Trong thời gian vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục phản ánh tình trạng khai thác ti tan một cách bừa bãi, thiếu quy hoạch, thiếu công nghệ và cả thiếu sự kiểm soát.
Việc khai thác ti tan hiện nay đang được thực hiện bằng mọi giá, mọi cách, và có sự tham gia của rất nhiều đối tượng, cả người dân địa phương và các doanh nghiệp.
Ti tan là một khoáng sản kim loại quý hiếm, được sử dụng để tạo ra nhiều sản phẩm cao cấp, dùng trong nhiều ngành công nghệ cao. Đây được xem là một nguồn tài nguyên có giá trị trong thế kỷ 21.
Việc khai thác nguồn tài nguyên này, trước mắt sẽ tạo ra một nguồn thu nhập rất lớn cho người dân trên địa bàn, nguồn thu ngân sách cho các địa phương, lợi nhuận cao cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên xét về lâu dài, việc khai thác ti tan sẽ có những tác động tiêu cực, nguy hiểm và khó kiểm soát đối với môi trường và sức khỏe người dân. Hơn thế, titan khai thác hiện nay chỉ phục vụ xuất khẩu và được bán với giá rất thấp, thấp hơn nhiều so với giá trị thật của nó.
Tác hại của việc khai thác ti tan đến môi trường thể hiện trên nhiều mặt, trong đó, tình trạng hoang mạc hóa đất là điều tất yếu trong thời gian sắp tới. Việc chặt phá rừng lấy diện tích, mặt bằng khai thác sẽ làm tăng nguy cơ bão cát, di động cát.
Như chúng ta biết, khu vực duyên hải miền Trung có hệ thống dải cồn cát ven biển rất lớn. Các dải cồn cát này có nguồn gốc từ biển nên về mặt lý thuyết đã bị nhiễm mặn, đặc biệt là các dải cồn cát này rất cơ động, dễ di chuyển. Dải đất miền Trung là khu vực chịu tác động thường xuyên của gió biển, của bão từ biển với cường độ rất lớn, những yếu tố này cùng tác động khi khu vực không còn rừng sẽ khiến cho cát lấn ngày càng sâu vào nội địa - thu hẹp và diện tích đất sản xuất (trồng lúa và nuôi trồng thủy sản) và tăng diện tích đất bị nhiễm mặt do cát. Hiện tượng cát bay, cồn cát di chuyển diễn ra sẽ ra thường xuyên, phạm vi rộng và hậu quả nghiêm trọng hơn. Đời sống người dân của khu vực này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Trong các nhân tố hình thành đất như đá mẹ, khí hậu, địa hình, sinh vật, con người, thời gian, thực vật đóng vai trò quan trọng thông qua việc cung cấp nhiệt, độ ẩm, giữ nước, cung cấp mùn, thúc đẩy quá trình phong hóa. Việc mất rừng sẽ làm mất đi một nhân tố cấu tạo nên quá trình hình thành đất, dẫn tới mất cân bằng sinh thái.
Trong điều kiện như vậy, quá trình hình thành đất diễn ra chậm, đất kém màu mỡ và bền vững. Hơn thế, thực vật là một yếu tố tác động lớn đến chế độ nhiệt ẩm, độ trong sạch của không khí, tạo nên các khu vực vi khí hậu, những môi trường thuận lợi cho sự sống. Mất lớp phủ thực vật dẫn tới chế độ nhiệt, ẩm bị biến động, biên độ nhiệt ngày đêm lớn hơn, làm cho thời tiết khu vực này trở nên khắc nhiệt hơn (nắng chiếu trên cát sẽ tạo nên sự cộng hưởng làm cho nhiệt tăng cao, độ ẩm thấp) không thích hợp cho sự sống tồn tại và phát triển giới sinh vật. Khí hậu khu vực ven biển miền Trung vốn đã rất khắc nhiệt sẽ khắc nhiệt hơn nữa, các kiểu khí hậu bán hoang mạc sẽ dần được hình thành.
Việc đào, sục cát lên để tuyển lựa ti tan làm cho mực nước ngầm bị đảo lộn, độ sâu tầng nước tăng và không ổn định, nước ngầm bị ô nhiễm. Việc khai thác ti tan không những không giữ được nước mặt và nước ngầm mà còn lấy đi một lượng nước rất lớn để sàng tuyển, trong khi lượng nước này chủ yếu lấy từ nguồn nước ngầm.
Khai thác ti tan sẽ làm cho tính gắn kết và độ kết dính giữa các phân tử đất bị suy yếu, đất trở nên cơ động hơn, vì thế dễ bị gió cuốn bay, nước chảy xói mòn, sóng biển phá vỡ bờ và các vật chất, sinh vật ở đó. Lớp đất mặt rất mỏng sau một thời gian dài hình thành sẽ bị gió cuốn đi hoặc do cày xới làm cho lớp đất mặt bị đảo lộn xuống dưới, lớp cát bên dưới lại đảo lộn lên trên.
Thiết nghĩ, việc khai thác các tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế xã hội là một điều tất yếu, nhưng việc khai thác bằng mọi giá thì cái giá phải trả cũng sẽ vô cùng lớn, nhất là đối với thế hệ mai sau.