Từ việc được "hưởng lợi" không khí trong lành trong những ngày qua, các địa phương cần có các giải pháp tiếp theo như hạn chế phương tiện lưu thông, thanh lọc các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường...
So với thời điểm cuối năm 2019, người dân các TP lớn như TP Hà Nội và TP HCM được khuyến cáo hạn chế ra đường vì chất lượng không khí kém thì những ngày cao điểm phòng chống dịch Covid-19, không khí trở nên trong lành hơn rất nhiều.
Nhân viên của Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường đo chất lượng không khí tại ngã tư An Sương (TP HCM)
Tràn ngập sắc xanh
Các kết quả quan trắc cho thấy chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại TP Hà Nội cải thiện đáng kể trong nhiều ngày qua. Cụ thể, khoảng 90% điểm đo trên ứng dụng của PAM Air đều phủ màu xanh (mức tốt) và màu vàng (mức vừa phải), số ít còn lại là màu cam (mức có hại cho nhóm nhạy cảm).
Từ việc liên tục dẫn đầu danh sách những TP ô nhiễm nhất hành tinh trong những tháng cuối năm 2019, 3 tháng đầu năm 2020, các chỉ số AQI của TP Hà Nội cải thiện đáng kể; trong đó, nồng độ bụi mịn PM 2.5 từ mức cao trên 100 µg/m3 thì nay dần tiệm cận với mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 10,0 µg/m3. Trên bảng xếp hạng của AirVisual tính đến ngày 2-4, chỉ số AQI của TP Hà Nội được nâng lên thứ 72/97 các TP lớn trên thế giới.
Tại TP HCM, trong 2 ngày 1 và 2-4, ứng dụng đo chất lượng không khí AirVisual hiển thị chỉ số AQI trung bình từ 50-65 ở mức màu vàng. Trong 2 ngày này, trên bảng xếp hạng chỉ số AQI của 97 TP lớn trên thế giới, TP HCM xếp hạng từ 53 đến 55.
Còn trên ứng dụng PAM Air, ở TP HCM, trong 27 điểm đo trên bản đồ chỉ còn 4 điểm phủ màu vàng, còn lại 23 điểm màu xanh. Số liệu đo đạt từ Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP cũng cho kết quả tương tự, với chỉ số AQI tại hầu hết các điểm đo đều tràn ngập sắc xanh, kết quả từ vừa đến tốt. Đặc biệt nồng độ CO, bụi mịn PM 2.5 đều ở mức vừa phải, không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Có thể nói TP Hà Nội, TP HCM và nhiều đô thị trong cả nước đang trong những ngày không khí trong lành nhất trong nhiều năm nay. Không chỉ ở Việt Nam, giữa đại dịch Covid-19, khi mà "cả thế giới đang đứng yên vì trái đất", chất lượng không khí, tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều quốc gia được kéo giảm.
Các điểm đo chỉ số AQI tại TP HCM ngày 2-4 đều phủ màu xanh
Nên có bước tiếp theo
Tuy phải hạn chế ra đường trong những ngày thực hiện lệnh cách ly xã hội để phòng chống dịch Covid-19 nhưng bù lại, người dân được tận hưởng bầu không khí trong lành ngay tại ô cửa nhà mình. Trẻ con và người cao tuổi tận dụng khoảng trống của hành lang nhà để tập thể dục, vui chơi. "Trước Tết, mỗi khi ra đường phải hít thở khí thải xe cộ, nhà máy, bụi đường, cảm giác rất ngột ngạt, khó chịu thì nay, với môi trường trong lành hơn, cảm giác nhẹ nhàng hơn, mọi người cũng sẽ an tâm hơn dù đang phải đối mặt với dịch bệnh" - anh Nguyễn Tiến Dũng (quận Gò Vấp, TP HCM) chia sẻ.
PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nước và Môi trường TP HCM, cho rằng từ lâu nay, nhiều chuyên gia đã xác định nguồn gây ô nhiễm không khí tại TP HCM chủ yếu do hoạt động giao thông. Những ngày thực hiện lệnh cách ly, người dân hạn chế ra đường nên chất lượng không khí được cải thiện rõ rệt. Riêng TP Hà Nội, chỉ số AQI dù được cải thiện nhưng còn ở mức cao so với các địa phương trong cả nước, nguyên nhân có thể do các nhà máy nhiệt điện xung quanh đó vẫn hoạt động.
Theo ông Tuấn, về lâu dài, muốn chất lượng không khí ở TP HCM, TP Hà Nội được ổn định thì chính quyền cần có các giải pháp hạn chế phương tiện giao thông. Nhưng hạn chế thế nào là bài toán khó vì vừa hạn chế vừa phải bảo đảm các hoạt động kinh tế, dân sinh, nhất là trong điều kiện cơ sở hạ tầng chưa theo kịp tốc độ phát triển phương tiện, các tuyến metro, hệ thống xe buýt chưa phủ đều. "Để cải thiện một phần chất lượng không khí sau thời gian đẩy lùi dịch bệnh, mọi hoạt động sản xuất, lưu thông trở lại thì nhà nước cần cải thiện chất lượng xăng dầu, kiểm soát chất lượng khí thải phương tiện giao thông. Người dân nâng cao ý thức bằng cách hạn chế ra đường khi không cần thiết, tăng cường đi xe buýt..." - ông Tuấn khuyến nghị.
Ngoài phương tiện lưu thông, chất lượng không khí, ô nhiễm môi trường được cải thiện còn do sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng, ngưng trệ trong thời gian qua. Cụ thể, ở vùng ven TP HCM như huyện Bình Chánh, Hóc Môn; quận 12, Bình Tân… hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng dẫn đến lượng khí thải nhà máy ra môi trường giảm xuống. Trong điều kiện bình thường, những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ là nguồn phát tán ô nhiễm khó giải quyết.
Từ đó, các chuyên gia về môi trường cho rằng từ việc được "hưởng lợi" do nguyên nhân khách quan - ảnh hưởng của dịch bệnh mang lại, đây cũng là dịp để rà soát lại hoạt động sản xuất. Bà Hồ Ngọc Hiếu, Phó trưởng Phòng TN-MT huyện Bình Chánh, kiến nghị: "Cần có biện pháp đồng bộ để thanh lọc các nhà máy, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ có nguy cơ gây ô nhiễm cao; đồng thời vận động người dân có nhà xưởng cho thuê không tiếp nhận các cơ sở sản xuất có phát sinh khí thải, nước thải gây ô nhiễm vì ảnh hưởng sức khỏe người dân".
Giải quyết tận gốc
Theo Sở TN-MT TP Hà Nội, để cải thiện chất lượng không khí hơn nữa, TP Hà Nội đang triển khai các giải pháp căn cơ, đồng bộ, trong đó tập trung khắc phục tình trạng ô nhiễm từ hoạt động sinh hoạt của con người, giao thông, kinh doanh - sản xuất... Cụ thể, TP thực hiện xóa bỏ bếp than tổ ong vốn phát sinh khí thải CO cao; hạn chế việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường; tất cả công trình xây dựng, công trình lát đá vỉa hè sinh ra bụi đều phải bảo đảm được che chắn, tưới nước; nâng cấp tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phương tiện giao thông... Nếu giải quyết tận gốc, có hiệu quả, ngay cả khi dịch bệnh Covid-19 qua đi, chất lượng không khí cũng sẽ dần được nâng lên - N.Duy
Bài và ảnh: Thu Hồng