Khu du lịch vịnh Vĩnh Hy (Ninh Thuận) không chỉ đẹp bởi biển xanh, cát trắng mà còn nổi tiếng nhờ rạn san hô quý, đa dạng với hơn 300 loài. Du lịch phát triển đã làm cho môi trường của Vĩnh Hy ngày càng bị ô nhiễm, trong đó có rạn san hô. Nhưng việc làm cho môi trường ở đây xanh, sạch không phải do các cơ quan chức năng mà do người dân thực hiện.
Xanh, sạch nhờ ý thức của người dân
Khu du lịch vịnh Vĩnh Hy trong những năm gần đây đang là điểm đến lý tưởng tại miền Trung. Vịnh Vĩnh Hy thuộc thôn Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, cách trung tâm TP. Phan Rang-Tháp Chàm khoảng 40km về hướng Đông Bắc, đây được xem là một trong những vịnh biển đẹp nhất Việt Nam. Trước đây, Vĩnh Hy chỉ là một làng chài nhỏ nhưng nhờ phong cảnh đẹp, đậm nét hoang sơ, Vĩnh Hy dần dần được nhiều người biết đến và nay đã trở thành khu lịch nổi tiếng tại miền Trung và Việt Nam. Một khi du lịch đã phát triển, Vĩnh Hy dần mất đi nét hoang sơ, đặc biệt những tháng cao điểm du lịch như dịp hè, lễ, tết, du khách gần xa đổ về đây đông, kéo theo lượng rác thải trên mặt biển lẫn các bãi tắm nhiều hơn.
Người dân vịnh Vĩnh Hy gom rác dọc bờ kè chắn sóng sau dịp lễ 30.4 và 1.5
Trước tình hình đó, người dân vịnh Vĩnh Hy đã tự vận động, chung tay làm sạch bờ biển, rạn san hô của vịnh. Gần 2 năm qua, cứ vào mỗi tháng hè hay sau dịp lễ, tết, Hội phụ nữ thôn Vĩnh Hy, Đoàn thanh niên thôn Vĩnh Hy cùng Đoàn thanh niên xã Vĩnh Hải tổ chức những buổi đi nhặt rác quanh bờ kè, các bãi tắm và làm sạch rạn san hô của vịnh. Mới đây, khi qua dịp lễ 30.4 và 1.5, một chiến dịch nhặt rác quy mô tại vịnh Vĩnh Hy đã được phát động. Những người phụ nữ có trách nhiệm quét rác dọc theo bờ kè chắn sóng của vịnh, còn các thanh niên trai tráng thuê Cano, thuyền chạy ra các bãi tắm nhặt rác, lặn lấy rác dưới rạn san hô. Sau khi nhặt rác xong, họ tập kết lại một chỗ và thuê xe chở đến bãi rác của thôn.
Rác được gom quanh bờ kè vịnh
Anh Huỳnh Văn Vương - một thành viên Đoàn thanh niên thôn Vĩnh Hy cho biết: “ Cứ cách khoảng 2 - 3 tháng chúng tôi làm một lần. Nhưng khi dịp hè hay thời điểm sau lễ, tết, lượng rác thải là khá lớn, cộng thêm khi gió mùa thổi đưa rác ra ngoài biển vào vịnh làm rác nhiều hơn, chúng tôi phải làm nhiều lần hơn. Thấy rác nhiều, mọi người cũng tham gia hưởng ứng đông hơn. Ở đây mọi người tự vận động, làm tự nguyện là chính. Người thì góp công, người thì góp tiền thuê xe chở rác, người góp thuyền, Cano chở ra các bãi tắm. Việc nhặt và gom rác vào những dịp hè nắng nóng hay lặn xuống đấy biển để làm sạch rạn san hô cũng có vất vả nhưng ai nấy cũng vui vì đã góp công làm sạch vịnh”.
Rác được lấy lên dọc theo bờ biển vịnh Vĩnh Hy
Anh Vương cho biết, rác thải tại vịnh Vĩnh Hy chủ yếu là những chai nhựa, bịch nilon, lon bia, lon nước ngọt, đồ ăn thừa của khách du lịch khi tham quan vịnh, bên cạnh đó là các loài tảo, mơ được gió mùa thổi vào. Anh Vương kể rằng, đoàn nhặt rác của anh mỗi lần gom được khoảng 30-40 bao rác (mỗi bao nặng khoảng 20kg), những tháng cao điểm du lịch, lượng rác gom được trên 1 tấn/lần...
Thông điệp gửi đến du khách
Hơn 90% người dân làng chài Vĩnh Hy trước đây sống bằng nghề biển, sau này khi du lịch phát triển, gần 70% người dân chuyển sang làm nghề này. Người Vĩnh Hy chủ yếu làm công cho các công ty du lịch, khách sạn, nhà nghỉ tại địa phương như: Lái tàu, hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ, làm bếp, tạp vụ, dọn phòng … số còn lại có vốn làm các dịch vụ như: Chạy Cano cao tốc, môtô nước, buôn bán hải sản… Nói chung là cuộc sống của người dân Vĩnh Hy gắn liền với biển, biển là nguồn sống của họ. Nhưng khi những tháng cuối năm biển động, các tàu cá ít đi biển, khách du lịch giảm, thu nhập của người dân Vĩnh Hy bấp bênh.
Các thành viên Đoàn thanh niên thôn Vĩnh Hy gom rác thành các bao ở các bãi tắm
Nói thế để thấy, biển quan trọng như thế nào với người dân Vĩnh Hy, do vậy việc bảo vệ biển, đảm bảo vệ sinh môi trường của vịnh cũng chính là bảo vệ nguồn sống còn của họ. “Nói thật nếu bây giờ không có du lịch thì người dân Vĩnh Hy cũng chẳng biết làm gì để sống. Cá, mực thì ngày càng ít, ai nấy cũng chuyển sang làm du lịch. Du lịch càng phát triển thì người dân mới có việc làm. Chúng tôi hiểu rằng việc làm sạch biển cũng chính là bảo vệ miếng cơm, manh áo của chúng tôi. Biển sạch, vịnh đẹp thì khách mới đến nhiều. Chúng tôi luôn mong các du khách gần xa đến vịnh Vĩnh Hy hãy ý thức trong việc bảo vệ môi trường, hay bỏ rác đúng nơi quy định, vì hiện nay các bãi tắm, các nhà hàng nổi của vịnh đều có những thùng đựng rác cố định”, chị Phạm Thi Mai - thành viên của Hội phụ nữ thôn Vĩnh Hy chia sẻ.
Rác thải được lấy lên dưới rạn san hô
Nhờ rạn san hô đa dạng với hơn 300 loài, nơi đây đã xuất hiện dịch vụ cano cao tốc chở tắm, lặn xem san hô mang lại sự thích thú cho du khách. Nhưng trong thời gian gần đây, khách đến vịnh đông kèm theo lượng rác thải ra biển nhiều hơn, các loại rác này khi chìm xuống đáy biển sẽ dính vào các rạn san hô, không chỉ làm mất thẩm mỹ mà còn hạn chế sự phát triển của san hô, thậm chí đã không ít loại san hô tại vịnh Vĩnh Hy đã bị chết do rác thải dính vào lâu năm.
Anh Nguyễn Nghĩa - thành viên trong đội lặn làm sạch rạn san hô Đoàn thanh niên thôn Vĩnh Hy cho biết: “ Các loại rác thải không chỉ gây hại cho san hô mà còn ảnh hưởng đến các loại cá, tôm, ốc… sống quanh chúng. Do đó, chúng tôi mong khách khi đến tham quan quanh vịnh Vĩnh Hy đừng xả rác xuống biển, đặc biệt là các chai nhựa, lon nước ngọt hay túi nilon. Nhặt rác trên bờ thì rất dễ nhưng với san hô, chúng tôi phải lặn xuống độ sâu 4-5 mét mới có thể lấy rác. Chúng tôi cũng mong khách khi tắm, lặn không nên bẻ san hô, vì thời gian để chúng hồi phục như trạng thái ban đầu phải cần đến hàng chục năm”.
Bài, ảnh: Hoàng Lê