Nhân "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam" (19/4): Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc

Cập nhật: 17/04/2020
Nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 19/4 hằng năm là "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam".

Đối với tỉnh Bắc Kạn, trong những năm qua, để tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, các cấp, ngành, địa phương đã thường xuyên tuyên truyền, có các hoạt động cụ thể nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc trong thực tiễn. Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 17/11/2008 lấy ngày 19/4 hằng năm làm "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam", các hoạt động càng được đẩy mạnh.

Đồng chí Phạm Duy Hưng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" do Chủ tịch nước tặng các cá nhân của tỉnh có nhiều cống hiến trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa.

Hoạt động giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc được triển khai phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của từng địa phương, tạo được hiệu ứng lan tỏa, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội. Các hoạt động hưởng ứng "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam" được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng các địa phương tổ chức với nhiều hình thức và nội dung phong phú, tạo không khí phấn khởi, thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc.

Ngoài các hoạt động thường xuyên, hằng năm, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp cùng các địa phương tổ chức các hoạt động hưởng ứng "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam" gắn với các hoạt động cụ thể nhằm tôn vinh, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. Cụ thể, năm 2018 phối hợp với UBND huyện Chợ Đồn tổ chức chương trình hưởng ứng “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”, công bố Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao đỏ, xã Ngọc Phái (Chợ Đồn) là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; năm 2019, phối hợp với huyện Na Rì tổ chức trọng thể lễ trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 2 gắn với tổ chức các hoạt động hưởng ứng "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam".

Bên cạnh đó, từ năm 2008 đến năm nay, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã triển khai nhiều dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, như: Lễ hội Lồng tồng tại xã Bằng Vân (Ngân Sơn); Lễ Phjất Lăng của người Dao đỏ thôn Nà Vài, xã Quảng Khê (Ba Bể); Lễ 3 ngày tuổi của người Dao Sán Chí, xã Bộc Bố (Pác Nặm)... Triển khai các dự án như: Bảo tồn “Lễ hội Màng của người Dao Tiền, huyện Ngân Sơn”; Bảo tồn “Lễ hội lồng tồng Phủ Thông, huyện Bạch Thông”.

Việc phối hợp triển khai các hoạt động cụ thể nhằm hưởng ứng "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam" đã góp phần tích cực trong giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn.

Bên cạnh kết quả đạt được, sự phối hợp trong việc đưa thông tin đến quần chúng nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn chưa thường xuyên; hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, điểm vui chơi giải trí ở vùng sâu, vùng xa dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn "vừa thiếu, vừa yếu"; kinh phí dành cho công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cũng như đầu tư cơ sở vật chất phát triển các thiết chế văn hóa còn hạn chế…

Thời gian tới, để giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, triển khai hiệu quả hơn nữa các hoạt động hưởng ứng "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam", theo đồng chí Hoàng Thị Tho - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Cần đẩy mạnh hơn các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc giữ gìn bản sắc, phát huy giá trị truyền thống văn hóa dân tộc. Có cơ chế đặc thù đối với những nghệ nhân, những người làm công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống ở cơ sở; khen thưởng kịp thời đối với những nghệ nhân phục dựng thành công các giá trị văn hóa của địa phương nhằm ghi nhận những cống hiến đối với sự nghiệp gìn giữ, phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch cho bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Xây dựng cơ chế liên kết, lồng ghép các chương trình mục tiêu, các dự án vào công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của các làng nghề thủ công truyền thống, sưu tầm các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, tạo nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm tạo nguồn lực vừa tôn vinh văn hóa dân tộc vừa góp phần giúp cho người dân có thêm việc làm để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo… Đồng thời, nâng cao tính hiệu quả trong công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, các địa phương trong việc triển khai các hoạt động liên quan, góp phần phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn./.

Hoàng Vũ

Nguồn: Báo Bắc Kạn