Thạch Lâm, Thanh Hóa: Phát triển du lịch sinh thái - cộng đồng là hướng đi chiến lược, đầy tiềm năng

Cập nhật: 17/06/2020
Thác Mây là "món quà vô giá” mà thiên nhiên ban tặng cho đất và người ở xã Thạch Lâm, Thạnh Thành, Thanh Hóa. Đây là điểm nhấn để phát triển du lịch sinh thái - cộng đồng, là đòn bẩy giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thác Mây - điểm du lịch độc đáo, quà tặng vô giá của thiên nhiên

Thạch Lâm là xã nghèo thuộc huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Đây là mảnh đất nằm ở vị trí chiến lược, có vị trí địa lý khá đặc biệt, giáp tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình. Đây còn là xã thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương, vườn quốc gia đầu tiên ở Việt Nam. Với tổng diện tích 65,26 km2 đa phần là đồi núi, đời sống nhân dân tại Thạch Lâm còn gặp nhiều khó khăn.

Để phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân là một điều trăn trở của lãnh đạo chính quền nơi đây. Đảng Ủy, HĐND, UBND xã xác định để Thạch Lâm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị, cần phải có kế hoạch cụ thể, những chính sách mang tính chiến lược.

Ngay sau khi được UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định số 3950/QĐ- UBND công nhận Thác Mây, xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành là điểm du lịch của tỉnh, lãnh đạo địa phương xác định đây là cơ hội lớn, là đòn bẩy để Thạch Lâm phát triển kinh tể xã hội, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Với món quà "vô giá”, một kiệt tác của thiên nhiên ban tặng, Thác Mây là một dòng thác êm ả, trong vắt, hiền hòa được bao bọc bởi đại ngàn Tây Bắc. Giữa nắng trời oi ải, du khách đặt chân đến chân thác đã cảm nhận được một luồng gió mát lạnh từ thác nước thổi ra, tạo cho du khách một cảm giác thư thái, bình yên đến lạ kỳ. Đắm mình vào dòng nước mát lạnh trong vắt, thưởng ngoạn thác nước từ trên cao đổ xuống vỗ về qua chín tầng thác với những phiến đá vàng óng nâng đỡ dòng nước trong xanh tung bọt trắng xóa mới thấy cái tên Thác Mây, thác chín nàng tiên, thác chín bậc tình yêu quả không sai.

Thác Mây như một nơi tiên cảnh, lại nằm trọn trong không gian văn hóa của người Mường với những bản sắc văn hóa độc đáo. Ngồi trên ngôi nhà sàn cổ trên 200 tuổi, thưởng thức những luồng gió mát lạnh của núi rừng, nghe tiếng suối chảy, tiếng cồng chiêng vang vọng, nghe hát đún, hát xường, ngắm nhìn cô gái Mường miệt mài bên khung cửi dệt thổ cẩm, nhâm nhi rượu cần cùng những món ăn của người bản địa như xôi nếp nương, gà đồi, trâu nướng, cá sông, thịt lợn rừng, măng tre, rau sắng quả là thú vị.

Thác Mây được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là điểm du lịch của tỉnh, điểm đến của hàng nghìn du khách trong dịp hè

Phát triển du lịch sinh thái - cộng đồng là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích, phát triển kinh tế bền vững cho địa phương, giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, bảo vệ, bảo tồn, phát huy những nét đẹp văn hóa độc đáo của người bản địa. Hiện nay loại hình du lịch này được phát triển khá thành công ở các vùng núi có các đồng bào dân tộc thiểu số như Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh, Nghệ An… Đặc biệt, tại Thanh Hóa có các huyện vùng cao như Cẩm Thủy với khu du lịch suối cá thần Cẩm Lương; Bá Thước với khu du lịch Pù Luông, thác Mơ,thác Muốn; Quan Hóa với khu du lịch Bản Lác, Hang Co Phường, Mường Lát với nhiều tiềm năng; Ngọc Lặc có hệ thống hang động kỳ vỹ với nhiều di tích lịch sử được xếp hạng; Lang Chánh với thác Ma Hao, chùa Mèo, Bản Năng Cát…

Thanh Hóa nói chung, các huyện phía Tây Thanh Hóa nói riêng là tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái - cộng đồng. Đến với Thác Mây, du khách chắc chắn được đón chào với cái tình, sự mến khách của người bản địa, được hưởng cái hoang sơ, hùng vỹ, trong lành của núi rừng Tây Bắc, được ngắm vẻ đẹp thuần khiết của những cô gái Mường bản địa nơi đây.

Khác với những món ẩm thực xa hoa, đắt đỏ chốn thị thành, du khách lại trở về với mâm cơm dân dã, với đĩa xôi của người Thái, người Mường tỏa hương thơm phức, hòa quyện với món lợn mán, gà rừng, cá sông, cùng với măng tre, măng nứa, măng vầu… được chế biến theo cách của người bản địa kết hợp với hương vị của muối rang cùng mắc khén, ngồi giữa ngôi nhà sàn lộng gió, thưởng thức với men say của hũ rượu cần cùng với âm hưởng của tiếng cồng chiêng, điệu múa xạp, múa xòe giữa đại ngàn Thạch Lâm thì chắc chắn du khách sẽ có một trải nghiệm thú vị với hương đất tình người nơi đây.

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Mạnh, chủ tịch UBND xã Thạch Lâm cho rằng: Đây là cơ hội, là hướng đi mới của xã tuy nhiên để Thạch Lâm phát triển, để thôn Đăng Thượng trở thành trung tâm du lịch cộng đồng, thu hút du khách, hướng đi chiến lược để xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu bền vững thì ngoài việc cố gắng của đia phương, cũng cần có sự quan tâm giúp đỡ, đầu tư một cách đồng bộ của cấp trên.

Xuân Khang

Nguồn: Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo