Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc giảm thiểu rác thải nhựa, các đơn vị trong tỉnh đã và đang có nhiều nỗ lực và hành động quyết liệt thông qua nhiều phong trào và mô hình cụ thể.
Đoàn viên thanh niên (ĐVTN) và các em nhỏ trên địa bàn xã Cái Chiên (Hải Hà), bỏ rác thải nhựa vào cá. Ảnh: Ngô Dịu
Mô hình độc đáo “Hãy cho cá xin rác thải nhựa” được Đoàn Khối các cơ quan tỉnh phối hợp Đoàn Thanh niên xã Cái Chiên (Hải Hà) triển khai đã nhận được sự phản hồi tích cực không những của người dân trong tỉnh mà còn cả với du khách thập phương. Mô hình được đưa vào sử dụng tại các bến phà và bãi biển của xã Cái Chiên từ năm 2019, đến nay đã cho thấy được hiệu quả rõ rệt.
Với chiều dài 5m, chiều cao 2m được làm bằng khung sắt và tạo hình bằng lưới, mỗi “chú cá” có thể chứa từ 4-5 tạ rác thải nhựa các loại. Việc làm này đã gây ấn tượng mạnh mẽ với du khách khi đến du lịch tại đây, đồng thời truyền đi thông điệp về bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng rác thải nhựa. Các đoàn viên thanh niên xã Cái Chiên cũng đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể tăng cường tuyên truyền, khuyến khích các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thực hiện mô hình.
Vào tháng 4/2018, huyện Cô Tô triển khai thực hiện Đề án “Hạn chế việc sử dụng túi nilon trên địa bàn huyện Cô Tô giai đoạn 2017-2020”. Từ khi bắt đầu thành lập, huyện đã thành lập các tổ tuyên truyền về bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon và phân loại rác thải tại nguồn. Các cán bộ, công chức, người dân trên địa bàn huyện đều hưởng ứng và thực hiện ký cam kết không sử dụng túi nilon. Bên cạnh đó, các chủ tàu thuyền, nhà hàng, khách sạn… được tuyên truyền và đã sử dụng các đồ như làn nhựa, túi giấy thân thiện với môi trường.
Phụ nữ phường Hà Trung (TP Hạ Long) đang thực hiện tái chế rác thải nhựa tại gia đình.
Trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện nhiều mô hình chống rác thải nhựa của các hội viên phụ nữ, điển hình là mô hình phân loại rác thải tại hộ gia đình và biến rác thải thành tiền. Mục đích của mô hình là phụ nữ sẽ phân loại rác thải tại gia đình trước khi mang ra điểm tập kết rác tập trung. Mô hình không những đạt hiệu quả về việc thu gom, xử lý rác thải mà còn tạo điều kiện để hỗ trợ, giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Các cơ sở của phụ nữ trên địa bàn tỉnh cũng tích cực vận động chị em phụ nữ cùng gia đình hạn chế sử dụng rác thải nhựa dùng 1 lần như: Chai, lọ, túi nilon. Thay vào đó sẽ thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường bằng cách dùng làn đi chợ, dùng hộp đựng thực phẩm…
Thời gian qua, Hội LHPN TP Hạ Long đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông về “Giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường”, điển hình là 8 buổi truyền thông tại chợ Hạ Long 1, Hạ Long 3, chợ Cột 3 cho gần 1.500 lượt tiểu thương. Hội LHPN các phường: Hà Trung, Cao Thắng, Yết Kiêu... đã thực hiện thu gom chai nhựa, túi nilon đã qua sử dụng để làm gạch, làm vật liệu xây dựng ghế, bồn hoa sinh thái, hoặc làm các vật dụng phục vụ sinh hoạt đời sống (túi xách, lẵng hoa, đồ chơi). Đồng thời, từ nguồn rác hữu cơ được phân loại, các cơ sở hội còn tận dụng làm phân vi sinh để trồng trọt. Tại các phường Hồng Gai, Hà Phong bước đầu triển khai làm được 24 tấn phân vi sinh bón cây trồng từ rác thải hữu cơ sinh hoạt, giảm chi phí trồng trọt lên đến 12 triệu đồng.
Phụ nữ phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả) thực hiện hiệu quả mô hình thùng đựng rác tái chế từ thùng sơn cũ.
Bằng cách làm sáng tạo, đầu tháng 2/2020, Hội LHPN Cẩm Phả đã thực hiện việc tái chế thùng đựng rác sinh hoạt từ những thùng xốp, thùng sơn cũ. Ý tưởng này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo hội viên phụ nữ. Các chị em phụ nữ đã cùng đi tuyên truyền, vận động các hộ gia đình có thùng sơn cũ, tập trung lại để làm sạch, phun sơn, trang trí thêm họa tiết để làm thành những thùng đựng rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh. Đến thời điểm này, mô hình đã được triển khai ở 11/16 xã, phường và đã hoàn thành được trên 2.500 thùng rác tái chế.
Bà Phạm Mai Hương, Chủ tịch Hội LHPN Cẩm Phả, cho biết: Mô hình này đã đem lại hiệu quả rất rõ ràng, đó là ý thức của người dân được nâng lên, tình trạng vứt rác bừa bãi ở các khu xóm đã được hạn chế, từ đó từng ngõ, xóm đã dần thay đổi diện mạo, cảnh quan ngày càng được cải thiện rõ rệt…
Vân Anh