Phú Yên tham gia chương trình “Đô thị giảm nhựa” của WWF

Cập nhật: 23/06/2020
(TITC) – Theo thông tin từ Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), ngày 18/6/2020 tại Phú Yên đã diễn ra hội thảo “Định hướng giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt và rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Phú Yên”.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Chí Hiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên và ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng ký vào Bản Tuyên bố tham gia chương trình “Đô thị giảm nhựa của WWF và công bố bản dự thảo Kế hoạch hành động để giải quyết tình trạng ô nhiễm nhựa trên địa bàn tỉnh Phú Yên, với mục tiêu giảm 30% lượng rác nhựa thải ra môi trường vào năm 2025.

Hội nghị cũng đã nêu lên thực trạng công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, các giải pháp thiết thực, đồng bộ đã được đưa ra để góp phần tăng cường hiệu quả công tác quản lý.

Thuộc tuyến đầu trong cuộc chiến chống ô nhiễm rác nhựa đại dương, tỉnh Phú Yên cũng như các thành phố và khu vực ven biển khác hiện đang gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng từ việc quản lý rác thải nhựa (RTN) chưa hiệu quả. Sự phát triển kinh tế - xã hội đã làm tăng nhu cầu về hàng hóa, nguyên liệu thô và năng lượng trên địa bàn. Lượng chất thải rắn thu gom tăng trung bình 10-16% mỗi năm. Chỉ tính riêng tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố Tuy Hòa đã lên tới khoảng 132 tấn/ngày, tại thị xã Sông Cầu là khoảng 84 tấn/ngày, và các huyện còn lại khoảng 308 tấn/ngày. Trong khi đó, theo một khảo sát của WWF ở thành phố Tuy Hoà năm 2019, RTN chiếm 18,31% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt và có xu hướng ngày càng tăng. Nhiều nhất là túi nhựa và ly nhựa, ống hút nhựa chiếm đến 60% lượng RTN. Hầu hết trong đó là nhựa có chất lượng kém, rất khó phân hủy và không thể tái chế (chiếm khoảng 80%).

Với định hướng triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, từ những bài học và kinh nghiệm trên thế giới, tỉnh Phú Yên đã xây dựng bản dự thảo kế hoạch hành động và các giải pháp thông minh phù hợp với địa phương. Ông Hiến cho biết: “Bản dự thảo kế hoạch hành động được tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ chính: truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân và giáo dục trẻ em; thực hiện thí điểm mô hình giảm thiểu RTN bao gồm thu gom, phân loại, vận chuyển chất thải rắn, RTN; xây dựng cơ chế phối hợp với các bên liên quan nhằm giám sát, kiểm soát ô nhiễm RTN; nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý chất thải rắn, RTN; và hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học”.

Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm RTN không thể được giải quyết nếu thiếu sự quyết liệt từ góc nhìn chính sách và quy định pháp luật. “Mặc dù Việt Nam đã có khung pháp lý tương đối đầy đủ để quản lý rác thải nói chung. Nhưng vấn đề tổ chức thực hiện giám sát, thanh tra, kiểm soát vẫn còn chưa hiệu quả. Chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan để tiếp tục phát triển, bổ sung và hoàn thiện các văn bản pháp luật, hướng dẫn dưới Luật và xúc tiến thực hiện các hoạt động thông qua các Kế hoạch hành động quốc gia nói chung, Kế hoạch hành động tại địa phương nói riêng”, ông Thi chia sẻ.

Về phía WWF-Việt Nam, ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quốc gia, cho biết: Chúng tôi rất hoan nghênh và vui mừng được hợp tác cùng tỉnh Phú Yên trong việc đưa ra các giải pháp giảm thác rác nhựa ở địa phương. Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều địa phương khác tham gia Chương trình Đô thị giảm nhựa trong thời gian sắp tới, để có thể tạo nên một phong trào toàn cầu thúc đẩy toàn bộ xã hội cùng hành động để đối phó với ô nhiễm nhựa và giảm sự phát thải nhựa vào thiên nhiên”.

Về chương trình “Đô thị giảm nhựa”

Đô thị giảm nhựa là một sáng kiến của WWF nhằm kết nối các thành phố và các điểm đến du lịch cùng hành động chống lại ô nhiễm nhựa. Thông qua chương trình, WWF xây dựng năng lực cho các thành phố nhằm đạt được mục tiêu loại bỏ ô nhiễm nhựa vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu đó, chương trình mong muốn tạo ra mạng lưới kết nối 25 đô thị không rác thải nhựa tại Đông Nam Á vào năm 2025; là bước đệm để đạt được con số 1.000 đô thị không rác thải nhựa trên toàn thế giới vào năm 2030.

Song song với hoạt động này, WWF kêu gọi các thành phố ở châu Á đăng ký và chia sẻ những kinh nghiệm hiệu quả nhất của họ tại www.plasticsmartcities.org, một diễn đàn trực tuyến lưu trữ những kinh nghiệm thực tiễn hiệu quả nhất. Chương trình là khởi đầu cho một chiến dịch dài hạn nhằm giảm nhựa toàn cầu thông qua việc chia sẻ sáng kiến và thử nghiệm các giải pháp tại những thành phố ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống ô nhiễm rác nhựa.  Kêu gọi các Chính phủ ban hành thoả thuận ràng buộc về mặt pháp lý có phạm vi toàn cầu nhằm ngăn chặn nhựa gây ô nhiễm đại dương.

Năm 2019, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã trở thành một trong ba thành phố đầu tiên của Đông Nam Á, cùng với Patong (Thái Lan) và Donsol (Philippines) cam kết loại bỏ ô nhiễm nhựa.

Thế Phi