Diện tích núi đá vôi của tỉnh Kiên Giang, chỉ có trên dưới 8km² được phân bổ dọc tuyến ven biển thuộc địa bàn huyện Kiên Lương, thị xã Hà Tiên.
Tuy nhiên, đây lại là vùng đang chứa đựng một nguồn tài nguyên đa dạng sinh học cao vào hàng nhất, nhì thế giới.
Đó là kết luận được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đưa ra mới đây, tại hội thảo Khoa học “Đa dạng sinh học núi đá vôi Kiên Giang” do UBND tỉnh, Viện Sinh học Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.
Qua khảo sát nghiên cứu bước đầu cho thấy, vùng núi đá vôi Kiên Giang đang ẩn chứa một thảm động, thực vật vô cùng phong phú, một số loài thuộc dạng đặc hữu, loài mới được phát hiện rất bổ ích cho công việc bảo tồn nguồn zen và nghiên cứu về đa dạng sinh học trong tương lai. Chỉ riêng hệ thực vật, hiện vùng núi này có hơn 350 loài thuộc 230 chi, gần 100 họ. Trong đó có những loài mới được phát hiện lần đầu tiên, có tên khoa học Begoniabataiensis Kiew (thuộc họ thu hải đường), loài Ornithoboea emarginata... Riêng đối với hệ động vật ngoài nguồn lợi tôm cá, một số loài bò sát, loài nhuyễn thể 2 mãnh, tại đây còn có đến hơn 300 loài chim nước ( kể cả một số loài chim di trú theo mùa), loài có nguy cơ tuyện chủng cao như Hạt cổ trắng, Sếu đầu đỏ. Và đặc biệt tại đây, lần đầu tiên phát hiện ra loài cò quắm cánh xanh, loài chim mà lâu nay được coi như tuyệt chủng.
Thế nhưng, trong những năm gần đây vùng núi đá vôi duy nhất ở ĐBSCL này, đang phải đối mặt với nguy cơ bị hủy hoại đến mức báo động do những tác động của con người, nạn khai thác đá vôi để sản xuất vật liệu xây dựng đang diễn ra nhanh chóng. Nếu không có biện pháp hữu hiệu hạn chế tình trạng huỷ diệt thì vùng núi đá vôi Kiên Giang sẽ bị biến mất trong tương lai gần là điều không thể tránh khỏi. Cho nên, các khoa học kiến nghị thành lập “Khu bảo tồn núi đá vôi Kiên Giang” để vừa không chỉ giữ gìn, tôn tạo cảnh quan môi trường, giữ vùng đất có nhiều di tích văn hóa, di tích lịch sử và là nơi có hệ động, thực vật vô cùng phong phú còn lại của vùng đất Tây Nam.