Các nhà phê bình cho rằng việc bỏ qua sự ảnh hưởng của ô nhiễm không khí là một trong những nguyên nhân khiến số người chết vì dịch bệnh Covid-19 cao hơn tại vùng dân tộc thiểu số.
Ô nhiễm không khí tại London, Anh. Ảnh: Nick Ansell / PA
Theo các nhà phê bình của cơ quan Y tế Công cộng Anh Quốc (PHE) thuộc Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội Anh Quốc, việc phớt lờ mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm không khí là một yếu tố dẫn đến tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao hơn ở các nhóm dân tộc thiểu số.
Báo cáo của PHE công bố mới đây đã xác nhận tác động khác nhau của Covid-19 đối với người dân tộc thiểu số nhưng không đề cập đến ô nhiễm không khí. Các nhóm thiểu số ở Anh, Mỹ và các nơi khác thường hứng chịu mức độ ô nhiễm không khí cao hơn và ngày càng có nhiều bằng chứng trên khắp thế giới cho thấy mối quan hệ giữa tiếp xúc với không khí ô nhiễm và nhiễm bệnh Covid-19 và tử vong.
Các nhà khoa học cho biết ô nhiễm không khí nên được xem xét kỹ lưỡng, và nó có thể có tác động gấp đôi, với việc tiếp xúc lâu dài làm suy yếu phổi và tim và tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong thời gian ngắn có thể gây nhiễm Covid-19. Trước đại dịch, theo ước tính, ô nhiễm không khí gây ra 40.000 ca tử vong sớm mỗi năm ở Anh, tương đương với số người chết chính thức ở Anh do Covid-19 cho đến nay.
Rosamund Kissi-Debrah, người ủng hộ chất lượng không khí và sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: “Tôi thực sự ngạc nhiên khi ô nhiễm không khí không được nhìn nhận”. Ella, con gái của bà đã qua đời vào năm 2013 vì một cơn hen suyễn nghiêm trọng mà các chuyên gia y tế cho rằng có liên quan đến ô nhiễm không khí.
“Ô nhiễm không khí có liên quan đến bệnh tiểu đường, đột quỵ, đau tim, hen suyễn và những người có nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn đang tử vong nhiều hơn do Covid-19”, Rosamund Kissi-Debrah nói.
Rosamund Kissi-Debrah dự đoán cộng đồng người da đen và dân tộc thiểu số (BAME) sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn bởi vì sự bất bình đẳng về sức khỏe là điều tồi tệ nhất trong cộng đồng này, chứ chưa nói đến việc thêm một loại virus đường hô hấp gây chết người.
Theo bà Rosamund Kissi-Debrah, một số người sẽ cho rằng bản chất ô nhiễm không khí đã là phân biệt chủng tộc bởi vì nó có mức độ ảnh hưởng khác nhau đến người da đen - Covid-19 đã làm cho nó rõ ràng hơn.
Giáo sư Jonathan Grigg thuộc Đại học Queen Mary, London, Anh cho biết: “Ô nhiễm không khí thực sự là một vấn đề cần được xem xét. Nó hoàn toàn hợp lý và ít nhất chúng ta nên đặt câu hỏi về vấn đề này”.
“Chúng ta có thể chịu ảnh hưởng nặng nề gấp đôi khi tiếp xúc lâu dài hay ngắn hạn với ô nhiễm không khí. Từ đó, sẽ có một lỗ hổng do ô nhiễm không khí xâm nhập vào người bệnh Covid-19, vì vậy nó sẽ tác động ở một mức độ nào đó”, ông Grigg nhấn mạnh.
Giáo sư Francesca Dominici đến từ Đại học Harvard ở Mỹ cũng cho biết ô nhiễm là một yếu tố quan trọng. “Chúng tôi có rất nhiều bằng chứng cho thấy rủi ro về sức khỏe liên quan đến việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí cao hơn ở các dân tộc thiểu số” – bà Dominici cho biết.
Nghiên cứu của bà Dominici đã chỉ ra rằng ngay cả một sự gia tăng nhỏ trong tiếp xúc với ô nhiễm trước đây có liên quan đến sự gia tăng 8% ca tử vong do Covid-19.
Mai Đan