Nước và Biến đổi khí hậu – Một số giải pháp chính sách đề xuất

Cập nhật: 07/05/2020
Cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu có liên quan chặt chẽ với nước. Biến đổi khí hậu đang làm tăng sự thay đổi bất thường trong chu trình nước và gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan. Biến đổi khí hậu làm giảm khả năng dự báo nguồn nước, giảm chất lượng nước, đe dọa sự phát triển bền vững, đa dạng sinh học cũng như đảm bảo quyền con người đối với nước uống và vệ sinh an toàn trên toàn thế giới.

Nhu cầu về nước ngày càng tăng trên toàn cầu làm tăng nhu cầu khai thác, cung cấp, vận chuyển cũng như tốn thêm nhiều năng lượng để xử lý nước, đồng thời, điều này đã góp phần làm suy thoái các bể tích carbon liên quan đến các nguồn nước quan trọng như những vùng đất ngập nước, vùng đệm. 
 
Theo đó, chính sách, các quy hoạch khí hậu quốc gia và khu vực phải có cách tiếp cận tổng hợp đối với vấn đề biến đổi khí hậu và quản lý nước.  Tình trạng căng thẳng về  nước ngày càng gia tăng và việc đáp ứng nhu cầu về nước trong tương lai sẽ đòi hỏi các quyết định ngày càng khó khăn về cách thức phân bổ, quản lý tài nguyên nước. Để hướng đến phát triển bền vững, việc quản lý tài nguyên nước theo cách như hiện nay cần phải được thay đổi, có tính đến các yếu tố khí hậu và biến đổi khí hậu. 

Nước và Biến đổi khí hậu - Một số giải pháp chính sách đề xuất

Tăng cường đầu tư, cải thiện dữ liệu thủy văn, thể chế và quản trị, giáo dục và phát triển năng lực, đánh giá rủi ro cũng như trao đổi kiến thức,… là những việc làm cần thiết để thực hiện đổi mới công tác quản lý tài nguyên nước. Cùng với đó, các chính sách về quản lý tài nguyên nước cần đảm bảo được tính đại diện, thể hiện sự tham gia cũng như sự thay đổi hành vi và trách nhiệm của tất cả các bên liên quan, bao gồm cả khu vực tư nhân và các tổ chưc xã hội dân sự. Các kế hoạch thích ứng cần kết hợp các chiến lược với mục tiêu hỗ trợ người dân có thu nhập thấp hơn - Những người bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương bởi tác động của biến đổi khí hậu.  
 
Dưới đây là tóm tắt một số giải pháp chính sách đề xuất liên quan đến chủ đề “Nước và biến đổi khí hậu”:
 
1.  Hành động ngay bây giờ! 
 
Nếu thế giới muốn đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris 2015 là hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống dưới 2°C so với thời kì tiền công nghiệp hóa vào cuối thế kỷ này, thì cần phải có những hành động ngay lập tức. Để đạt được điều này cần đảm bảo nguồn nước cho cộng đồng, cho các hoạt động kinh tế, bảo vệ hệ sinh thái; chuyển đổi phương thức sử dụng các nguồn năng lượng xanh, tạo ra một vùng đệm bảo vệ con người và môi sinh khỏi các thảm họa thiên nhiên.
 
Các chính sách về khí hậu cần phải coi tài nguyên nước như một giải pháp thiết thực giúp thích ứng với biến đổi khí hậu để đảm bảo một tương lai bền vững với khí hậu và bền vững cho tất cả mọi người. 
 
2. Coi nước và vệ sinh môi trường (các vấn đề liên quan đến y tế, vệ sinh dịch tễ) là một giải pháp thiết yếu của các chiến lược giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, như kêu gọi trong Thỏa thuận Paris 2015.  Nước cũng là chìa khóa để đạt được các mục tiêu “thay đổi thế giới” bao gồm các mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Khung hành động Sendai giai đoạn 2015-2030 về giảm thiểu rủi ro thiên tai . Do đó, quản lý nước đi kèm với quản lý khí hậu có thể hoạt động như một cơ chế gắn kết các hành động để cùng đạt được các mục tiêu toàn cầu này. 
 
3. Cải thiện quản lý nước
 
Khi các quốc gia bắt đầu xem xét và thực hiện các kế hoạch quốc gia của mình theo Thỏa thuận Paris - cơ hội duy nhất để cải thiện và tăng cường năng lực quản lý nước là cho phép cộng đồng, quốc gia và chính quyền lưu vực đưa ra quyết định một cách độc lập có tính toán đến các rủi ro sẽ xảy ra để có thể tăng khả năng phục hồi khí hậu, cải thiện sức khỏe hệ sinh thái và giảm nguy cơ thảm họa liên quan đến nước.
 
4. Đảm bảo thực hiện hợp tác xuyên biên giới
 

 Hợp tác xuyên biên giới là cần thiết để giải quyết các tác động khí hậu vượt qua biên giới quốc gia (ví dụ như hạn hán hoặc lũ sông xuyên biên giới), để tránh hậu quả xấu từ quan điểm và cách thức quản lý trên lưu vực cũng như hoạt động phân bổ khai thác tài nguyên nước và giảm sự không chắc chắn do trao đổi dữ liệu, thông tin cũng như rủi ro các bên phải chịu. Hướng tới hòa bình và ổn định, mở rộng không gian quy hoạch, cùng chia sẻ chi phí và lợi ích chung.
 
5. Xem xét vấn đề tài chính
 

Các giải pháp tài chính sáng tạo, tổng hợp cho cả ngành nước và khí hậu cần khuyến khích thực hiện, như trái phiếu khí hậu xanh (dạng trái phiếu cho loại nước sạch) và nước xám (nước thải, nước tái sử dụng) và khí xanh, khí ô nhiễm có thể giúp thúc đẩy đầu tư khí hậu trong toàn bộ nền kinh tế. Những rào cản cho việc thực thi các vấn đề tài chính cần phải được giải quyết, và cần được ưu tiên cho các hoạt động cấp bách. 

Lê Oanh (DWRM dịch, tổng hợp)

Nguồn: Cục Quản lý tài nguyên nước