Công trình ứng phó biến đổi khí hậu: Cấp thiết & đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của người dân

Cập nhật: 03/06/2020
Nhiều tuyến kè ven biển chống xói lở, xâm thực, chỉnh trị luồng cửa biển trên địa bàn tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thi công trước tình hình biến đổi khí hậu đang tác động ngày một rõ hơn đối với những địa phương ven biển.

Tuyến kè chắn cát dài 140m đang triển khai thi công ở Thuận An

Cấp thiết

Đầu năm 2020, dự án (DA) xử lý khẩn cấp khắc phục xói lở bờ biển Hải Dương và chỉnh trị luồng cảng Thuận An được triển khai thi công, tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018, do Ban Quản lý DA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư, Công ty Xây dựng Mỹ Đà đảm nhiệm thi công.

Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Giám đốc Ban Quản lý DA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh thông tin, công trình sẽ xây dựng tuyến kè chắn cát dài 140m nối tiếp tuyến kè phía Nam đã được đầu tư xây dựng năm 2008, với mục tiêu tăng cường khả năng chống xâm thực và sạt lở vùng biển Hải Dương- Thuận An, ổn định bờ biển và bảo vệ các công trình hạ tầng công cộng, các khu du lịch ở khu vực; đảm bảo an toàn và ổn định cuộc sống cho các hộ dân cư khu vực Hải Dương- Thuận An.

Công trình còn góp phần chỉnh trị luồng cảng Thuận An, đảm bảo giao thông đường thủy, phục vụ tàu 2.000 tấn ra vào cảng và tăng cường khả năng thoát lũ từ đầm phá ra biển; duy trì bền vững môi trường vùng đầm phá nước lợ có diện tích 22.000 ha.

Trước Thuận An, các công trình kè biển với quy mô lớn, nhỏ khác nhau cũng đang được đầu tư xây dựng tại xã Phú Thuận (Phú Vang), Vinh Hải (Phú Lộc). Hàng năm vào mùa mưa bão, triều cường, gần 4.300 hộ dân ở các thôn An Dương 1, An Dương 2 và An Dương 3 (xã Phú Thuận) mà trực tiếp ảnh hưởng là 600 hộ dân sống ven vùng biển và 700 hộ dân ở xã Vinh Hải cứ nơm nớp lo sạt lở biển và xâm thực ảnh hưởng hàng trăm ha đất nông nghiệp tại đây.

Nhằm ứng phó tình trạng sạt lở biển, xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất, năm 2019, DA đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ biển khẩn cấp đoạn Thuận An - Tư Hiền, trong đó có xã Phú Thuận (giai đoạn 2), Vinh Hải đã được triển khai thi công.

Tuyến kè Vinh Hải đang được triển khai thi công đạt 70% khối lượng công việc

Đảm bảo tiến độ

Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Giám đốc Ban Quản lý DA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh khẳng định, với thời gian thi công trong 12 tháng và phải thi công trong điều kiện ảnh hưởng môi trường sóng biển, nên ngay từ đầu, chủ đầu tư đã yêu cầu đơn vị thi công huy động, máy móc, nhân lực triển khai các mũi thi công để đảm bảo tiến độ công trình.

Khối lượng chính đã thi công (hợp phần trên bờ) đến nay gồm đổ bê tông được 1.862/2.248 khối các cấu kiện; 610/1.325 khối haro 5,9 tấn; 24/102 khối tetrapod 8,5 tấn; giá trị thực hiện đến nay khoảng 13 tỷ đồng/33,6 tỷ đồng tổng giá trị hợp đồng.

Hạng mục chính thi công tiếp theo (phần ngoài biển) gồm nạo vét móng kè, thi công đá học móng kè, lắp đặt bê tông khối phủ hoàn thiện kè. Để thi công hợp phần ngoài biển, chủ đầu tư đã huy động 2 xà lan 800 tấn, cần cẩu 50 tấn và thiết bị hút móng kè.

Kè Phú Thuận giai đoạn 2 và kè Vinh Hải do Ban Quản lý DA đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT làm chủ đầu tư đến nay cũng hoàn thành 60-70% khối lượng công việc. Cụ thể, kè Phú Thuận đang tiếp tục triển khai thi công trên chiều dài 230m, kế tiếp giai đoạn 1 từ Km404; kè Vinh Hải thi công trên chiều dài 252m, hoàn thiện 100% cấu kiện đúc sẵn và đã tiến hành thi công dưới nước.

Ông Nguyễn Văn Tài, Cán bộ giám sát của Ban Quản lý DA đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT đánh giá, tuyến công trình giai đoạn 2 được triển khai thi công khá thuận lợi vì khi xây dựng giai đoạn 1 các đơn vị thi công đã đóng cọc (trên 830m chiều dài ven biển) qua thôn An Dương.

Với công nghệ thi công mới, chân kè kết cấu gồm hàng cọc ván bê tông cốt thép dự ứng lực đúc sẵn đóng ken xít liên tục, đỉnh cọc được liên kết bằng dầm mũ cọc đổ tại chỗ; phía ngoài hàng cọc là lăng thể đá hộ chân dài 1m, phủ mặt lăng thể là cấu kiện bê tông đúc sẵn, bề rộng phủ mặt 6m… đảm bảo yếu tố bền vững của công trình cũng như nhiệm vụ ngăn chặn tình trạng xâm thực biển. 

“Thời điểm hiện tại 2 công trình này các đơn vị thi công đã triển khai đúc xong cấu kiện bê tông, lát mái kè, đào cát hố mống và lắp ván khuôn cốt thép lắp dầm mũ và đang triển khai thi công hợp phần hạng mục dưới bờ biển. Do vừa thi công vừa ứng phó với tình trạng triều cường, sạt lở uy hiếp an toàn của vật tư xây dựng nên chủ đầu tư luôn đốc thúc các đơn vị thi công huy động nguồn nhân, vật lực đảm bảo tiến độ và hoàn thành các hạng mục cơ bản trước mùa mưa bão”, ông Tài khẳng định.

Trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng kè chống xói lở bờ biển với tổng chiều dài hơn 3km qua các địa phương Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc. Trong đó đoạn Hải Dương dài 730m; đoạn Phú Thuận dài 404m; đoạn xã Vinh Hải dài 400m; đoạn qua xã Quảng Công dài 1.500m. Ngoài ra, DA chỉnh trị cửa biển Thuận An giai đoạn 1, với tổng mức đầu tư 161 tỷ đồng, đến nay đã bàn giao đưa vào sử dụng, giai đoạn 2 đang tiếp tục nghiên cứu. Toàn tỉnh cũng đã xây dựng được hơn 71,7 km kè chống sạt lở bờ sông tập trung ở các sông Hương, Bồ, Ô Lâu, Truồi, Cầu Hai, Nong…

Bài, ảnh: Hà Nguyên

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế