Xu thế du lịch xanh phát triển cộng với yêu cầu, chọn lọc ngày càng khắt khe về nơi nghỉ ngơi của du khách khiến dịch vụ lưu trú không còn đơn thuần là điểm nghỉ dưỡng mà có thể góp phần nâng cao giá trị của điểm đến du lịch một khi được tổ chức đồng bộ và có bản sắc riêng.
Cơ sở lưu trú thiết kế bằng vật liệu xanh đậm chất địa phương trong khu sinh thái rừng Hà Gia (thị xã Điện Bàn). Ảnh: Q.T
Cần tiếng nói chung
Những năm đầu của thế kỷ 21, khi ngành du lịch ở Hội An chưa tăng trưởng mạnh mẽ thì homestay chính là một lựa chọn ưa thích của nhiều du khách khi đến với đô thị cổ.
Chị Lý – chủ homestay Lý Phúc (phường Cẩm Châu, TP.Hội An) bộc bạch: “Tôi là một trong những người đầu tiên làm homestay ở địa phương và khi đó được du khách đón nhận nồng nhiệt khi họ ở chung nhà, cùng ăn, cùng trải nghiệm các nét đặc trưng văn hóa bản địa. Thời điểm đó, homestay còn được xem là một sản phẩm du lịch tạo điểm nhấn cho Hội An nữa”.
Tuy nhiên, khoảng sau thời điểm 2012 phong trào làm homestay nở rộ và thực tế vận hành dần không còn đúng với bản chất của loại hình này. Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An nhìn nhận, loại hình homestay của Hội An càng về sau càng đi chệch hướng khi thực chất nhiều điểm homestay chỉ như “nhà trọ” và tạo sự ái ngại, ấn tượng không tốt cho du khách khi nhắc đến loại hình này.
Không chỉ homestay, thị trường lưu trú Hội An thời gian qua cũng có những xáo động khi tăng mạnh về lượng nhưng có phần chững lại và lộn xộn về chất lượng. Đặt vấn đề về việc “xốc lại” và cải tạo các khu lưu trú để tạo ra điểm nhấn hút khách, ông Lê Ngọc Thuận – Chủ tịch Hội Homestay Quảng Nam cho hay: “Điều này hoàn toàn có thể làm được tuy nhiên cần phải có sự chung tay của cộng đồng làm lưu trú ở khu vực. Đơn cử như việc quét chung một màu sơn hay tạo ra các giàn hoa giấy liên tiếp nhau. Cái này một số cơ sở lưu trú ở ven biển An Bàng đã làm rồi và chứng minh được tính hiệu quả”.
Nhận định về loại hình lưu trú có thể tạo ra dấu ấn đậm nét cho Hội An, ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng, thời gian qua các cơ sở biệt thự du lịch trong thành phố được du khách rất ưa chuộng bởi hiếm có đô thị du lịch nào trên cả nước sở hữu nhiều cơ sở lưu trú có góc nhìn (“view”) đa dạng từ: sông nước, ruộng đồng, biển, rừng dừa… như Hội An nên cần khuyến khích phát triển.
Khuyến khích vật liệu xanh
Khi xu hướng du lịch xanh ngày càng được khách Âu - Mỹ (vốn là thị trường khách truyền thống của Quảng Nam) ưa chuộng, việc tạo ra các sản phẩm du lịch thân thiện trong đó có dịch vụ lưu trú sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn để hướng tới phân khúc khách hàng này.
Ông Lê Ngọc Thuận phân tích: “Qua kinh nghiệm cho thấy, khách châu Âu khi sử dụng dịch vụ lưu trú thì giường ngủ nhất thiết phải có đệm; không gian còn lại nên hướng đến bài trí đơn giản và vật liệu thân thiện thì càng tốt”.
Thời gian gần đây, nhiều đơn vị tại Hội An đã chú ý hơn đến việc sử dụng vật liệu xanh, đậm chất địa phương để thiết kế cho cơ sở lưu trú của mình như dùng mái lợp bằng lá dừa, cửa sổ bằng gỗ, tre bốn bề bao phủ cây xanh như An Bàng Beach Hideway, Under The Coconut Tree Hoi An Homestay, Hoi An Lemongrass Homestay…
Cũng là một điểm đến di sản, khu đền tháp Mỹ Sơn thời gian qua tuy chưa thu hút nhiều khách lưu trú nhưng với hệ thống sản phẩm du lịch có tiềm năng phát triển tốt ở vùng phụ cận thì việc tính toán dịch vụ lưu trú hài hòa, phù hợp cho du khách và bền vững với điểm đến này trong tương lai gần cũng là điều cần thiết.
Ông Lê Tấn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam VITOURS chia sẻ: “Tại khu vực Mỹ Sơn cần phát triển hình thức lưu trú homestay hoặc resort sinh thái chứ không nên phát triển khách sạn hiện đại quá gần di sản này”.
Hiện nay, hầu hết homestay thuộc tổ du lịch cộng đồng làng Mỹ Sơn (xã Duy Phú) nằm bên chân tháp vốn hoạt động cầm chừng cũng đang được cải tạo lại mang đậm chất địa phương hơn để hút khách. Bên cạnh đó, một resort cao cấp ở khu vực này đã đi vào hoạt động gắn liền với nhiều không gian sinh thái như vườn rau, vườn trái cây hứa hẹn sẽ là một điểm dừng chân nghỉ ngơi thú vị và bước đầu đã được du khách đón nhận.
Ông Nguyễn Sơn Thủy – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy nhất Đông Dương cho biết, farmstay là loại hình lưu trú không mới ở nhiều nơi, nhưng còn rất mới mẻ với Quảng Nam và cần được kích hoạt để tạo sự đa dạng cho sản phẩm lưu trú. Nhiều vùng trung du, bán sơn địa trên địa bàn tỉnh như Duy Xuyên, Phú Ninh, Đại Lộc… nếu phát triển quy củ được farmstay thì sẽ góp phần đẩy mạnh loại hình du lịch nông nghiệp vốn cũng là thế mạnh chưa được khai thác tương xứng của địa phương.
Quốc Tuấn