Di sản Huế và những thách thức mới

Cập nhật: 23/11/2008
Khán giả Hà thành có dịp thưởng thức Nhã nhạc cung đình Huế, múa Bát Dật; ngắm nét văn hoá Huế trong Lễ hội thả diều hay tham gia các trò chơi dân gian, thưởng thức nét ẩm thực cổ đô Huế độc đáo vào các ngày từ 21 - 25/11/2008 tại số 2, Hoa Lư, Hà Nội.

Điểm nhấn chương trình là Hội thảo “Cơ hội và thách thức đối với di sản văn hoá Huế trong thời kỳ phát triển và hội nhập”, hoạt động này nằm trong chương trình của Bộ Văn hoá - Thể Thao – Du lịch, kết hợp với Uỷ ban nhân dân Thành phố Huế và UNESCO thực hiện nhân kỷ niệm ngày Di sản Văn hoá Việt Nam lần thứ 4.

Với mục tiêu này, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Cục trưởng Cục Di sản đặt câu hỏi: “Làm thế nào để có sự hài hoà giữa Bảo tồn và Phát triển, bảo tồn không làm chậm sự phát triển, phát triển không làm ảnh hưởng đến các nguyên tắc của bảo tồn theo chuẩn mực Quốc gia, quốc tế…”.

Thách thức cả trong nước và khu vực

Những thách thức chính trong việc bảo tồn được Hội thảo được PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Di sản đưa vào tham luận của mình là: các di sản, các vật thể dưới dạng kiến trúc thành trì, cung, điện, lăng, tẩm… luôn dễ bị các tác nhân gây hại tấn công. Sự phát triển kinh tế, xây dựng các công trình mới đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự toàn vẹn của di sản.

Bên cạnh những thực tại khó giải quyết trên thì công tác quản lý di sản văn hoá Huế là vẫn còn chồng chéo, lỏng lẻo, nhiều trường hợp vi phạm di tích chính quyền địa phương đã xử lý không kiên quyết, gây ra những phức tạp về sau. Đối với Huế, thành phố di sản đã đến lúc phải tỉ mỉ trong quy hoạch, cải tạo, sửa chữa cơ sở hạ tầng… Ngoài ra, công tác quản lý di sản cần được chấn chỉnh theo hướng chặt chẽ, kiên quyết hơn để bảo vệ di sản. Nếu lơ là trong công tác quản lý sẽ xuất hiện ngay những hoạt động, quyết sách sai lầm gây đến sự ảnh hưởng toàn vẹn của di sản.

Bổ sung những ý kiến đó, Giám đốc Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, ông Phùng Phu còn mở rộng những thách thức của di sản Huế trong tương quan quốc tế: chính sự cạnh tranh giữa các di sản trong khu vực cũng là một thách thức rất lớn, Tại Miền Trung và Tây Nguyên có đến 6/7 di sản Thế giới của Việt Nam. Vi vậy, mỗi khu di sản đều cố gắng khẳng định vai trò và vị thế riêng của mình. Rộng hơn, Huế và các di sản khác của Việt Nam phải cạnh tranh với các nước Đông Nam Á và Trung Quốc.

Cần thay đổi định hướng bảo tồn di sản

Thông điệp chính của UNESCO gửi đến Hội thảo về việc bảo tồn nêu rõ: “Bảo tồn di sản vật thể và phi vật thể là hai trụ cột quan trọng và không thể tách rời trong nỗ lực thúc đẩy sự đa dạng văn hoá trên thế giới của UNESCO. Di sản Thế giới Huế thể hiện rõ mối gắn kết chặt chẽ giữa di sản vật thể và phi vật thể. UNESCO coi Huế là một ví dụ điển hình thể hiện sự thay đổi trong định hướng bảo tồn, không chỉ bó hẹp trong việc bảo tồn các di tích mà còn tập trung vào không gian với con người, gắn kết các di tích, kiến trúc xây dựng, công trình với những ý nghĩa phi vật thể liên quan để tạo ra một cảnh quan văn hoá của một khu di tích”. Theo ông Đặng Văn Bài, Cục Trưởng Cục Di sản văn hoá thì bảo tồn di sản, luôn phải gắn liến với phát huy giá trị, đặc biệt là di sản văn hoá phi vật thể. Cấn thiết lập cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa 2 ngành Văn hoá và Du lịch để hỗ trợ, bổ sung cho nhau, sáng tạo ra những sản phẩm du lịch – văn hoá mới, đa dạng và hấp dẫn hơn nhằm thu hút du khách. Về chính sách ưu tiên đầu tư các hạng mục di sản, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Cục trưởng Cục Di sản nêu trường hợp cung Diên Thọ, dù được đầu tư 18 tỷ đồng cho nhiều hạng mục chính và đã hoàn thành năm 2000 nhưng còn hạng mục nhà Tả Trà vẫn chưa được thực hiện. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh vào thuận lợi khi Di sản có một “bộ mặt” chỉn chu hơn khi được đầu tư chỉnh sửa như thích nghi Duyệt Thị Đường đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động phát huy Nhã nhạc Cung đình Huế và trong dịp Festival vừa qua, lượng khách tham gia “Đêm hoàng cung” đã tăng lên.

Nhã nhạc: Ví dụ cụ thể cho việc bảo tồn Di sản từ cộng đồng

Cuộc thảo luận đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo tồn Nhã nhạc, một trong những nét văn hoá phi vật thể của nhân loại. Việc bảo tồn loại hình nghệ thuật này đã được một nhóm nghiên cứu thực hiện bằng cách xác định vai trò chủ thể là Cộng đồng và đã gặt hái được thành công. Cộng đồng là những người nắm giữ và thực hành di sản, giữ vai trò vừa là chủ thể sang tạo và vừa là người hưởng thụ các sinh hoạt văn hoá đó, UNESCO đã nói: “Các cộng đồng là mạng lưới những người mà nhận thức về bản sắc hoặc sự gắn bó với nhau phát sinh từ các mối quan hệ mang tính lịch sử bắt nguồn từ việc thực hành và chuyển giao hoặc ràng buộc với Di sản phi vật thể của họ”.

Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Tô Ngọc Thanh cụ thể hoá trong việc thừa kế và bổ sung bằng những phương pháp: Đào tạo nhạc công và hình thức thi tài giữa các nhạc công, tránh bệnh “máy biểu diễn” của các nhạc công. Bên cạnh đó, việc tổ chức các buổi diễn Nhã nhạc miễn phí để thu hút công chúng và giải thích nguồn gốc, tên gọi, dòng nhạc để thính giả hiểu kỹ hơn về Nhã nhạc. Trước mắt là mơi học sinh các trường THCS, PTTH, Sinh viên và các văn nghệ sĩ tham gia để tạo hiệu ứng mạnh trong cộng đồng.

Nguồn: VietnamNet