Với tư cách là quốc gia thành viên của Công ước về các vùng đất ngập nước (Công ước Ramsar), Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động khuyến khích và tăng cường bảo tồn các vùng đất ngập nước nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Vân Long hướng đến chuẩn tiêu chí Danh lục Xanh IUCN
Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình) được công nhận là Khu Ramsar thứ 9 của Việt Nam vào tháng 5/2019. Khu bảo tồn này đạt hai kỷ lục thiên nhiên là “Khu Bảo tồn có đàn Voọc lớn nhất Việt Nam” và “Khu vực có bức tranh tự nhiên lớn nhất Việt Nam - Bức tranh núi Mèo Cào”. Trên hết, Vân Long đã và đang hướng đến một Khu Bảo tồn xanh đạt chuẩn tiêu chí Danh lục Xanh IUCN.
|
Rừng dừa nước Cẩm Thanh (Quảng Nam) đang được hồi sinh. Ảnh: Lan Anh
|
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: Những năm qua, Ninh Bình đã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, xây dựng các quy ước về bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học tại vùng lõi của Khu bảo tồn trên cơ sở tôn trọng quyền lợi và nghĩa vụ của cộng đồng, được chính người dân xây dựng, cam kết và tổ chức thực hiện. Kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.
Quảng Nam hồi sinh những “cánh rừng” ngập nước
Là nơi hội tụ của ba con sông lớn Thu Bồn, Trường Giang và Đế Võng, rừng dừa nước Bảy Mẫu (Hội An, Quảng Nam) có đầy đủ các điều kiện đặc trưng đất ngập nước với hệ sinh thái phong phú các loại động - thực vật nước lợ, nhất là các loài tôm, cua, ghẹ và động vật thân mềm. Sự phát triển của du lịch đã kéo theo diện tích rừng dừa Cẩm Thanh bị suy giảm nghiêm trọng số lượng lẫn chất lượng.
Nhận ra nguy cơ mất rừng dừa nước đang hiện hữu, gây ảnh hưởng lớn tới sinh quyển, môi trường sống, chính quyền và bà con nhân dân ở các thôn xóm thuộc xã Cẩm Thanh đã nỗ lực bảo vệ, cùng với các cấp chính quyền để phục hồi rừng rừng dừa nước. Qua 3 - 4 năm, bây giờ, hàng chục héc ta cây dừa nước cao hơn 1m nhuộm màu xanh ở cuối sông Thu Bồn. Ngoài rừng dừa hàng chục năm tuổi chạy dọc ven sông hơn 30ha, từ năm 2017, tỉnh còn dành 25 tỷ đồng triển khai dự án trồng và phục hồi rừng dừa nước ven biển Cẩm Thanh. Để bảo vệ nghiêm ngặt rừng, chính quyền xã Cẩm Thanh đang lập các thủ tục xử phạt hành chính các trường hợp chặt phá rừng.
Trước sự tàn phá dữ dằn của sóng nước mỗi mùa mưa lũ đi qua khi không còn rừng ngập mặn che chắn, hơn 10 năm qua, gần 200 hộ dân thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, huyện Núi Thành ra sức bảo vệ rừng. Theo thống kê, toàn xã Tam Giang có gần 30 hecta rừng ngập mặn nằm rải rác ở các thôn. Trong đó, Rừng Miếu – dọc ven sông Trường Giang, đoạn qua làng Đồng Xuân chiếm khoảng 20 ha chủ yếu là các loại cây mắm, mắm sừng, đước, bần, cóc… mọc tự nhiên và do dân trồng. Ngoài chức năng chắn sóng gió, bảo vệ làng mạc ít khi bị sạt lở đất, rừng Miếu còn giúp cá, tôm, sinh sản nhiều, nuôi sống lại người dân.
“Xanh hóa” đất ngập nước hạ lưu sông Mê Công
Các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long quan tâm khôi phục diện tích đất ngập nước tạo sân bãi, thức ăn thu hút các loài chim, cò cũng như sinh kế cho người dân.
Năm 2020, Khu bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (Hậu Giang) đã có phương án khôi phục lại diện tích hơn 100 ha đất ngập nước tại phân khu phục hồi sinh thái để thu hút các loài chim, cò, góp phần duy trì và phát triển các loài động thực vật tại khu bảo tồn này.
Còn tại Đồng Tháp, trong thời gian tới, ngoài việc giữ nước, quản lý tốt mực nước tạo môi trường sống cho các thảm thực vật, Vườn Quốc gia Tràm Chim đã đề xuất phục hồi 450 ha lúa ma tạo nguồn gen và phục vụ phát triển du lịch. Đồng thời, phục hồi khoảng 90 ha đất ngập nước tạo bãi cho loài cỏ năn kim phát triển làm thức ăn thu hút Sếu đầu đỏ.
Thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng cho thấy, trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2019, các cấp, các ngành, đoàn thể đã trồng được gần 1.000 ha mắm, đước, bần trên đất bãi bồi ven biển, nâng tổng diện tích rừng phòng hộ ven biển hiện có tại địa phương này là hơn 7.200ha.