Hà Tĩnh: Khoán nguồn thu từ Di tích Quốc gia cho cá nhân!

Cập nhật: 02/10/2008
Đền Củi (còn gọi Đền Chợ Củi), tên chữ là Linh Từ Thánh Mẫu có từ cuối triều Lê sơ, tọa lạc ở phía Tây núi Ngũ Mã, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Địa thế Đền

Đền Củi (còn gọi Đền Chợ Củi), tên chữ là Linh Từ Thánh Mẫu có từ cuối triều Lê sơ, tọa lạc ở phía Tây núi Ngũ Mã, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Tuy đã trải qua nhiều lần tôn tạo nhưng Đền vẫn giữ được nét tôn nghiêm, cổ kính. Tam quan Đền nằm ở bờ sông La, cao 2 tầng, có hình lưỡng long chầu nguyệt, đường nét rất uyển chuyển và tinh xảo. Kiến trúc của Đền theo kiểu chữ tam, gồm ba tòa: hạ điện, chính điện và thượng điện, với các cung thờ: Tam tòa Thánh Mẫu (mẫu tam phủ), Ngũ Vị Tôn Ông, cung Hoàng Mười, cung Chầu Mười, cung Trần Triều (thờ Đức Thánh Trần). Theo tín ngưỡng dân gian, trong số mười ông Hoàng thì có 3 ông thường xuyên giáng đồng, đó là ông Hoàng Bơ, ông Hoàng Bảy và ông Hoàng Mười. Ông Hoàng Mười được thờ ở Đền Củi vẫn được dân gian xưa nay truyền tụng là linh thiêng nhất, người đến cầu nguyện thường được ông linh ứng, phù hộ. Cảnh quan nơi đây đẹp hiếm có, núi Hồng, sông La Hòa quyện với nhau như để tôn thêm vẻ đẹp của ngôi đền cổ. Từ xưa đã có nhiều bậc khoa cử, văn nhân xứ Nghệ đến lễ bái, vãn cảnh và cung tiến, đề tặng câu đối. Trong kháng chiến chống Mỹ, giặc ném bom rất nhiều ở khu vực cầu Giằng gần đó song Đền không hề bị trúng bom, vẫn nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Nhờ thuận lợi về đường giao thông, nằm gần quốc lộ 1A, cách thành phố Vinh và thị xã Hồng Lĩnh 10 km, nên người dân cả nước, đặc biệt là các địa phương có tín ngưỡng thờ Mẫu đến đền Củi hành lễ và vãn cảnh rất đông, nhất là vào ngày giỗ Thánh Mẫu (3.3 AL) và hội Đền (10.10 AL). Từ rằm tháng 9 đến 10.10 AL, ngày nào Đền cũng tấp nập khách hành hương, xe ô tô đỗ chật kín sân vận động của xã và đoạn quốc lộ 1A gần Đền.

Năm 1996 Đền Củi được công nhận Di tích Lịch sử văn hoá quốc gia.

Khoán cho cá nhân!

Hàng chục năm nay, Đền Củi có thủ từ là ông Nguyễn Sỹ Quýnh. Gia đình ông Quýnh sinh sống cạnh ngôi Đền, có công gìn giữ ngôi đền trong cải cách ruộng đất và kháng chiến chống Mỹ. Ban quản lý (BQL) Di tích Đền Củi thuộc UBND xã Xuân Hồng gồm 5 thành viên được thành lập trong đó có một vị Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng ban và ông Quýnh - thủ từ. Ban không hề có con dấu, kế toán hay thủ quỹ, tất cả nguồn thu, chủ yếu là tiền công đức được khoán cho ông Quýnh. Nhiều người thường hẹn trước, nhờ ông Quýnh làm lễ, tấu sớ và công đức tiền cho ông Quýnh. Ngoài ra, ông Quýnh bố trí ngời nhà thu tiền công đức, các khoản thu không minh bạch, không công khai thu được bao nhiêu. Năm nay UBND xã khoán cho ông Quýnh mức 255 triệu đồng.

Đất đai quanh đền cũng không được quản lý rõ ràng, chủ tịch UBND xã Xuân Hồng cho biết hộ ông Quýnh và các hộ dân khác sống xung quanh Đền Củi cũng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất song khi chúng tôi hỏi cấp vào thời điểm nào thì ông Chủ tịch nói là không rõ. Hiện tại khuôn viên Đền còn khoảng 500m², bãi đỗ xe của Ban quản lý chỉ vẻn vẹn 200m², nên Ban phải thuê thêm 200 m² của một hộ dân làm nơi giữ xe. Xe ô tô phải đậu cả ở lề quốc lộ 1A, có ngày xe không có chỗ đậu. Công tác quản lý trật tự vệ sinh ở khu vực Đền và vùng phụ cận đang bị buông lỏng còn việc trùng tu Đền thì không ai ngó ngàng. Nơi đây đã mấy lần bị thanh tra Sở quản lý chuyên ngành phạt do vi phạm sinh hoạt lễ hội. Trên đường vào Đền có khá nhiều người ăn xin, mời mọc viết sớ. Nhiều món đồ lặt vặt, có thứ như đồ chơi trẻ con do khách cung tiến, không còn chỗ để, nằm lăn lóc ngoài sân nhìn rất phản cảm. Hiện ngôi Đền bị xuống cấp nghiêm trọng, phần gỗ hầu hết bị mối mọt, mưa to Đền còn bị giột.

Khoảng 5 năm trước, UBND huyện Nghi Xuân đã có kế hoạch giải toả một số hộ dân ở xung quanh đền song không thực hiện được. Ngày 14/11/2007, UBND huyện có công văn số 592/CV-UB giao một số phòng ban chuyên môn và UBND xã Xuân Hồng cho ý kiến về Quy hoạch chi tiết bảo tồn tôn tạo và phát triển giá trị khu di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Đền Chợ Củi do công ty TNHH Tư vấn Quy hoạch và Kiến trúc xây dựng Yên Lạc lập với phạm vi nghiên cứu 112.365 m², có khu dịch vụ đón tiếp, lưu trú, ăn uống, bãi đỗ xe…, riêng khu đền Chợ Củi là 3.986 m². Tiếc thay, đến giờ quy hoạch đó vẫn đang ở giai đoạn thăm dò ý kiến.

Nguồn: Báo Du lịch