Tiềm năng phát triển du lịch đang được "đánh thức"

Cập nhật: 13/05/2020
Là huyện có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cùng với bờ biển có chiều dài hơn 32km, khí hậu ôn hòa, mát mẻ, huyện Xuyên Mộc là địa phương có nhiều tiềm năng cũng như điều kiện để phát triển về du lịch...

Diện tích đất bỏ hoang do nước lợ không canh tác được

Huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có vị trí địa lý rất quan trọng, nằm ở vùng địa đầu của miền Đông Nam Bộ nối liền với cực Nam Trung Bộ. Phía Tây và Tây Bắc giáp huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), Tây giáp huyện Châu Đức, Tây Nam giáp huyện Đất Đỏ, Đông Nam giáp huyện Hàm Tân (Bình Thuận), phía Nam giáp với biển Đông rộng lớn, với chiều dài bờ biển hơn 32km.

Ngoài vị trí địa lý thuận lợi, huyện Xuyên Mộc là địa phương có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với khoảng 640,48km2, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng được khai thác để trở thành các nguồn lợi kinh tế…

Những đầm nuôi tôm công nghiệp đầu tiên do ông Nguyễn Quốc Vinh đầu tư những năm 2003

Trước những năm 2003, nơi đây là vùng đất nghèo nước lợ, cuộc sống của người dân vô cùng bấp bênh, phải phụ thuộc hoàn toàn vào lượng mưa và thời tiết từng năm. Cây lúa cũng chỉ trồng được một vụ vào mùa mưa, còn mùa khô nước lợ xâm chiếm, toàn bộ diện tích đất bị bỏ hoang hoá. Nhưng với bao trăn trở phát triển kinh tế của lãnh đạo địa phương, cuối cùng đã tìm ra hướng khi nhu cầu của thị trường Mỹ và châu Âu tăng cao với tôm đông lạnh từ Việt Nam.

Nhưng để đầu tư vào nuôi tôm không phải là đơn giản bởi chi phí đào đầm, máy tạo sóng, con giống, nhân công cho 1ha nuôi tôm vào khoảng 300 - 500 triệu đồng, một con số không hề nhỏ, đó là chưa kể đến kỹ thuật nuôi, thức ăn cho tôm tới khi thu hoạch. Không dừng lại trước khó khăn, địa phương đã chủ động mời gọi các doanh nghiệp, cá nhân từ TP Hồ Chí Minh rót vốn đầu tư nuôi tôm, trong đó có ông Nguyễn Quốc Vinh.

Khu nuôi tôm của ông Vinh thời điểm 2006 tạo công an việc làm cho hơn 200 lao động địa phương

Khi về vùng đất này với tầm nhìn của một doanh nhân thành đạt, cũng là người yêu thích làm trang trại, ông Nguyễn Quốc Vinh đã nhìn thấy tiềm năng của vùng đất nước lợ nơi đây nên quyết định đầu tư tiền của cả đời kinh doanh mua gom được 20ha đất bỏ hoang của bà con để làm các đầm nuôi tôm.

Được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền trong việc làm sổ đỏ diện tích đất nuôi trồng thủy sản đã mua để những nhà đầu tư an tâm rót vốn giúp địa phương thoát nghèo; đồng thời mô hình thí điểm nếu thành công sẽ được nhân rộng ra cả tỉnh, tạo nên nghề nuôi trồng thủy sản tại địa phương.

Những đầm tôm của ông Vinh bị bỏ hoang vì biến đổi khí hậu, gây thiệt hại nghiêm trọng

Chính nhờ sự tâm huyết với nghề và địa phương tạo điều kiện, gia đình ông Vinh quyết tâm cùng bà con nơi đây thoát nghèo bằng cách hướng dẫn cho họ nghề nuôi tôm công nghiệp. Các đầm nuôi của ông đã tạo công ăn việc làm cho hơn 200 lao động địa phương. Những vụ tôm đầu tiên trúng lớn, mỗi tháng trừ thu nhập gia đình ông thu về từ 200 - 300 triệu đồng. Ông Vĩnh cũng tự tin đầu tư toàn bộ tài sản vốn và huy động thêm tài chính từ người thân, bạn bè vào để mở rộng diện tích nuôi tôm lên hơn 60ha.

Nhưng dường như một lần nữa khó khăn lại thử thách lòng người và bản lĩnh cán bộ tại nơi đây. Vào những năm 2012, trước biến đổi của khí hậu, nước các dòng sông từ đầu nguồn không còn về như trước, tình trạng nước mặn xâm lấn nghiêm trọng, chỉ trong một đêm cả khu vực nuôi tôm nước lợ bị mất trắng do nồng độ nước mặn tăng cao làm tôm nổ mắt.

Mô hình dự án khi hoàn thành

Nhiều vụ liên tiếp bị mất trắng khiến gánh nợ của những chủ đầm tôm nặng thêm. Do là người đi tiên phong và có diện tích đất sử dụng nuôi lớn nhất, gia đình ông Vinh bị thiệt hại nặng nề, mất trắng tất cả số tiền cả đời tích lũy, diện tích đầm đã mua muốn bán lại để gỡ gạc chút vốn cũng không ai mua.

Không chịu khuất phục, một lần nữa lãnh đạo địa phương lại ngày đêm nghĩ cách để phát triển hướng mới cho kinh tế địa phương, tận dụng địa thế giao thông thuận lợi cùng địa danh Hồ Tràm cùng nguồn tài nguyên khoáng bùn và nước nóng, lãnh đạo tỉnh, huyện đã trình lên Bộ Tài Nguyên và Môi Trường dự án quy hoạch và phát triển tiềm năng du lịch Hồ Tràm tại huyện Mộc Xuyên.

Những công trình dần được mọc lên trên mảnh đất mặn xâm lấn 

Chỉ sau một thời gian, vùng đất nơi đây đã thay đổi diện mạo mới, các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh nhằm mời gọi các nhà đầu tư có tiềm lực đâu tư cơ sở hạ tầng để phát triển vùng đất tiềm năng này. Tỉnh cũng ra chính sách chuyển đổi những diện tích đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản… trong diện tích đã quy hoạch thành đất thổ cư để tạo điều kiện cho các chủ đầu tư rót vốn vào nơi đây.

Cũng từ chính sách này mà nhiều người dân tưởng chừng như phá sản, mất nghiệp vì nuôi tôm thất bại do biến đổi khí hậu trước đây như gia đình ông Vinh được hồi sinh khi giá trị của đất được tăng lên. Những con đường đang được mở, những mặt bằng đang được san lấp, sau khi Sân bay Long Thành, Sân bay Hồ Tràm đi vào hoạt động, các dự án được triển khai hứa hẹn nơi đây sẽ là điểm du lịch hút khách trong nước và quốc tế.

Kiên Tùng - Minh Nhật

Nguồn: Báo Thanh tra