“Đường bản đồ” ở xã Thạnh Hội, không chỉ tuyên truyền kiến thức biển đảo cho người dân Bình Dương, mà còn là điểm đến thú vị cho khách du lịch khi đến với vùng đất Cù Lao Rùa.
“Đường bản đồ” là con đường chính vào Cù Lao Rùa ở xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Cái tên này do người dân nơi đây đặt cho con đường kể từ khi ông Mai Sông Bé, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai, đem 40 bức tranh bằng gốm in bản đồ biển đảo về đây trưng bày vào tháng 4/2019.
Ông Mai Sông Bé giải thích từng bản đồ cho khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu. - Ảnh: truyenhinhdulich
Đường bản đồ dài khoảng 500m, với 40 bản đồ làm bằng chất liệu gốm sứ, đặt trên khung sắt cách mặt đất khoảng 1m. Dọc bên phải của con đường, các bức tranh được sắp xếp hợp lý. Mỗi bức tranh cách nhau khoảng 20m, uốn lượn theo con đường giống như hình cong chữ S của đất nước Việt Nam.
Tất cả những tấm bản đồ bằng gốm này đều được lấy nguyên mẫu từ các tấm bản đồ trong quyển sách “Hoàng Sa - Trường Sa, Luận cứ và sự kiện” của nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc. Vì muốn nó tồn tại lâu hơn với thời gian nên ông Mai Sông Bé, chủ nhân của tác phẩm này, đã chọn chất liệu gốm sứ để thể hiện. Mỗi tấm bản đồ bằng chất liệu gốm sứ được nung ở nhiệt độ 1.250 độ C nên đường nét rất sắc sảo.
Mỗi ngày, nhiều đoàn khách đến tham quan "Đường bản đồ". - Ảnh: truyenhinhdulich
Ông Mai Sông Bé chia sẻ việc làm tuyến đường bản đồ gốm sứ này nhằm giáo dục cho người dân địa phương nói chung và thế hệ trẻ nói riêng, hiểu thêm về chủ quyền của 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, một phần máu thịt từ thiêng liêng, lâu đời của Tổ quốc Việt Nam: “Bản đồ bằng giấy không thể trưng bày ra ngoài mưa, gió, ngoài thiên nhiên nên tôi làm bằng gốm. Tôi mong muốn giáo dục truyền thống yêu biển đảo, yêu Tổ quốc cho thế hệ trẻ. Mong được nhiều Mạnh Thường Quân giúp đỡ để tôi tiếp tục làm thêm nhiều bản đồ biển đảo, nhiều bản đồ khẳng định chủ quyền quốc gia”.
Để con cháu đời sau ghi nhớ Hoàng Sa, Trường Sa là một phần máu thịt của đất nước Việt Nam, trong suốt thời gian còn công tác cho đến lúc nghỉ hưu, ông Mai Sông Bé đã vận động xã hội hóa nguồn kinh phí xây dựng 3 bộ bản đồ về chủ quyền biển đảo bằng gốm sứ. 40 bản đồ ở cung đường này là bộ bản đồ gốm sứ thứ ba. Trước đó, ông đã làm một bộ đặt ở Bảo tàng tỉnh Đồng Nai và một bộ đặt ở đảo Trường Sa Lớn, thuộc quần đảo Trường Sa.
Những bức tranh gốm in hình bản đồ Hoàng Sa và Trường Sa trên gốm được bài trí tại con đường chính vào xã Thạnh Hội. - Ảnh: truyenhinhdulich
Suốt hơn một năm nay, “Đường bản đồ” ở xã Thạnh Hội, không chỉ tuyên truyền kiến thức biển đảo cho người dân Bình Dương, mà còn là điểm đến thú vị cho khách du lịch khi đến với vùng đất Cù Lao Rùa, xã Thạnh Hội. Anh Trần Công Danh, một khách du lịch thăm cung đường bản đồ, đã cảm thấy rõ hơn về chủ quyền biển đảo Việt Nam: “Tôi cực kỳ tâm đắc câu nói của chú Mai Sông Bé rằng chúng ta phải truyền cảm hứng, thế hệ con cháu của chúng ta để thế hệ này hiểu giá trị tình yêu quê hương, đất nước. Để thế hệ trẻ hiểu thì ngay từ bây giờ việc chung tay cùng với chú làm điều ý nghĩa này”.
Với người dân xã Thạnh Hội, mỗi ngày đi qua cung đường bản đồ chủ quyền biển đảo, vẻ đẹp của từng tấm bản đồ dọc theo tuyến đường uốn lượn như nhắc nhở họ phải luôn hướng về biển đảo quê hương bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa hơn. Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Huyện, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, cho rằng việc bày trí bộ bản đồ bằng gốm sứ tại xã Thạnh Hội không những góp phần tuyên truyền về chủ quyền biển đảo Việt Nam mà còn góp phần tạo điểm nhấn trong du lịch sinh thái tại địa phương. Đến đây thưởng ngoạn, ngắm nhìn vẻ đẹp của đường bản đồ, du khách còn nhìn thấy một phần máu thịt của đất nước Việt Nam. Từ đó, trong tim mỗi người thôi thúc mong muốn được trao truyền, giáo dục lòng yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo cho thế hệ con cháu mai sau
Thiên Lý/VOV- thành phố Hồ Chí Minh