Khởi động chiến dịch “No, Thanks!”, kêu gọi thực hành lối sống xanh trong giới trẻ

Cập nhật: 01/04/2020
Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE) vừa phát động chiến dịch “No, Thanks!” với thông điệp “say No, Thanks to single-use plastics” (Hãy nói không với nhựa sử dụng một lần”) nhằm kêu gọi mọi người dân thực hành lối sống xanh vì Trất đất. Nghệ sĩ Châu Bùi được chọn là đại sứ của chiến dịch này.

Kết hợp nhịp nhàng và sáng tạo giữa thời trang và âm nhạc, chiến dịch “No, thanks!” cùng đại sứ Châu Bùi đã mang thông điệp bảo vệ môi trường đến gần hơn với giới trẻ, kêu gọi mỗi cá nhân thực hành lối sống “No, Thanks!”, thay đổi thói quen tiêu dùng hướng đến một hành tinh không rác thải nhựa. Đây là chiến dịch mới nhất trong khuôn khổ phong trào môi trường iChange Plastics (Tôi thay đổi).

Nói về quan điểm trong việc dùng thời trang và âm nhạc kêu gọi bảo vệ môi trường, Châu Bùi cho biết đây là cách làm mới mẻ và sáng tạo, bởi một khi những thông điệp càng được hình ảnh hóa một cách rõ ràng, cụ thể, và truyền đi thú vị như thế thì càng trở nên dễ hiểu, gần gũi hơn, để mọi người có thể thực sự cảm nhận và bắt tay vào thay đổi thói quen.

Poster của chiến dịch “No, Thanks!” với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ trẻ

Bắt nhịp nhanh với xu hướng sống xanh “No, Thanks!”, các nghệ sĩ trẻ như Bùi Công Nam, Kimmese, Helly Tống, Quang Đại, Trang Hý, Quỳnh Anh Shyn và fitness trainer Linn Nguyễn đã đồng loạt đăng những bài viết chia sẻ quan điểm và kêu gọi cộng đồng cùng thay đổi thói quen tiêu dùng và nhận được hưởng ứng tích cực từ người hâm mộ. Những nghệ sĩ này cũng sẽ xuất hiện trong một sản phẩm âm nhạc thuộc chiến dịch “No, Thanks!”, ra mắt vào ngày 4.4.2020 trên kênh Youtube và Fanpage của CHANGE.

Theo thống kê, hằng năm, trên thế giới, lượng rác nhựa thải ra biển đạt con số khủng khiếp với hơn 8,8 triệu tấn/năm, gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đại dương và sự sống của hơn 200 loài sinh vật biển. Trong đó, sự đóng góp của Việt Nam vào sự ô nhiễm này là không hề nhỏ khi liên tiếp giữ vị trí top 5 trong bảng xếp hạng những quốc gia có lượng rác nhựa thải ra biển nhiều nhất trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn có cơ hội để ngăn chặn hậu họa từ rác thải nhựa nếu mỗi người dân cùng chung tay, xây dựng ý thức chủ động từ chối với các sản phẩm nhựa dùng một lần.

T.Trang

Nguồn: Báo Văn hóa