Đây là một trong những yêu cầu được Ủy ban Thường vụ Quốc vụ (UBTVQH) đặt ra khi thảo luận về Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, tại phiên họp chiều 21/4.
Ảnh: VGP/Lê Sơn
Nặng về thủ tục, chưa dựa vào kết quả
Báo cáo tại phiên họp của UBTVQH, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) số 55/2014/QH13 đã đưa ra nhiều chính sách, cách tiếp cận đổi mới, từng bước đưa phương thức quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường, từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Tuy nhiên, những vấn đề và thách thức mới phát sinh từ thực tiễn cuộc sống đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi Luật BVMT.
Theo đó, Luật BVMT hiện hành chưa tiếp cận và cập nhật với những thay đổi nhanh của cơ chế thị trường; một số quy định mới chỉ ở mức khung, chưa bảo đảm các yếu tố thực thi. Quản lý môi trường mới chỉ tập trung đề cao vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, chưa làm rõ vai trò của người dân, doanh nghiệp, sự tham gia của tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội và cộng đồng trong BVMT, chưa huy động hiệu quả nguồn lực của xã hội cho BVMT, trong khi nguồn lực của Nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu. Cách thức quản lý còn mang nặng tính mệnh lệnh hành chính, chủ yếu dựa vào quy trình, thủ tục, chưa dựa vào kết quả, mục tiêu cuối cùng.
Vấn đề BVMT không có ranh giới cụ thể nên cần phải được tiếp cận một cách tổng thể. Tuy vậy, nhiều nội dung về BVMT đang được quy định phân tán tại các luật khác nhau, chưa hướng đến mục tiêu tổng thể, chưa quán triệt chủ trương BVMT là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, môi trường nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp, chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép, không còn khả năng tiếp nhận chất thải. Đã xuất hiện những sự cố môi trường lớn, đặc biệt là sự cố môi trường do Formosa gây ra, đòi hỏi phải nhanh chóng thay đổi phương thức quản lý, kiểm soát về môi trường đối với các dự án đầu tư lớn, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Bên cạnh đó, sự bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19 hiện nay đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề BVMT.
Thẩm tra của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường tán thành nhiều quy định của Luật BVMT sửa đổi lần này.
Sau gần 6 năm thực hiện, công tác BVMT đã đạt được một số kết quả tích cực. Nhận thức về trách nhiệm và hành động trong BVMT đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Phương thức quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường đã từng bước có sự thay đổi từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nền kinh tế nước ta có bước phát triển bền vững, thân thiện hơn với môi trường.
Bên cạnh đó Luật BVMT năm 2014 cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa theo kịp với những thách thức mới đặt ra.
Do đó, Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường cho rằng việc sửa đổi Luật BVMT năm 2014 là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, phù hợp hơn với thế và lực mới cao hơn nhiều của đất nước; nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng trong quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Bảo đảm sự thống nhất với các luật khác
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật BVMT nhằm thể chế hoá rõ những quan điểm, đường lối lớn của Đảng, Nhà nước và hội nhập quốc tế như lấy bảo vệ môi trường là trung tâm của sự phát triển, BVMT vừa là mục tiêu vừa là một nội dung cơ bản của phát triển bền vững…
Làm rõ trách nhiệm của từng chủ thể, từng cơ quan quản lý Nhà nước để làm rõ quy định “một việc chỉ giao cho một cơ quan chịu trách nhiệm”, tăng cường chế tài trong BVMT về tiêu chuẩn, quy chuẩn BVMT phải nâng lên, không để tình trạng phát triển kinh tế chỉ 1 đồng nhưng tiền bỏ ra khắc phục sự cố môi trường lên đến 10 đồng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Thị Nga đánh giá dự án luật sửa đổi lần này có nhiều điểm mới. Tuy nhiên, bà Lê Thị Nga cho rằng, báo cáo tổng kết thi hành Luật cần chỉ ra những bất cập, vướng mắc trong 6 năm thực hiện Luật, cơ sở thực tiễn thi hành thời gian qua cho thấy sự cần thiết phải sửa đổi luật.
Một vấn đề được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề cập là việc sửa đổi Luật BVMT này liên quan đến khoảng 80 đạo luật khác. Vậy có thể tích hợp tất cả các vấn đề về môi trường vào trong luật này hay không?
Bên cạnh đó, cần có sự thống nhất về xử lý vi phạm giữa Luật BVMT với các luật khác như Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, một số luật sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp thứ 9. Do vậy, cần rà soát để có đánh giá tác động giữa các luật này với nhau, tránh trường hợp sau khi thông qua luật này thì sau đó lại sửa luật kia. Như một số quy định xử phạt vi phạm hành chính trong dự thảo Luật BVMT sửa đổi lần này rất khác so với Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, hay những quy định không phù hợp của Luật này với Luật Thuế bảo vệ môi trường…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật BVMT.
Theo Chủ tịch Quốc hội, lần sửa đổi này khá cơ bản, toàn diện với nhiều điểm mới, quy định mới. Do đó, cần rà soát lại những quy định của luật này so với các luật khác cũng như dự án luật đang chuẩn bị được xem xét, thông qua. Vì vậy, cần đánh giá kỹ hơn về tác động chính sách của luật này trong thực tiễn cuộc sống, cũng như liên quan đến nhiều luật khác như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thuế bảo vệ môi trường và nhiều đạo luật khác. Qua đó, nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành, sự phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam hiện nay.
Dự thảo Luật BVMT sửa đổi gồm 16 chương, 192 điều, cụ thể hóa 13 nhóm chính sách đã được đánh giá tác động, trong đó: Đã bố cục lại các nội dung theo hướng đưa mục tiêu bảo vệ các thành phần môi trường là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách khác; quy định các chính sách quản lý theo tiến trình thực hiện của dự án đầu tư từ khi chuẩn bị, đưa vào hoạt động cho đến khi kết thúc dự án; đã cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20-85 ngày.
Dự thảo Luật sẽ góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: Thu hẹp khoảng 40% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (giảm khoảng 50 tỷ đồng/năm); tích hợp các thủ tục hành chính vào giấy phép môi trường (giảm khoảng 86 tỷ đồng/năm); bỏ quy định trách nhiệm quan trắc môi trường định kỳ của doanh nghiệp, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm hoặc gây ô nhiễm môi trường (giảm khoảng 20 nghìn tỷ đồng/năm).
Lê Sơn