Một trong những vấn đề “nóng” của Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long hiện nay là tính toàn vẹn, cụ thể là tính toàn vẹn của hệ thống các đảo trong phạm vi khu di sản bởi sự đe dọa của “tai biến” địa chất ngày một rõ ràng hơn...
Hòn Thiên Nga bị trượt lở một phần
Một nhóm nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT) vừa thực hiện xong đề tài “Nghiên cứu đánh giá hiện trạng sạt lở, đổ lở và xói lở bờ hệ thống đảo làm cơ sở cho việc quản lý bảo tồn và khai thác hợp lý giá trị di sản phục vụ phát triển bền vững kinh tế xã hội khu vực vịnh Hạ Long và Bái Tử Long”, đã đưa ra những cảnh báo mới nhất. Bởi trước đó, theo báo cáo của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, trượt lở đã làm mất một phần, thậm chí toàn bộ một số đảo trên vịnh, điển hình như các hòn 649 năm 2013, hòn Thiên Nga năm 2016...
Hòn Thiên Nga lúc còn nguyên vẹn Ảnh: Đỉnh Loan
Nhận diện các “tai biến” địa chất
Trên cơ sở điều tra khảo sát 4 yếu tố chính gồm thạch học, hướng phơi sườn, độ dốc sườn, mật độ giao cắt lineament đã được lựa chọn để phân tích đánh giá, sử dụng ma trận Saaty và chỉ số thống kê tích hợp đa biến (LSI); và kết quả tại hai hệ tầng đá vôi chính của khu vực nghiên cứu là Bắc Sơn (C-Pbs) và Cát Bà (C1cb), nhóm nhà khoa học trên đã phân chia được 5 cấp độ nguy cơ trượt lở, tương ứng với các chỉ số LSI.
Cụ thể, đối với các đảo đá vôi hệ tầng Bắc Sơn, nguy cơ trượt lở thấp và rất thấp chiếm 66,6% diện tích, nguy cơ trượt lở trung bình chiếm 25,6% diện tích và nguy cơ trượt lở cao và rất cao chiếm 7,9% diện tích. Đối với các đảo đá hệ tầng Cát Bà, nguy cơ trượt lở thấp và rất thấp chiếm 45,71% diện tích, nguy cơ trượt lở trung bình chiếm 47,81% diện tích và nguy cơ trượt lở cao và rất cao chiếm 6,47% diện tích. Theo đó, trượt lở các đảo ở Vịnh Hạ Long là một quá trình, hiện tượng địa chất chủ yếu là tự nhiên, chỉ trở thành tai biến khi gây thiệt hại hoặc có nguy cơ gây thiệt hại cho con người, cơ sở vật chất và môi trường. Việc trượt lở các đảo ở Vịnh Hạ Long ít nhất cũng làm ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của các giá trị di sản, và vì thế rõ ràng là một dạng tai biến địa chất.
Các đảo ở Vịnh Hạ Long theo thành phần thạch học, cơ bản được cấu thành từ hai loại đá là đá vôi dạng khối hoặc phân lớp dầy, thành phần tương đối đồng nhất, thế nằm khá thoải, được xếp vào hệ tầng Bắc Sơn; đá vôi sét, đá vôi silic xen sét kết... phân lớp mỏng đến trung bình, bị uốn nếp mạnh, thế nằm thay đổi có khi đến dốc đứng, được xếp vào hệ tầng Cát Bà. Trên các đảo này vỏ phong hóa ít phát triển, thảm thực vật không dầy, đồng thời tính chất cơ lý của các loại đá trên cơ bản cũng không thay đổi, vì thế các yếu tố này có thể không cần xem xét đến trong quá trình đánh giá, phân vùng. Tuy vậy, các loại đá lại tác động khá lớn đến hình thái các đảo cũng như các kiểu loại trượt lở. Chẳng hạn các đảo cấu thành từ đá vôi hệ tầng Bắc Sơn chủ yếu sẽ có vách dốc đứng ở cả bốn phía, đồng thời chân đảo thường bị xói mòn (tạo hàm ếch) đáng kể. Trượt lở xảy ra chủ yếu dọc theo các đứt gãy, khe nứt, đới dập vỡ. Ngược lại, các đảo cấu thành từ đá vôi sét, đá vôi silic hệ tầng Cát Bà, tùy thuộc vào hướng và góc dốc của bề mặt phân lớp, sẽ có một vách khá dốc đứng trong khi vách phía đối diện thoải hơn (ví dụ các đảo Titov, Soi Sim...). Mức độ xói mòn chân đảo tạo hàm ếch ở các đảo này cũng ít hơn. Trượt lở ngoài các bề mặt giảm yếu kể trên, trong nhiều trường hợp, còn xảy ra dọc theo mặt phân lớp...
Một góc Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long Ảnh: Nguyễn Tuấn
Và những kiến nghị không thể bỏ qua
Qua khảo sát thực địa, các nhà khoa học đã xác định tổng cộng được 456 điểm đã và đang có nguy cơ xảy ra trượt lở, trong đó 288 điểm trên các đảo đá hệ tầng Bắc Sơn, 168 điểm trên các đảo đá hệ tầng Cát Bà. Tiến hành chồng ghép bản đồ hiện trạng trượt lở lên các bản đồ thành phần đã được thành lập. Từ đó phân tích, đánh giá ảnh hưởng của từng yếu tố, phân chia thành các cấp độ phù hợp để phục vụ việc thành lập bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở hệ thống các đảo.
Bản đồ phân cấp mức độ nhạy cảm LSI được phân ra 5 mức độ nhạy cảm đối với cả hai hệ tầng đá vôi, tương ứng với các cấp độ nguy cơ rất thấp, thấp, trung bình, cao và rất cao. Các đảo đá vôi hệ tầng Bắc Sơn chủ yếu có nguy cơ trượt lở, đổ lở rất thấp đến thấp (chiếm đến 2/3 diện tích). Nguy cơ trượt lở trung bình chiếm 1/4 diện tích và nguy cơ trượt lở cao và rất cao chiếm chỉ khoảng 8% diện tích. Tương tự như vậy, đối với các đảo đá vôi hệ tầng Cát Bà nguy cơ trượt lở thấp và rất thấp chiếm khoảng 45% diện tích; nguy cơ trượt lở, trung bình chiếm khoảng 48% diện tích; và nguy cơ trượt lở cao và rất cao chiếm khoảng 7% diện tích.
Từ kết quả khảo sát và nghiên cứu nêu trên, nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản kiến nghị: Các khu vực có nguy cơ trượt lở cao và rất cao cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoặc cắm biển cảnh báo, hạn chế người và các phương tiện qua lại, đặc biệt vào mùa mưa bão. Áp dụng một số phương pháp quan trắc đối với các khu vực đang có hoạt động du lịch, đồng thời lại có nguy cơ trượt lở cao và rất cao như quan trắc tốc độ ăn mòn chân đảo, quan trắc tốc độ dịch chuyển của hệ thống khe nứt, quan trắc cảnh báo trượt lở... Tiếp tục triển khai nghiên cứu chi tiết về trượt lở đối với các đảo trên khu vực Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Đặc biệt các đảo có dân cư sinh sống và đang được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng lớn như đường sá, cầu cống, nhà cao tầng... như ở các đảo Cái Bầu, Quan Lạn, Cô Tô, Thanh Lân...
V.Hào - L.Sơn