Sở Tài nguyên & Môi trường TP. Đà Nẵng cho biết, Đại học Xây dựng Hà Nội sẽ đánh giá thực trạng phế thải xây dựng trên địa bàn thành phố và công tác quản lý môi trường tại Âu thuyền Thọ Quang thuộc dự án SATREPS.
Dự án SATREPS thuộc Chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ phát triển bền vững giữa JICA và Tổ chức khoa học công nghệ Nhật Bản (JST). Tại Việt Nam, dự án được Trường Đại học Xây dựng chủ trì thực hiện, trong thời gian 5 năm (2018-2023).
Dự án gồm các hợp phần: triển khai xây dựng hệ thống quản lý phế thải xây dựng thân thiện môi trường; Xây dựng các tiêu chuẩn và chỉ dẫn kỹ thuật để đánh giá và quản lý chất lượng vật liệu tái chế từ phế thải xây dựng; Phát triển cộng nghệ mới nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và xây dựng cơ sở hạ tầng từ vật liệu tái chế ở Việt Nam; Đề xuất mô hình kinh doanh chiến lược tái cho việc tái chế phế thải xây dựng và biện pháp quảng bá hiệu quả cho việc quản lý và tái chế phế thải xây dựng thân thiện với môi trường.
Phế thải xây dựng "đổ trộm" tràn lan trên địa bàn TP. Đà Nẵng
Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng đề xuất Đại học Xây dựng Hà Nội tích cực hỗ trợ công tác điều tra, khảo sát để đánh giá toàn diện thực trạng về phế thải xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đồng thời nghiên cứu hỗ trợ lập dự án quản lí tổng hợp về môi trường tại khu vực Âu thuyền Thọ Quang một cách bền vững.
Đà Nẵng đang xây dựng kế hoạch quản lý phế thải xây dựng hiệu quả
Nhiều năm nay, tình trạng “đổ trộm” phế thải xây dựng diễn ra tràn lan trên địa bàn thành phố gây ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan đô thị tại nhiều khu vực như như: cầu vượt ngã ba Huế, đường Khu tái định cư số 7 - Tây Bắc (bên cạnh Bệnh viện Ung bướu), Khu số 6 - Tây Bắc, Khu số 1 - Tây Bắc (gần cầu vượt Ngô Sĩ Liên), Khu đô thị Phước Lý, các lô đất trống khu vực dự án Thái Bình Dương… Dù chính quyền các quận, huyện và cơ quan chức năng thành phố triển khai nhiều giải pháp nhưng mới chỉ dừng lại ở việc “dọn rác”.
Lan Anh - Lý Hằng