Đã 30 năm qua, một căn nhà gỗ giản dị, trang nghiêm, thoáng mát nhưng rất ấm cúng nằm trong khuôn viên Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) đã gây ấn tượng đặc biệt với khách tham quan.
Đến đây, du khách không chỉ được ngắm nhìn kiến trúc nguyên mẫu với ngôi nhà sàn sinh thời Bác Hồ sống, sinh hoạt, mà còn được chìm đắm trong sắc màu của ngàn hoa, được bày tỏ lòng tôn kính cũng như cảm nhận được tình cảm thiết tha của đồng bào miền Nam đối với Bác.
Nhà sàn Bác Hồ nằm trong Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc (TP Cao Lãnh).
Công trình được xây dựng nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/1990) và có tỷ lệ 1:1 với ngôi nhà sàn tại Phủ Chủ tịch. Trước nhà có ao cá, hàng dâm bụt và 2 cây dừa đặc trưng của miền Nam.
Nhà sàn gồm 2 tầng với vật liệu gỗ có chiều dài 10,5m, rộng 6,2 m. Tầng trệt được gọi là “Phòng làm việc mùa Hè”. Bộ bàn ghế đặt ở tầng dưới là Bác làm việc vào mùa hè và hội họp với Bộ Chính trị. Tầng trên có 2 phòng, mỗi phòng rộng khoảng 10 m2, là phòng ngủ và “Phòng làm việc mùa Đông”.
Chiếc đồng hồ chỉ thời gian lúc Bác ra đi mãi mãi.
Những chiếc điện thoại bàn Bác dùng cũng được phục dựng tại nhà sàn.
Chiếc ghế dài Bác nằm nghỉ trưa.
Những tấm ảnh kỷ vật của Bác.
Những cuốn sách và vật dụng để trên bàn làm việc của Bác.
Chiếc ghế Bác ngồi đọc sách ở hiên nhà trước, tầng trên.
Những vật dụng thân thiết trong phòng Bác ngủ.
Hằng năm, Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc và nhà sàn Bác Hồ đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan. Đây là địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau.
Bình Nguyên