Quảng Nam: Bảo tồn, phát triển vùng sinh cảnh rừng

Cập nhật: 13/04/2020
Từ các dự án phi chính phủ, chương trình nước ngoài tài trợ cùng với nỗ lực của chính quyền và ngành chức năng, Quảng Nam thiết lập nhiều khu bảo tồn giải cứu các loài động vật hoang dã quý hiếm trên đà tuyệt chủng.


Đàn voi đực 2 con vừa ghi nhận tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi thuộc huyện Nông Sơn.
(Ảnh do dự án Trường Sơn Xanh cung cấp)

Bảo tồn đàn voi

Hình ảnh đàn voi rừng hung dữ phá hoại hoa màu của người dân xã Quế Lâm (Nông Sơn) cách đây hơn 3 năm vẫn còn lưu giữ trong trí nhớ của ông Nguyễn Hòa (thôn Cấm La, xã Quế Lâm).

Ông nhớ lại: “Vào sáng mồng 1 Tết Đinh Dậu 2017, cả đàn voi khoảng 5 con ra tận bìa rừng để tìm kiếm thức ăn. Bình thường chúng quanh quẩn ở khu vực Vũng Thùng, Khe Dứa, Khe Cắt thuộc tiểu khu 454 (xã Quế Lâm), nhưng không biết sao đầu năm mới chúng hạ sơn. Sợ voi tấn công, nhiều người bỏ chạy. Thế nhưng kể từ ngày đó, khi được kiểm lâm tuyên truyền người dân đã làm bạn thân thiện với con vật này”.

Trong bối cảnh thực hiện dự án “Khẩn cấp bảo tồn voi và nâng cao năng lực kiểm soát buôn bán ngà voi ở Việt Nam”, năm 2017, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi được thành lập. Nhưng điều quan trọng, người dân sống ven rừng đã thay đổi suy nghĩ lẫn hành động, từ chỗ “đối đầu” với voi đã chuyên sang “làm bạn” với nó.

Từ hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), các chuyên gia của dự án Trường Sơn Xanh đã “nếm mật nằm gai” nhiều ngày trong rừng thu thập điều tra đa dạng sinh học tại khu bảo tồn. Các hoạt động của dự án đều hướng đến mục tiêu ngăn chặn hành vi xâm hại voi; giảm thiểu xung đột giữa voi và người.

Đến nay, USAID hỗ trợ áp dụng công cụ SMART trong tuần tra, giám sát rừng. Và thú vị hơn, sau thời gian điều tra, ngày 8/4, dự án Trường Sơn Xanh phối hợp với Sở NN&PTNT chính thức công bố ghi nhận đàn voi gồm 8 cá thể.

Hình ảnh tại hiện trường xác định đàn voi gồm 1 con voi đực trưởng thành, 1 voi đực bán trưởng thành, 3 voi cái trưởng thành, 2 voi cái bán trưởng thành và 1 voi con khoảng 1 tuổi.

“Đây là tin vui vì chỉ hơn 2 năm sau khi USAID hỗ trợ Quảng Nam thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi, tại huyện Nông Sơn đã đón nhận thêm cá thể voi mới” - ông Lê Minh Hưng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói.

Được biết các cuộc điều tra trước đây chủ yếu dựa trên phỏng vấn, chưa làm rõ cấu trúc tuổi, giới tính của quần thể voi tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi và chỉ ước tính khoảng từ 5 - 7 cá thể voi. Kết quả điều tra cũng cho thấy, vùng sống chủ yếu của đàn voi là khu vực phía nam của khu bảo tồn, nơi tập trung rừng hỗn giao tre nứa, xác định cụ thể giới tính, độ tuổi của từng cá thể voi.

Phục hồi hệ sinh thái rừng

Năm 2019, dãy rừng Trung Trường Sơn đã được tiếp tục bảo vệ xuyên biên giới. Nối tiếp thành quả của giai đoạn 1, Dự án dự trữ các bon và bảo tồn đa dạng sinh học (CarBi) giai đoạn 2 (2019 – 2024) được Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tiếp tục bảo vệ, phục hồi và thúc đẩy sử dụng bền vững các hệ sinh thái, đồng thời bảo tồn đa dạng sinh học của khu vực Trung Trường Sơn.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh cảnh báo, rừng Trường Sơn luôn đối mặt với nhiều nguy cơ, nổi cộm là tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng rừng bất hợp pháp; nạn khai thác, vận chuyển, tiêu thụ gỗ lậu, việc săn bắt và buôn bán động vật hoang dã trái phép chưa có dấu hiệu dừng lại.

Theo cơ quan kiểm lâm, ngoài hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng dân cư các huyện miền núi phát triển các sản phẩm bản địa truyền thống, trồng cây dược liệu dưới tán rừng, phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, dự án sẽ xác định những “điểm nóng” buôn bán và nhà hàng phục vụ thịt động vật hoang dã; hợp tác với chính quyền địa phương để tăng cường thực thi pháp luật.

Tại Khu bảo tồn sao la, Vườn Quốc gia Bạch Mã đã phục hồi đáng kể về đa dạng sinh học từ khi dự án CarBi thực hiện. Một cách thức tiếp cận giữ rừng hiện đại, không dựa quá nhiều vào lực lượng kiểm lâm bước đầu tạo ra chuyển biến tích cực.

Sở NN&PTNT đánh giá, hơn 1.000 hộ dân ở các thôn bản của huyện Đông Giang, Tây Giang được hưởng lợi dự án có thể tìm kiếm sinh kế ổn định qua các mô hình kinh tế mà không phải phụ thuộc quá nhiều vào khai thác lâm sản trong rừng. Mô hình tuần tra cộng đồng đã thu hút ngày càng nhiều sự tham gia của cộng đồng địa phương vào công tác quản lý và bảo tồn tài nguyên rừng.

Mặt khác, sự hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ của dự án đã tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ kiểm lâm và bảo vệ rừng ở Khu bảo tồn sao la và các ban quản lý rừng phòng hộ. Theo Chi cục kiểm lâm tỉnh, mục tiêu cuối cùng của triển khai CarBi giai đoạn 2 chính là phục hồi hệ sinh thái bị tổn thương ở khu vực rừng Trung Trường Sơn.

Trần Hữu
 

Nguồn: Báo Quảng Nam