Du lịch nông nghiệp - tiềm năng và thách thức

Cập nhật: 29/04/2020
Mô hình phát triển du lịch nông nghiệp đã được nhiều tỉnh, thành và các nước trên thế giới thực hiện, giúp người dân chuyển đổi từ mô hình nông nghiệp truyền thống sang mô hình nông nghiệp kết hợp giải trí, mang lại hiệu quả cao cho cả ngành nông nghiệp và du lịch. Cao Bằng là tỉnh nông nghiệp nên loại hình du lịch nông nghiệp có nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên để hình thành, khai thác du lịch nông nghiệp hiệu quả còn nhiều vấn đề đặt ra với chiến lược cụ thể, giải pháp phù hợp.

Du khách trải nghiệm du lịch nông nghiệp tại xã Độc Lập (Quảng Hòa).

Xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc) - nơi 100% người dân tộc Lô Lô sinh sống là một trong những điểm du lịch cộng đồng yêu thích của du khách quốc tế khi đến Cao Bằng. Tại đây, du khách có thể trải nghiệm các công việc nhà nông, như: chăn trâu, gặt lúa, lùa vịt... Với lượng khách đều đặn mang về cho các gia đình làm dịch vụ homestay tại đây khoản thu nhập đáng kể.

Theo ông Chi Viết Hải, gia đình làm dịch vụ homestay đầu tiên của xóm Khuổi Khon đã có kinh nghiệm hướng dẫn du khách trải nghiệm du lịch nông nghiệp, hầu hết khách du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài đều rất tò mò, thích thú với các trải nghiệm làm nông dân. Đây là cơ hội để du khách khám phá sự khác biệt về văn hóa, tập quán sản xuất nông nghiệp của người Lô Lô ở Cao Bằng.

Tại điểm du lịch cộng đồng Bản Giuồng, xã Tiên Thành (Quảng Hòa), hoạt động thu hút du khách trải nghiệm nhiều nhất là bắt cá ruộng, bẻ ngô, cắt lúa… theo mùa vụ và đời sống sinh hoạt, lao động hằng ngày của người dân trong xóm. Qua đó, nâng cao ý thức của người dân và du khách về bảo vệ thiên nhiên, môi trường, về cuộc sống gắn bó với tự nhiên, sản xuất nông nghiệp, nhất là ở địa bàn nông thôn thuần túy gắn với bản sắc văn hóa bản địa như Bản Giuồng.

Thực tế hiện nay có nhiều điểm du lịch cộng đồng và các điểm dừng chân mang tính du lịch nông nghiệp như ở Bản Giuồng, Khuổi Khon đã bắt đầu xuất hiện. Trong bối cảnh môi trường đang bị suy thoái và biến đổi khí hậu, được nghỉ ngơi, thư giãn trong không gian đồng quê sạch sẽ, yên bình, ấm cúng, được hưởng thụ các thực phẩm đồng quê mang tính thiên nhiên xanh, sạch, an toàn đang là nhu cầu lớn từ các cư dân đô thị. Việc thu hút du khách về nông thôn không quá khó khi giá trị ngày càng tăng của sản phẩm nông nghiệp kết hợp với một không gian nông thôn mang đậm chiều dày văn hóa thiên nhiên, lịch sử.

Trưởng Phòng Quản lý du lịch Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nông Thị Tuyến cho biết: du lịch nông nghiệp đang ngày càng có sức hút đối với du khách quốc tế và là loại hình du lịch hứa hẹn phát triển trong tương lai. Tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, các giá trị đặc trưng của nền nông nghiệp truyền thống kết hợp với khoa học công nghệ, sinh thái, nông nghiệp sạch để thu hút khách du lịch.

Trong khi đó, tại Cao Bằng, du lịch và nông nghiệp là 2 ngành có mối quan hệ chặt chẽ, đều là ngành mũi nhọn được ưu tiên phát triển. du lịch nông nghiệp sẽ tận dụng được lợi thế sẵn có để vừa tạo thành điểm đến thu hút du khách, vừa thúc đẩy tăng chi tiêu của du khách thông qua tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại địa phương. Đặc biệt, tiềm năng du lịch nông nghiệp của tỉnh ta rất lớn bởi có đến 80% dân cư sinh sống ở khu vực nông thôn, cùng với lịch sử, truyền thống văn hóa mang đậm dấu ấn của nền sản xuất nông nghiệp.

Tiềm năng du lịch nông nghiệp của tỉnh ta thực sự phong phú, tuy nhiên, việc xây dựng sản phẩm, khai thác nông nghiệp làm du lịch hiện nay mới chỉ dừng lại ở giai đoạn bước đầu, giá trị của du lịch nông nghiệp còn nhỏ hẹp, quy mô đơn lẻ, sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu. Hầu hết các hoạt động du lịch nông nghiệp mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp; sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa hấp dẫn.

Một số khu vực có điều kiện tự nhiên đồng nhất, tập quán sinh hoạt, văn hóa cộng đồng giống nhau, sản phẩm du lịch nông nghiệp giữa các địa phương không tránh khỏi sự trùng lặp, đơn điệu. Đặc biệt, phần lớn người dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, không có đủ các kỹ năng để phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp. Chi tiêu của khách đối với sản phẩm du lịch nông nghiệp chủ yếu mua vé tham quan, ăn uống, phòng ở..., chưa chi nhiều cho các dịch vụ ngoài tour do chưa có nhiều dịch vụ phụ trợ hoặc có nhưng không hấp dẫn du khách.

Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch nông nghiệp chưa đầu tư hoàn chỉnh, hoặc đã được đầu tư nhưng không đảm bảo chất lượng. Công trình nhà vệ sinh, vệ sinh môi trường tại nhiều khu vực không đáp ứng yêu cầu, thậm chí không có nhà vệ sinh. Sự hợp tác giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch nông nghiệp của tỉnh còn hạn chế. Nhiều điểm du lịch nông nghiệp gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện, xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp cũng như thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế…

Để khai thác hiệu quả loại hình du lịch nông nghiệp, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần có sự quan tâm hơn nữa đối với lĩnh vực này thông qua các cơ chế, chính sách, như: Xây dựng chương trình phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững và xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư kết cấu hạ tầng đường, điện, nước sạch phục vụ du lịch nông nghiệp; hoàn chỉnh chính sách tín dụng, chính sách đất đai thu hút đầu tư, chính sách thuế ưu đãi, ban hành bộ tiêu chí về du lịch nông nghiệp; tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá, giới thiệu... góp phần nâng cao chất lượng du lịch và cải thiện đời sống của nông dân. 

 

Thúy Hằng

Nguồn: Báo Cao Bằng