tập trung ưu tiên dựa trên cảnh quan và giá trị văn hóa nổi trội riêng có của Khu du lịch thác Bản Giốc, sản phẩm du lịch bổ trợ, đồng thời xác định lộ trình đầu tư phát triển tại Khu du lịch thác Bản Giốc.
Cũng theo các đại biểu, để du lịch Cao Bằng nói chung và Khu du lịch thác Bản Giốc nói riêng phát triển mạnh hơn trong thời gian tới, bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, công tác xúc tiến, quảng bá, điều quan trọng là tỉnh cần xây dựng những sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của từng thị trường khách, kết nối các điểm du lịch trong tỉnh Cao Bằng và kết nối Cao Bằng với các tỉnh lân cận, tạo thành sự liên kết chặt chẽ. Bên cạnh đó, cần đầu tư nghiên cứu giá trị văn hóa bản địa, đưa cộng đồng vào tham gia du lịch, tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người dân, nâng cao nhận thức trong việc phát triển du lịch đi kèm với bảo vệ môi trường tự nhiên để phát triển bền vững. Ngoài ra cũng xây dựng những chính sách tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch tỉnh, giúp du lịch Cao Bằng có những bước tiến mạnh mẽ.
Tin, ảnh: Thu Thủy