Hải Phòng: Phục dựng tháp Tường Long

Cập nhật: 25/08/2008
Tháp Tường Long toạ lạc trên đỉnh cao nhất của ngọn Long Sơn, còn gọi là núi Rồng, một trong chín ngọn núi ở Đồ Sơn, Hải Phòng.

Dấu tích vàng son

Qua công trình nghiên cứu, kiến trúc sư Ngô Huy Giao cho rằng: “Tháp Tường Long được xây dựng từ thời nhà Lý, tháp cao12 tầng. Năm 1288 – 1322 hai lần tháp bị sét đánh lần đầu đổ ngọn, lần kế tiếp mất 2 tầng trên cùng. Năm 1426, giặc Minh phá tháp lấy đồng làm vũ khí. Năm 1791 triều đình nhà Lê phá tháp lấy gạch tu bổ thành Thăng Long. Năm 1805 thời Nguyễn, vua Gia Long tiếp tục phá tháp lấy gạch xây thành ở Trấn Hải Dương”… Nhiều sáng tác văn học của người đời sau cũng đã cho biết thêm về sự tàn lụi của tháp Tường Long, trong đó có bài thơ “Tháp Sơn hoài cổ” của Hương cống thời Hậu Lê - Miễn Trai Hoàng Văn Hoàn: Tháp cổ xưa kia cỏ mọc đầy/Dục vương đi khỏi cảnh hoang ngay/Nghìn cân chuông phật vang sông nước/Chín đợt tháp cao hoá bụi bay Vào những năm 60 của thế kỷ trước, dấu tích của tháp Tường Long vẫn còn rất rõ nét. Người dân địa phương lấy gạch, đá ở tháp về xây tường, nung vôi mà tháp vẫn còn cao đến 5 - 6 m. Năm 1971 - 1972, những dấu tích còn sót lại trên mặt đất cảu tháp được san phẳng để làm đài quan sát bộ đội. Năm 1978, di tích tháp Tường Long lần đầu tiên được khai quật.

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy một nền móng tháp có hình vuông, lòng rỗng, xây theo kiểu giật 3 cấp. Cấp dưới cùng có cạnh dài 7,96m, cấp trên cùng 6,92m. Nhiều di vật được phát hiện như gạch xây tháp, bệ tượng A di đà bằng đá xanh, chân tảng hoa sen và các con giống đất nung như rồng, phượng, chim thần Kim - na - ra khá tinh xảo. Sau đó một thời gian, hiện trường khai quật được san lấp và đến năm 1990 người dân đã xây một ngôi chùa ngay trên móng tháp cổ. Năm 1998, tháp Tường Long được khai quật lần thứ hai ở vị trí khác. Các nhà khảo cổ đã phát hiện nền móng thứ hai gồm hai cấp hình vuông, lòng rỗng, được xây bằng gạch đất nung.

Cấp dưới có cạnh dài 7,95m, cấp trên có cạnh dài 7,45m. Di vật tìm thấy gồm ngói mũi hài, ngói lòng máng, một mảnh đất nung khắc hình rồng và một số viên gạch hình chữ nhật có hàng chữ Hán “Lý gia đệ tam đế, Long Thuỵ Thái Bình tứ niên tạo” (nghĩa là gạch được làm vào triều vua Lý thứ 3 - tức Lý Thánh Tông (1054 - 1072), niên hiệu Long Thuỵ Thái Bình thứ 4). Tháp Tường Long được nhiều nhà khảo cổ học, sử học, kiến trúc sư, chuyên gia nghiên cứu văn hoá đánh giá là công trình văn hoá, kiến trúc tiêu biểu của triều Lý. Năm 2005 di tích khảo cổ học tháp Tường Long được công nhận là di tích cấp quốc gia.

Hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Từ năm 1997, thành phố Hải Phòng đã bắt đầu tiến hành lập dự án phục dựng tháp Tường Long gắn với đình Ngọc và đền Nghè (hai di tích ở gần tháp Tường Long) song gặp phải trở ngại về kinh phí và ý tưởng không thống nhất. Đến tháng 12/2006, Quân khu 3 mới cho phép khảo sát địa hình lập dự án vì liên quan đến đất quốc phòng. Ngày 06.6.2008, UBND thành phố Hải Phòng đã có Quyết định số 920/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình phỏng dựng, tôn tạo Tháp Tường Long - Chùa Tháp với diện tích trên 3 ha, tổng mức đầu tư là 179,7 tỷ đồng. Ngày 11.6.2008, Chùa Tháp với chiều cao 32,5m, khuôn viên rộng 1.300m2, hạng mục chính của Dự án đã được khởi công xây dựng với mức đầu tư là 87,7 tỷ đồng bằng nguồn vốn do Thành hội Phật giáo Hải Phòng huy động xã hội hoá.

Ông Bùi Đức Na, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng quận Đồ Sơn, đơn vị thực hiện dự án cho biết: “Đây sẽ là công trình kiến trúc Phật giáo lớn nhất vùng duyên hải Bắc bộ nằm trong tuyến du lịch trọng điểm quốc gia Đồ Sơn - Cát Bà - Vịnh Hạ Long, hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngoài ngân sách thành phố, ngân sách Trung ương theo chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá, UBND quận Đồ Sơn đang mời gọi các tập thể, cá nhân, ủng hộ kinh phí phục dựng tháp Tường Long”.

Được biết, ngày 23/7/2008, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 4847/VPCP-KGVX, lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội về việc đưa công trình phỏng dựng tháp Tường Long vào danh mục công trình hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Nguồn: Báo Du lịch