Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) trên địa bàn TP. Cần Thơ đạt nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Đào Anh Dũng (ảnh) - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ.
PV: Ông có thể cho biết, một số kết quả nổi bật trong công tác quản lý tài nguyên, BVMT, ứng phó với BĐKH của TP. Cần Thơ trong thời gian qua?
Ông Đào Anh Dũng:
Công tác quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH trên địa bàn thành phố luôn được Lãnh đạo TP. Cần Thơ quan tâm, chỉ đạo sâu sát và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quá trình phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, là nền tảng quan trọng để phát triển thành phố theo hướng bền vững.
Công tác này đã được tăng cường thông qua việc xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý đất công, quản lý chất thải, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, cải cách thủ tục hành chính.
Ông Đào Anh Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ.
Đồng thời, công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được TP. Cần Thơ triển khai thực hiện đồng bộ theo hướng nâng cao chất lượng và tính khả thi của phương án quy hoạch; việc quản lý, sử dụng đất được đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ quỹ đất chuyên trồng lúa nước, môi trường sinh thái; phát huy được nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố.
Việc cấp phép khai thác tài nguyên đã được TP. Cần Thơ thực hiện đúng theo quy định pháp luật, đảm bảo sử dụng hợp lý, hiệu quả. Công tác quản lý về môi trường đi vào khuôn khổ; chất lượng đánh giá, dự báo tác động môi trường của các dự án đã đi vào chiều sâu; công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm đã phát huy tác dụng, kịp thời ngăn chặn phát sinh các điểm nóng về môi trường.
Công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của toàn xã hội đã được TP. Cần Thơ quan tâm thực hiện thường xuyên. Qua đó, đã phát huy sức mạnh đoàn kết trong cả ý thức và hành động BVMT, bảo vệ tài nguyên, ứng phó BĐKH trong cộng đồng. Các ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh hoạt động trên địa bàn thành phố đã có sự chuyển biến tích cực, tận dụng thời cơ để chuyển thách thức về bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với BĐKH thành cơ hội để phát triển bền vững.
Thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, thời gian qua, đã mang lại cho TP. Cần Thơ nhiều nguồn lực để triển khai các dự án phát triển thành phố và tăng cường khả năng thích ứng đô thị hay dự án về ứng phó với BĐKH. Đặc biệt, năm 2016, TP. Cần Thơ trở thành thành viên trong mạng lưới 100 thành phố trên toàn cầu có khả năng chống chịu (gọi tắt là 100 RC) và năm 2017, TP. Cần Thơ được vinh danh, trao nhận Chứng chỉ ASEAN thành phố tiềm năng để trở thành thành phố bền vững về môi trường lần thứ 3 về không khí sạch.
PV: Ông có thể chia sẻ, những khó khăn trong công tác quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH trên địa bàn thành phố trong thời gian qua?
Ông Đào Anh Dũng:
Cũng như các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, TP. Cần Thơ gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý tài nguyên, BVMT, ứng phó BĐKH. Công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về đất đai đã thực hiện quyết liệt nhưng vẫn còn một số hạn chế do lực lượng mỏng, công việc quá nhiều; công tác quản lý đất đai ở một số địa phương còn thiếu chặt chẽ, xảy ra tình trạng lấn chiếm đất công, tranh chấp đất đai, phân lô nền, hình thành khu dân cư tự phát.
Ô nhiễm môi trường có chiều hướng tăng do tốc độ đô thị hóa, phát triển công nghiệp, hoạt động y tế, thương mại, dịch vụ... gây áp lực cho việc xử lý chất thải; hình thức vi phạm pháp luật về môi trường ngày càng tinh vi; biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo còn hạn chế; tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật môi trường chưa theo kịp tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của TP. Cần Thơ
Nguồn lực đầu tư cho BĐKH còn hạn chế; các chính sách về ứng phó BĐKH cơ bản đã phù hợp và đầy đủ nhưng quá trình thực hiện còn lúng túng, bị động do BĐKH tác động sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội; hành động chủ động ứng phó BĐKH trong cộng đồng chưa cao; kết quả thu hút xã hội hóa cho công tác BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT chưa như mong đợi.
PV: Để khắc phục những khó khăn này, thời gian tới, UBND TP. Cần Thơ có chỉ đạo gì đối với các Sở, ngành, địa phương, thưa ông?
Ông Đào Anh Dũng:
Để khắc phục những khó khăn, tồn tại, thời gian tới, các Sở, ngành, quận, huyện cần tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 166-KH/TU ngày 7/10/2019 của Thành ủy Cần Thơ về thực hiện Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; đồng thời, triển khai một cách đồng bộ, lồng ghép hợp lý các nội dung này trong tất cả các ngành, lĩnh vực và các địa bàn của thành phố.
Cụ thể, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về chủ động ứng phó với BĐKH, phòng, chống thiên tai, quản lý tài nguyên và BVMT; nghiên cứu áp dụng các giải pháp hữu hiệu để giải quyết xung đột giữa khai thác, sử dụng tài nguyên, BVMT, ứng phó BĐKH với phát triển kinh tế - xã hội; kiện toàn tổ chức bộ máy, khắc phục triệt để tình trạng phân tán, chồng chéo trong quản lý Nhà nước; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng; đẩy mạnh xã hội hoá, khuyến khích nhân dân giám sát việc quản lý khai thác tài nguyên, BVMT và tích cực sáng kiến thích nghi với BĐKH.
Nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm lĩnh vực đất đai, khoáng sản, nước, môi trường; giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch, sử dụng đất ở quận, huyện; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ hướng đến xây dựng nền nông nghiệp thích ứng tốt với BĐKH; đầu tư nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát BĐKH, ô nhiễm môi trường; chủ động tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế, coi trọng việc tham gia và thực hiện các Điều ước quốc tế.
TP. Cần Thơ kiến nghị Trung ương tiếp tục đẩy mạnh các chính sách về bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với BĐKH. Cùng với đó, có thể ưu tiên các cơ chế, ưu đãi đặc biệt để hỗ trợ TP. Cần Thơ đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn, chất thải y tế, chất thải nguy hại cũng như chọn lựa Cần Thơ tham gia nhiều hoạt động hợp tác quốc tế nhằm thu hút được nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý tài nguyên, BVMT, ứng phó với BĐKH của thành phố trong thời gian tới.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Lê Hùng (thực hiện)