Nếu coi trọng phát triển kinh tế mà xem nhẹ bảo vệ môi trường là sai lầm. Sự cương quyết đó phải thể hiện qua đường lối, chính sách, luật pháp, ứng xử và tư duy.
Thực hiện Chương trình kỳ họp thứ 9, sáng 11/6, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Không thể một Bộ “vừa đá bóng vừa thổi còi”
Nhấn mạnh quan điểm không chấp nhận hi sinh môi trường để phát triển kinh tế, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định, người Việt Nam được quyền sống trong môi trường trong lành. Muốn vậy, phải làm sao đón đầu dự án, tạo ra sản phẩm tốt từ nguồn vốn, dẫn dắt để phát triển kinh tế trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu rộng.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà tại buổi thảo luận sáng 11/6
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, luật sửa đổi lần này đã cắt giảm 40% thủ tục hành chính, nhưng không buông lỏng vấn đề môi trường. “Những lĩnh vực có tổng lượng thải lớn, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao sẽ được khoanh lại với 17 nhóm quy định trong luật này. Từ đó quy định vấn đề hậu kiểm thay cho tiền kiểm. Cắt giảm 40% thủ tục hành chính là cắt giảm hàng chục nghìn tỷ đồng”, ông Hà cho hay.
Còn về phân cấp quản lý, theo Bộ trưởng, sau này sẽ xác định luôn. Lĩnh vực gì thuộc về Quốc hội, Chính phủ, dự án lớn thì Bộ TN&MT chịu trách nhiệm. Còn dự án nào về an ninh quốc phòng do quốc phòng và công an phụ trách, các bộ, ngành khác không tổ chức bộ máy, nhân lực.
Phát biểu tại thảo luận tổ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, vấn đề môi trường là thách thức không chỉ ở Việt Nam mà cả toàn cầu. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, hơn lúc nào hết phải cương quyết bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân, trong đó phải quán triệt bảo vệ môi trường.
Nếu coi trọng phát triển kinh tế mà xem nhẹ bảo vệ môi trường là sai lầm. Sự cương quyết đó phải thể hiện qua đường lối, chính sách, luật pháp, ứng xử và tư duy.
Dẫn chứng hiệu quả từ Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 cụ thể hoá các quy định của luật, Thủ tướng đặt vấn đề, nên chăng cần có một nghị định tương tự với chế tài nghiêm khắc bên cạnh công tác tư tưởng, vận động, tuyên truyền giáo dục cũng như khuyến khích áp dụng công nghệ trong sản xuất, xử lý rác thải để bảo vệ môi trường.
“Tình hình uống rượu lái xe, tai nạn giao thông do uống bia rượu giảm hẳn. Phải rút ví bỏ ra hàng chục triệu đồng nộp phạt mới nâng cao ý thức. Chúng ta không có chế tài nghiêm thì nói mãi cũng nhờn” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị luật phải làm rõ hơn vai trò quản lý nhà nước cũng như chức năng của các bộ, ngành, không thể một bộ “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Phân loại chất thải là điều kiện tiên quyết
Một điểm mà nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng đó là vấn đề liên quan đến rác thải sinh hoạt. Bộ trưởng cho biết, trong luật lần này, cơ quan soạn thảo xác định quan điểm, chất thải không phải hoàn toàn là thải đi, bỏ đi. Chất thải là một dạng tài nguyên, ít nhất là tái sử dụng 40%. Như vậy, việc phân loại ra là điều tiên quyết.
Đại biểu Y Biêr Niê (đoàn Đắc Lăk) phát biểu tại buổi thảo luận tổ
Cùng với đó, công nghệ xử lý không chôn lấp; tái chế, tái sử dụng 40%, hướng tới hình thức đốt thành sinh khối, đốt thành điện năng. Để làm được điều này, trong dự thảo Luật cũng quy định rõ từ khâu thu gom là người dân tới xử lý cuối cùng phải đồng bộ.
Đặc biệt, rác thải sinh hoạt không tính bình quân theo bao nhiêu tiền một hộ nữa mà tính theo khối, theo kg, có nghĩa là thải ra bao nhiêu thì phải trả bấy nhiều. Cách tính tiền là người dân cũng chịu một phần.
Đồng tình với nội dung trên, tuy nhiên đại biểu Y Biêr Niê (đoàn Đắc Lăk) vẫn băn khoăn, hiện nay trên địa bàn khu vực Tây Nguyên, rác thải đang hoàn toàn chôn lấp. “Cơ quan soạn thảo nên tính toán việc liệu có đảm bảo nguồn lực để các địa phương thực hiện quy trình như vậy hay không?”, đại biểu đặt câu hỏi.
Cùng quan điểm, đại biểu Đặng Quốc Khánh (đoàn Hà Giang) nêu vấn đề, rác thải sinh hoạt là vấn đề nhiều địa phương bức xúc hiện nay. Nhưng kinh phí nào để làm, kêu gọi xã hội hóa thì nhiều doanh nghiệp không thiết tha. "Bởi vậy, tôi cho rằng nhà nước phải hỗ trợ, hỗ trợ đầu tư, công nghệ, đến giải phóng mặt bằng...”, ông Khánh nói.
Cần chi 3-5% GDP cho trụ cột bảo vệ môi trường
Đồng tình với việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) rất quan trọng vì đây là cấp thiết cấp bách chứ không phải đến hẹn lại lên, đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, với Luật BVMT năm 2014 đi vào cuộc sống, chúng ta đã đạt được kết quả quan trọng trong an ninh môi trường, bảo vệ môi trường, sức khoẻ người dân và hệ sinh thái. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật cũng còn một số vấn đề tồn tại như: chưa cập nhật xu hướng mới, cách thức quản lý còn nặng nề, phân cấp quản lý chưa rõ ràng, chưa chặt chẽ, việc thực hiện BVMT theo pháp luật quốc tế chưa đảm bảo.
Do vậy, sự cần thiết sửa toàn diện Luật BVMT đáp ứng nhu cầu trong tình hình thực tiễn hiện nay, dự báo cho thời gian tới về biến đổi khí hậu, công nghiệp hoá đất nước.
Cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Luật BVMT sửa đổi, tuy nhiên, đại biển Nguyễn Thị Yến cho rằng có một số điểm trong dự thảo cần được lưu ý. Đặc biệt là vấn đề nguồn lực nhà nước cho bảo vệ môi trường.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu)
Khẳng định 3 trụ cột của đất nước là kinh tế - xã hội – môi trường, đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng, thời gian qua, chi cho môi trường rất thấp. Theo quy định của luật ngân sách, nhà nước chi cho khoa học công nghệ 2% tổng ngân sách trở lên. Trong khi, các nước phát triển chi nguồn lực từ 5-10% GDP, trong đó từ ngân sách 3-4% GDP cho công tác bảo vệ môi trường.
“Cần nêu rõ vấn đề chi cho bảo vệ môi trường từ 3-5% GDP hàng năm. Có như vậy mới tập trung cho trụ cột bảo vệ môi trường”, đại biểu Yến nhấn mạnh.
Dẫn bài học Formosa ở Hà Tĩnh xảy ra ngay đầu nhiệm kỳ, đại biểu Đặng Quốc Khánh cho rằng có rất nhiều điều cần phải giải quyết khi xây dựng Luật bảo vệ môi trường sửa đổi. Đặc biệt là việc nhà nước cần phải đầu tư, nhất là về kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường. “Luật đề xuất chi ngân sách 2% cho môi trường là không đủ, phải cao hơn nữa vì còn chi cho cả đầu tư bảo vệ môi trường nữa chứ không đơn thuần là xử lý ô nhiễm môi trường” – ông Khánh nói
Ví dụ như đầu tư cho kinh phí quan trắc môi trường tự động để kiểm tra, giám sát về môi trường chứ chúng ta không thể lúc nào cũng tiến hành kiểm tra thành đoàn, thành người được. “Họ đóng, rồi ngắt làm sao chúng ta biết được. Do đó tôi cho rằng nhà nước phải bỏ kinh phí để đầu tư quan trắc tự động, kết nối các điểm quan trắc về bộ phận giám sát môi trường tại Sở TN&MT, Bộ TN&MT. Đồng thời yêu cầu các DN phải có hệ thống quan trắc này để theo dõi. Và cái này cần kinh phí đầu tư”.
Đối tượng có tác động xấu đến môi trường có nghĩa vụ đóng phí
Một lần nữa nhắc lại vụ “thảm họa môi trường Fomorsa năm 2016” ở Hà Tĩnh, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (đoàn Hà Tĩnh) cho biết, vụ việc này đã làm thức tỉnh mọi tổ chức, cá nhân trong vấn đề bảo vệ môi trường vì nó không chỉ là thảm hoạ môi trường mà còn tác động đến kinh tế, chính trị và mọi hoạt động khác. Sau đó Chính phủ đã giao ngay cho các bộ ngành và Bộ TN&MT vào cuộc điều chỉnh ngay luật bảo vệ môi trường.
Đại biểu Đặng Quốc Khánh (đoàn Hà Giang) nêu quan điểm
Ông Sơn nêu quan điểm những đối tượng được hưởng lợi từ môi trường phải có nghĩa vụ bảo vệ môi trường và các đối tượng có tác động xấu đến môi trường thì phải bỏ nghĩa vụ đóng góp tài chính để xử lý.
“Tức là anh có chất thải, phá rừng… ảnh hưởng xấu đến môi trường thì phải đóng góp kinh phí để xử lý môi trường” – ông Sơn nói.
Về tiền kiểm, hậu kiểm riêng môi trường, ông Sơn đề nghị phải coi trọng cả hai khâu, không nên chỉ coi trọng hậu kiểm, xem nhẹ khâu tiền kiểm. Khi doanh nghiệp vào đầu tư, chúng ta phải lượng hoá đầu tư công nghệ gì, nếu cơ quan chức năng chưa thẩm định về môi trường, thì doanh nghiệp chưa được vào sản xuất. Vì khi người ta đầu tư công nghệ vào rồi, sau này không đạt bắt người ta phá bỏ toàn bộ thì rất ảnh hưởng đến kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và cả tâm lý của nhà đầu tư. Sau đó nếu doanh nghiệpvi phạm về môi trường thì tiến hành hậu kiểm hậu kiểm.
Doanh nghiệp nào thông qua tiền kiểm, đi vào sản xuất thì hạn chế, hoặc có thể không bao giờ vào thanh kiểm tra nữa, nhưng nếu có dấu hiệu gây ô nhiễm, vi phạm pháp luật môi trường thì vào kiểm kiểm tra đột xuất 5-7 lần để xử lý dứt điểm việc vi phạm.
Đồng tình với việc thanh, kiểm tra đột xuất đối với lĩnh vực môi trường mà không thông báo trước, tuy nhiên, ông Sơn lưu ý, phải có yếu tố điều kiện để thanh, kiểm tra đột xuất chứ không phải muốn vào lúc nào cũng được. Cụ thể phải dự báo được, nắm được thông tin nào đó, dư luận xã hội, hoặc qua theo dõi các chỉ số môi trường tại khu vực đó… mới được vào thanh kiểm tra.
"Phải quy định chặt chẽ điều này để tránh tình trạng gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Tức khi chúng ta vào thanh kiểm tra đột xuất là phải đủ căn cứ, và các tiêu chí phải được quy định rõ trong luật, để có người chịu trách nhiệm. Nếu vào nhũng nhiễu doanh nghiệp thì cũng bị xử lý”, ông Sơn nêu quan điểm.
Khương Trung - Tuyết Chinh