Nếu để nói về một khía cạnh tích cực liên quan đến bảo tồn loài trong đại dịch covid-19 thì đó là việc Trung Quốc và Việt Nam cùng thúc đẩy lệnh cấm sử dụng, tiêu thụ động vật hoang dã.
Hai quốc gia được cho là góp phần gây ra tỷ lệ tử vong tăng vọt của các động vật nguy cấp như tê giác, voi và tê tê – những loài bị giết để ăn và làm “thuốc chữa bệnh” đầy vi diệu. Nhưng nạn buôn bán và các chợ tươi sống không chỉ gây ra đợt bùng phát gần đây, mà cả dịch SARS năm 2002, cúm lợn…
Các sản phẩm từ voi vẫn bị buôn bán tràn lan. (Ảnh: TNN)
Tháng 1 vừa qua, Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đối với tất cả các hoạt động nuôi và tiêu thụ động vật hoang dã trên cạn có giá trị sinh thái, khoa học và xã hội quan trọng. Lệnh cấm này dự kiến trở thành luật vào cuối năm nay.
Và tới lượt mình, Việt Nam cũng cân nhắc ngừng nhập khẩu động vật làm thức ăn sau bức thư ngỏ của các tổ chức bảo tồn gửi Thủ tướng Chính phủ.
Bức thư được Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Pan Nature), WWF, Tổ chức Động vật Châu Á (AAF), TRAFFIC, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã (SVW), WCS cùng một số tổ chức ký nêu bật quan điểm: “Hạn chế tương tác giữa động vật hoang dã và con người thông qua thực thi pháp luật mạnh mẽ chống lại buôn bán động vật hoang dã và thị trường động vật hoang dã là cách tiếp cận hiệu quả nhất để giảm thiểu rủi ro trong tương lai liên quan đến việc truyền bệnh giữa động vật và con người”.
“Là nguồn gốc của đợt bùng phát đặc biệt này, Trung Quốc đã thực hiện một số hành động quan trọng để giảm thiểu rủi ro bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm trong tương lai bằng cách tạm thời đóng cửa tất cả các chợ động vật hoang dã. Biện pháp này là sự thừa nhận các mối đe dọa nghiêm trọng mà Việt Nam phải đối mặt”.
“Để đảm bảo an toàn quốc gia, an ninh kinh tế và sức khỏe của cộng đồng và hệ sinh thái quý giá của Việt Nam, chúng tôi đề nghị chính phủ Việt Nam thực hiện các hành động mạnh mẽ và bền vững để ngăn chặn mọi hoạt động buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay sau đó đã phúc đáp thư ngỏ bằng việc giao cho Bộ NN&PTNT soạn thảo chỉ thị cấm buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã, trình Chính phủ xem xét vào 1/4.
Deborah Calmeyer, người điều hành tổ chức ROAR châu Phi rất phấn khích về viễn cảnh buôn bán động vật hoang dã có thể bị kiềm chế.
“Tôi cho rằng cuối cùng chúng ta đã gần như chắc chắn có được một kết quả tích cực. Nhiều người đã thông suốt và điều này sẽ giúp làm giảm nhu cầu tiêu thụ các loài độc lạ, thậm chí ngay cả những người không quan tâm đến các loài động vật cũng sẽ cẩn trọng hơn với yêu cầu kiểm soát buôn bán động vật hoang dã để bảo vệ chính họ. Một khi đại dịch được kiểm soát và “vết thương” được gỡ băng gạc, thế giới sẽ chú ý đến nguyên nhân ban đầu. Thậm chí có thể trừng phạt thương mại đối với các quốc gia không nỗ lực kiểm soát buôn bán động vật hoang dã”.
Nhật Anh (Theo New York Post)