Chi trả dịch vụ hệ sinh thái (PES) đang được nhiều nước tiên tiến trên thế giới sử dụng như một công cụ kinh tế, chính sách hữu hiệu để bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho bảo tồn đa dạng sinh học và cải thiện cuộc sống của người dân địa phương.
Đặc biệt, chính sách này giúp Nhà nước quản lý bền vững tài nguyên rừng đầu nguồn, cân bằng môi trường sống của cộng đồng, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với cơ chế của nền sản xuất hàng hoá...
Theo Thạc sỹ Huỳnh Thị Mai, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường - chuyên gia về lĩnh vực này, thì khái niệm về PES còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Thạc sỹ Huỳnh Thị Mai giải thích rõ hơn về khái niệm Chi trả dịch vụ hệ sinh thái, hay còn gọi là chi trả dịch vụ môi trường được hiểu là công cụ kinh tế, sử dụng để những người được hưởng lợi từ các dịch vụ hệ sinh thái chi trả cho những người tham gia duy trì, bảo vệ và phát triển các chức năng của hệ sinh thái đó. Ví dụ, rừng đầu nguồn có tác dụng giữ nước, duy trì chất lượng nước, chống sạt lở đất và lũ lụt cho hạ lưu... Vì vậy, những người được hưởng lợi ở hạ lưu cần chi trả một khoản tương xứng cho những người trực tiếp tham gia duy trì và bảo vệ các chức năng của rừng đầu nguồn.
Hiện nay ở Việt Nam, chi trả dịch vụ hệ sinh thái ngày càng được quan tâm nghiên cứu và đã triển khai thí điểm. Đó là Quyết định số 380/TTg ngày 10/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về chính sách thí điểm PES rừng được triển khai tại 2 tỉnh Lâm Đồng và Sơn La, với các loại dịch vụ như điều tiết nguồn nước, hạn chế xói mòn, bồi lấp và cảnh quan du lịch. Dự thảo Luật Đa dạng sinh học trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 ngày 18/10/2008, trong đó cũng quy định về tài chính cho bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học đề cập đến các nguồn thu từ PES.
Việt Nam có nhiều sông, núi cao có độ dốc lớn, rừng đầu nguồn lại bị suy giảm, nhân dân vùng đầu nguồn phần lớn là những người nghèo. Việt Nam lại thường xuyên xảy ra nhiều trận lũ lụt lớn tàn phá thiên nhiên, gây thiệt hại nặng nề đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Bên cạnh đó, việc quản lý lưu vực sông của nước ta lại còn nhiều bất cập cần được điều chỉnh. Vì vậy, việc nghiên cứu, thực hiện chính sách PES ở Việt Nam là rất cần thiết và cấp bách nhằm tạo thêm nguồn tài chính hỗ trợ công tác bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần thúc đẩy kinh tế hoá tài nguyên và môi trường.