Năm 2020 Ngày Trái đất hướng tới xây dựng một thế hệ các nhà hoạt động vì môi trường mới, thu hút hàng triệu người trên toàn thế giới cùng thực hiện các hành động vì môi trường, vì Trái đất.
Ngày Trái Đất 22/4 được Liên Hợp Quốc công nhận từ năm 2009, trở thành sự kiện thường niên được cả thế giới tổ chức, nhìn nhận về giá trị môi trường tự nhiên của Trái đất, kêu gọi sự tham gia tích cực của mỗi người để chung tay bảo vệ hành tinh.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, vào cuối năm 2020 này, nhiều quốc gia dự kiến sẽ phải thúc đẩy các hoạt động nhằm thực hiện các cam kết quốc gia đã ký kết trong Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu. Do vậy, ngay từ bây giờ cần kêu gọi mọi người dân trên toàn thế giới cùng nhau thực hiện những hành động sáng tạo, đổi mới để giải quyết vấn đề về khí hậu trong tương lai.
Một trong những cam kết đó là giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này dưới 2 độ C, tiếp đó cùng thúc đẩy nỗ lực để xuống còn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Việt Nam cũng đã khẳng định cam kết mạnh mẽ trong nỗ lực chung cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy và tăng cường hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế để tìm kiếm nguồn hỗ trợ quốc tế cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của đất nước.
Theo đó, sự kiện Ngày Trái đất 2020 hướng tới xây dựng một thế hệ các nhà hoạt động vì môi trường mới, thu hút hàng triệu người trên toàn thế giới cùng thực hiện các hành động vì môi trường, vì Trái đất.
Để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, mục tiêu lý tưởng của Thỏa thuận Paris về sự biến đổi khí hậu, lượng khí thải nhà kính phải giảm 7,6%/năm, từ năm 2020 tới năm 2030, theo báo cáo thường niên của Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP). Thế giới cần giảm tổng cộng 55% lượng khí thải nhà kính từ năm 2018 đến năm 2030.
Bất kỳ sự chậm trễ nào, chẳng hạn đến sau năm 2020 mới hành động, sẽ khiến mục tiêu 1,5 độ C tan thành mây khói. Thậm chí để hạn chế sự nóng lên ở mức 2 độ C, lượng khí thải cần giảm 2,7%/năm từ năm 2020 đến năm 2030. Song, những lượng khí phát thải, đặc biệt là từ nhiên liệu hóa thạch, đã tăng 1,5%/năm trong 10 năm qua và không có dấu hiệu sẽ giảm trong những năm tới, UNEP nhấn mạnh, đồng thời cho biết, mức phát thải khí CO2 trong năm 2018 đã đạt mức kỷ lục với 55,3 gigaton.
Nhiệt độ trái đất đã tăng khoảng 1độ C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp, gây ra nhiều thảm họa về môi trường, khí hậu. Mỗi nửa độ tăng thêm sẽ làm trầm trọng thêm các tác động của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, theo UNEP, nếu lượng khí phát thải tiếp tục ở mức hiện tại, trái đất có thể nóng lên từ 3,4 - 3,9 độ C vào cuối thế kỷ XXI. Ngay cả khi các quốc gia ký kết Thỏa thuận Paris tôn trọng các cam kết của họ, nhiệt độ trái đất vẫn sẽ tăng thêm 3,2 độ C. Mặc dù vậy, Liên Hiệp Quốc cho rằng, mục tiêu nhiệt độ trái đất tăng dưới 2 độ C, thậm chí dưới 1,5 độ C vẫn có thể đạt được.
Ngọc Linh