Dự án xây dựng các tuyến du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Xuân Thủy và xã Giao Xuân đã đem lại một cuộc sống mới cho người dân ở đây.
Với lượng khách đều đặn, tuy chưa nhiều, nhưng cũng giúp bà con có thêm thu nhập bên cạnh nghề nông và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Quan trọng hơn, là ý thức của người dân trong việc giữ gìn và bảo vệ vườn quốc gia, bảo vệ hệ sinh thái như tài sản của mình được nâng cao đáng kể.
Tiềm năng phong phú
Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) cách Hà Nội khoảng 150km về hướng đông nam, với tổng diện tích khoảng 7.100ha, là nơi có cảnh quan độc đáo với hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm. Đặc biệt đây là ngôi nhà của hơn 200 loài chim bản địa và chim di cư, trong đó có nhiều loài được ghi tên trong sách đỏ như cò thìa, giang sen, cò trắng Trung Quốc, giẽ mỏ thìa, mòng bể mỏ ngắn, choắt mỏ vàng… Đây là nơi có khu hệ chim lớn và phong phú nhất Việt Nam, hằng năm từ tháng 11, 12, hàng trăm loại chim từ phương bắc di cư xuống phương nam tránh rét đã chọn Xuân Thủy làm nơi dừng chân để tích lũy năng lượng cho hành trình dài hàng nghìn km, hoặc làm nơi trú đông. Lúc cao điểm, số lượng chim ở Xuân Thủy lên tới 30-40 nghìn cá thể.
Từ năm 2006, Vườn quốc gia Xuân Thủy phối hợp cùng Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) giúp đỡ người dân xã Giao Xuân (huyện Giao Thủy) xây dựng tour du lịch sinh thái với điểm nhấn là tuyến xem chim trong khu vực vườn quốc gia. Dự án mang tên “Cộng đồng tham gia phát triển du lịch sinh thái tại xã Giao Xuân, vùng đệm VQG Xuân Thuỷ, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định”.
Ban đầu, du khách tham gia tour du lịch này chủ yếu là khách nước ngoài, các nhà khoa học, các nhà sinh vật học, sau này “tiếng lành đồn xa”, nhiều du khách trong nước, trong đó có cả các câu lạc bộ xem chim, đã kéo về đây chiêm ngưỡng vẻ đẹp thú vị của vùng đất ngập mặn này.
Địa chỉ “Vườn chim Xuân Thủy” xuất hiện cả trên những diễn đàn dành cho giới trẻ, thu hút nhiều bạn trẻ đam mê du lịch bụi và khám phá.
Điểm đầu tiên của tour du lịch, trên đường đi, du khách có thể ghé thăm Vị Khê, ngôi làng trồng cây cảnh nổi tiếng của Nam Định, nơi đây mỗi cây là một tác phẩm nghệ thuật của những nghệ nhân nông dân. Xuôi xuống theo con đường đê biển, điểm thứ hai – xã Giao Xuân - là nơi nghỉ chân và thưởng thức các món ăn đặc trưng của vùng đất này. Người dân Giao Xuân đón khách bằng những điệu hát truyền thống và những món quà đãi khách đậm chất quê như: ngô luộc, khoai nướng…
Ở Giao Xuân, khách du lịch nước ngoài thích nhất tour đạp xe dọc tuyến đê biển, thăm chợ cá buổi sáng sớm, thăm những chòi nuôi ngao, vạng ven biển và tìm hiểu cuộc sống gắn liền với sông nước của người dân nơi đây. Những làng nghề làm nước mắm, quay chậu cảnh, nấu rượu… cũng là các điểm tham quan thú vị trong tuyến du lịch này. Dọc con sông nhỏ chảy qua xã Giao Xuân, du khách còn được xem người dân chài làm nghề đánh cồng cồng, một loại hình đánh bắt cá trên sông, sử dụng thuyền nhỏ, vừa giăng lưới, gỡ cá vừa lắc lư thuyền…
Xã Giao Xuân còn có những ngôi nhà bổi – nhà đặc trưng của vùng đất ven biển ngập nước, cũng là điểm đến thu hút du khách. Nhà bổi là những căn nhà khung gỗ, nền đất, được lợp bằng cói, mỗi mái nhà nặng hơn hai tấn, dày từ 1m-1,2m, mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Qua thời gian, mái bổi xẹp dần xuống, nhưng vẫn rất bền, chịu đựng được sức tàn phá của gió biển. Những căn nhà mái bổi ở Giao Xuân có tuổi thọ hàng trăm năm và được người dân rất giữ gìn từ thế hệ này qua thế hệ khác. Người Giao Xuân cung cấp dịch vụ lưu trú cho du khách, khách ăn ngủ ngay tại nhà dân, nếu may mắn, bạn có thể được nghỉ tại một trong những căn nhà mái bổi này.
Ẩm thực cũng là điều hấp dẫn du khách ở Giao Xuân. Vùng đất ven biển được phú cho nhiều loại đặc sản như: ngao, vạng, don, vọp, móng chân móng tay … Người Nam Định cũng có nhiều cách chế biến món ăn rất đặc biệt, chẳng hạn con móng chân móng tay không chỉ luộc hay xào thông thường mà còn trộn theo kiểu nem thính, ăn lạ miệng và hấp dẫn.
Cuộc sống mới từ du lịch
Từ năm 2004, người dân Giao Xuân đã quen với sự có mặt của những du khách phương xa. Để người dân thành thạo các nghiệp vụ du lịch, MCD đã mời các giáo viên của trường dạy nghề Hoa Sữa đến tận nơi hướng dẫn bà con cách dọn phòng, nấu ăn, phục vụ khách. Hiện nay, số nhà đủ điều kiện lưu trú tại Giao Xuân vào khoảng hơn mười nhà.
Ông Nguyễn Văn Vân, tham gia vào dịch vụ du lịch tại Giao Xuân từ những ngày đầu, cho biết: “Gia đình tôi và anh con trai cả là Nguyễn Văn Thắng đều tham gia cung cấp dịch vụ lưu trú cho khách, đến nay tất cả mọi người trong nhà đều đã thành thạo. Từ ngày làm du lịch, chúng tôi có thêm nguồn thu nhập, ai cũng phấn khởi, nhất là gần đây lượng khách về đều và nhiều hơn. Ngay tuần trước, tôi vừa đón một đoàn du khách Nhật Bản đi xem cò thìa”.
Du lịch không chỉ làm thay đổi cuộc sống, mà còn thay đổi cả cách nghĩ của người dân ở đây. Trước đây, phụ nữ trong gia đình chỉ là lao động phụ, hiếm khi ra khỏi nhà, càng không tham gia những hoạt động xã hội. Nhưng kể từ ngày “du lịch” về làng, rất nhiều phụ nữ đã tham gia các lớp học nghề, đi tuyên truyền bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi chim trời cá biển.
Thu nhập từ nghề mới cũng khiến cho nhiều thợ săn chim ở Giao Xuân “rửa tay gác kiếm”, bỏ nghề săn và tham gia vào CLB bảo vệ chim trời do tổ chức Birdlife hỗ trợ thành lập. Ông Nguyễn Văn Thắng, một thợ săn chim lâu năm, từng có danh hiệu “vua chim”, là một trong những người như vậy. Giờ đây, ông là một thành viên tích cực của CLB, ngoài việc bảo vệ bãi chim Giao Xuân hằng ngày, ông còn là một hướng dẫn viên du lịch lành nghề, kể cho du khách những câu chuyện vô cùng phong phú về các loài chim ở Xuân Thủy.
Có thể thấy, mô hình du lịch sinh thái đã “bén rễ” và bắt đầu đơm hoa tại vùng đất ngập nước này. Người dân có được “cần câu” để sinh sống, hơn nữa, họ nhận thức được sâu sắc những tầm quan trọng và những giá trị quý báu mà khu bảo tồn mang lại cho họ. Thay đổi được nhận thức của người dân là điều quan trọng nhất trong việc bảo vệ thiên nhiên và Vườn quốc gia Xuân Thủy là một trong số ít nơi áp dụng thành công phương thức này.