Là địa phương đi đầu trong cả nước về đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, gần đây, tỉnh Quảng Ninh có bước chuyển mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế hướng tới mới mô hình tăng trưởng xanh, bền vững.
Kế hoạch hành động xanh
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tỉnh Quảng Ninh đóng vai trò là một trong những đầu tàu về phát triển kinh tế - xã hội, cửa ngõ giao thông quan trọng với nhiều cửa khẩu biên giới, điểm kết nối quan trọng của khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc. Gần đây, tỉnh Quảng Ninh có tốc độ phát triển nhanh, tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn ở mức ổn định trên 10%, thu ngân sách đứng trong top 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu của cả nước.
TP. Hạ Long nhìn từ trên cao
Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, tỉnh phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong quá trình thực hiện mô hình tăng trưởng xanh như: Mâu thuẫn giữa việc khai thác than, phát triển công nghiệp nặng với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn. Thách thức giữa phát triển công nghiệp hoá và đô thị hóa nhanh với giải quyết vấn đề môi trường sống, cũng như trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao. Vì vậy, việc đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh đang là yêu cầu cấp bách để phát triển bền vững trong tương lai của tỉnh.
Tại cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh vào tháng 12/2019 về nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Trong phương hướng phát triển thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn 2045 của tỉnh, sẽ dựa vào các trụ cột: Đối với công nghiệp phải thu hút công nghiệp chế biến chế tạo áp dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, còn đối với dịch vụ, du lịch vẫn là mũi nhọn.
Thực hiện Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tăng trưởng xanh của tỉnh giai đoạn 2014 - 2030 và thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2014 - 2020. Quảng Ninh là một trong ba tỉnh, thành phố trong cả nước được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn triển khai thí điểm xây dựng Kế hoạch Hành động tăng trưởng xanh với mục tiêu: Phát triển kinh tế nhanh, bền vững; chuyển dịch và tăng tốc độ phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp “xanh”; kiểm soát ô nhiễm môi trường; nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu; hướng đến một nền kinh tế các bon thấp, giảm phát thải và tăng lượng hấp thụ khí nhà kính.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh đã lập Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, tăng cường công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch. Thời gian qua, Tỉnh đã thu hút được nhiều các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn lớn về du lịch phát triển các sản phẩm đẳng cấp tại tỉnh như: Sun Group, Vin Group.
Đồng thời, kết nối hạ tầng đồng bộ đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường thủy để thúc đẩy kết nối vùng ở cấp quốc gia, liên kết vùng ở cấp quốc tế và tạo động lực thúc đẩy phát triển giao thông, dịch vụ, du lịch tạo động lực quan trọng giúp tỉnh bứt phá trong phát triển theo mô hình tăng trưởng xanh, trong đó, đẩy mạnh hướng tới phát triển kinh tế biển.
Hướng tới phát triển kinh tế biển xanh
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh trở thành một trong các tỉnh dẫn đầu về kinh tế biển tại Việt Nam; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục vụ và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng.
Bộ mặt đô thị TP. Hạ Long ngày càng hiện đại, sạch đẹp.
Tỉnh Quảng Ninh đề ra mục tiêu: Đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; xây dựng phát triển khu kinh tế ven biển; nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững; công nghiệp ven biển theo hướng thân thiện môi trường; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Cụ thể, xây dựng tỉnh trở thành một trung tâm du lịch quốc tế, với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế. Đồng thời, phát triển TP. Hạ Long trở thành thành phố du lịch biển hiện đại và văn minh, đưa Vân Đồn - Cô Tô trở thành trung tâm du lịch biển, đảo chất lượng cao, trung tâm công nghiệp giải trí đẳng cấp khu vực, phấn đấu đến năm 2030 trở thành trung tâm công nghiệp giải trí đạt đẳng cấp quốc tế.
Một định hướng quan trọng được tỉnh Quảng Ninh đề ra, đến năm 2030, phát triển đồng bộ, từng bước hình thành Khu Kinh tế, Khu Công nghiệp (KCN), Khu Đô thị sinh thái ven biển. Khu kinh tế ven biển phải đóng vai trò chủ đạo trong phát triển vùng và gắn kết liên vùng, trọng tâm là các khu kinh tế Vân Đồn, Móng Cái, Quảng Yên.
Đồng thời, tỉnh đẩy nhanh xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng các Khu kinh tế, KCN ven biển theo hướng tiếp cận mô hình khu kinh tế, KCN sinh thái, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như giải quyết tốt vấn đề môi trường, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tỉnh luôn quan tâm phát triển một số ngành kinh tế biển dựa vào lợi thế tài nguyên biển, đa dạng sinh học biển như dược liệu biển, nuôi trồng và chế biến rong, tảo, cỏ biển...
Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tin tưởng rằng tỉnh Quảng Ninh sẽ sớm hoàn thành mục tiêu là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước thực hiện thành công các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường, cũng như phát triển kinh tế theo mô hình tăng trưởng xanh và trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư.
Bài và ảnh: Phạm Hoạch