Vĩnh Long: Xây bảo tàng nông nghiệp miền Tây

Cập nhật: 16/05/2020
Vĩnh Long vừa có quyết định phê duyệt đề án xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với tổng kinh phí 400 tỷ đồng.

Mục tiêu của đề án là tạo dựng một thiết chế văn hóa quan trọng xứng tầm với vai trò và vị thế của ngành nông nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; phát huy được những giá trị của di sản văn hóa nông nghiệp ở ĐBSCL; phục vụ cho nhu cầu du lịch, học tập, nghiên cứu khoa học, thụ hưởng văn hoá của công chúng và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp hiện nay ở ĐBSCL.

Đồng thời, tôn vinh sự cần cù, sáng tạo của người nông dân Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đã có vai trò to lớn đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; bảo tồn các di sản văn hóa nông nghiệp (vật thể và phi vật thể) ở ĐBSCL, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân đối với quê hương, đất nước; thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là ngành du lịch của địa phương.

Bảo tàng dự kiến xây dựng tại ấp Rạch Trúc, thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Tổng diện tích đất dự kiến 11,4ha, trong đó khu đất đã được bồi hoàn khoảng 3,44ha, còn lại chủ yếu là đất nông nghiệp (vườn, ruộng).

Một góc thị trấn Vũng Liêm (Vĩnh Long)

Bảo tàng có tổng kinh phí xây dựng 400 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách và xã hội hóa. Khuôn viên bảo tàng được chia thành 4 khu chính, gồm: khu phục vụ cho trưng bày và hành chính; khu tái hiện làng quê Nam Bộ xưa; khu tổ chức sự kiện và khu công trình phụ trợ. Trong mỗi chủ đề chính của bảo tàng được chia thành các chuyên đề trưng bày chuyên sâu khác nhau.

Hiện vật và tư liệu của từng chuyên đề trưng bày được sắp xếp theo tiến trình lịch sử qua bốn thời kỳ gồm: Nền nông nghiệp vương quốc Phù Nam và Chân Lạp, trước năm 1698; quá trình Nam tiến và khẩn hoang của các chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn (1698-1858); tổ chức sản xuất nông nghiệp thời Pháp thuộc và Việt Nam Cộng hòa (1858-1975) và nền nông nghiệp thâm canh ở Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ đổi mới và hội nhập, giai đoạn từ 1975 đến nay.

Việt Nam có trên 160 bảo tàng; trong đó 4 bảo tàng cấp quốc gia, 7 bảo tàng chuyên ngành cấp bộ, 34 bảo tàng của các đơn vị trực thuộc bộ, 80 bảo tàng cấp tỉnh và 36 ngoài công lập. Tuy nhiên, chưa có nơi nào xây bảo tàng nông nghiệp.

Mai An (t/h)

Nguồn: Báo Môi trường