Đến thác Dambri hít thở không khí trong lành và ngắm núi rừng nguyên sinh giữa phố núi cao nguyên

Cập nhật: 30/06/2020
Giữa đại ngàn của núi rừng hùng vĩ, có một ngọn thác gắn liền với câu chuyện tình huyền thoại đẹp đẽ lãng mạn nên thơ, đó là ngọn thác Dambri. Sau mùa covid 19, khách thập phương nội địa “đổ” đến địa danh này không chỉ “trốn nóng” và hít hà không khí trong trẻo của núi rừng, mà còn đến để tận tai nghe câu chuyện tình lãng mạn đẹp đẽ từ thủa hồng hoang được truyền tụng từ đời này qua đời khác.

Những thiên nga giữa lòng hồ Dambri

Đồi núi nguyên sinh quện thác mây ngàn

Phượt đến “phố núi” cao nguyên lần này, chúng tôi chọn thác Dambri của thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) làm điểm dừng chân. Anh Nguyễn Hồng Thái, Chủ nhiệm câu lạc bộ thơ Vũng Tàu bảo: “Bao lần đi qua Bảo Lộc, nhưng chưa lần nào tôi dừng chân ở địa danh này. Đợt “phượt” ngày, tôi chọn thác Dambri để “trốn nóng” hai ngày nghỉ cuối tuần. Dambri vẫn còn nguyên sơ đến 90%. Thảo nào “hút” khách nội địa đến đây nườm nượp”.

Chiếc xe 24 chỗ ngồi sau khi chạy qua những cung đường ngoằn nghèo bao phủ xung quanh bạt ngàn rừng dâu, cà phê trĩu quả, trước mắt chúng tôi là khoảng không gian bao la rộng lớn như thung lũng lọt thỏm giữa màu xanh. Thác Dambri - cái tên vừa lạ vừa thân gợi sự tò mò bí mật của những người lần đầu đến. Xách máy ảnh, đi giầy chống trượt- cuộc “khám phá” kỳ vĩ thiên nhiên bắt đầu.

Sắc mầu quan họ giữa cao nguyên

Chiếc hồ rộng nước trong xanh ngắt lọt thỏm giữa rừng thông vi vu gió thổi bốn mùa, là điểm hẹn của những cặp tình nhân thích ngồi trên “lưng thiên nga” lướt trên mặt nước. Cạnh đó là con đường rực sắc hoa màu đỏ. Chen lẫn những cây thông vút cao, những cây vầu thẳng tắp và những cây cổ thụ có trên 500 năm tuổi là những ngôi nhà dựng lên bởi hàng ngàn chậu hoa và cây cỏ. Tiếp nối là những “bung ga lâu” giành cho những cặp tình lãng mạn thích ngắm trăng rừng sau một ngày “sải bước trèo núi, vượt ngàn”.

Thấy chúng rôi cứ mê mẩn trước vẻ đẹp thiên nhiên, kỳ vĩ, cô nhân viên bảo: “Lần đầu tiên ai đến thác Dambri cũng có cảm xúc như anh. Tất cả thiên nhiên ở đây nguyên sinh đến 90%. Một số nhà rông được tạo dựng để đón khách du lịch. Những sườn đồi, hàng cây, hồ nước, thác đá như những cung bậc của bản tình ca đậm chất đại ngàn. Chúng em hi vọng thác Dambri sẽ làm hài lòng các anh các chị”.

Đường vào thác Dambri

Lần đầu tiên vượt hơn 400 km từ thành phố Vũng Tàu, nữ thi sĩ Nguyễn Thị Hồng Vân cứ mải mê với thiên nhiên, rừng núi. Giữa cảnh vật nên thơ, giữa đất trời lãng mạn, chị Vân đắm đuối với những khung hình làm kỷ niệm. Chị bảo “Chuyến đi này không uổng phí. Nó tạo cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc. Ngoài đến du lịch, tôi còn đến để “thở” không khí trong lành. Tôi đem theo áo váy quan họ và tây nguyên để tạo cho mình có những tấm ảnh riêng. Nếu lần sau đến Bảo Lộc, thác Dambri vẫn là điểm + để tôi chọn đến”.

Đến từ thành phố Hồ Chí Minh, nhóm “Phượt đại ngàn” gồm 12 tay đua xe mô tô phân khối lớn chọn thác Dambri làm điểm “đóng đô”. Trưởng nhóm Nguyễn Văn Hải chia sẻ, sở dĩ chúng tôi chọn thác Dambri để “phượt” vì ở đây độc lạ. Chúng tôi thích đến những nơi không ồn ào tấp nập như ở đây. So với các địa danh du lịch của Lâm Đồng, thì thác Dambri hiện nay sạch nhất, lãng mạn nhất”.

Nữ thi sĩ Hồng Vân hóa thân thành người Mông xuống núi

Gặp nhà văn trẻ Cao Đại Hùng đến từ Thủ đô Hà Nội cùng bạn gái. Anh Hùng bảo, nếu trong các địa danh du lịch ở cao nguyên, thì thác Dambri là nơi đáng đến nhất. “Giữa bao la của núi rừng nguyên sinh hùng vĩ, thác Dambri chảy mãi như chàng trai K’Ho kiêu hùng. Thầm cảm ơn thiên nhiên đã ban tặng cho Bảo Lộc thác đẹp đẽ. Thầm cảm ơn người Bảo Lộc đã “níu chân” chúng tôi bằng những bản tình của đại ngàn phố núi”, anh Hùng sẻ chia.

Ngọn thác và chuyện tình huyền thoại

Thác Dambri gắn với câu chuyện tình từ thủa hồng hoang mở đất, đã đi vào huyền thoại lịch sử văn học của người dân tộc K’Ho. Và đó cũng là lý do mỗi năm có hàng ngàn cặp tình nhân đến xứ sở này để lắng lòng xin nghe câu chuyện tình cổ tích.

Phượt trên cây

Thủa xưa, cũng tại núi rừng sâu thẳm này, có một đôi trai tài gái sắc yêu nhau tha thiết. Chàng trai dân tộc K’Ho tên là K’Đam còn nàng là B’Ri . Họ yêu nhau tha thiết, thề non hẹn biển trọn đời lấy nương rẫy làm quê hương, lẫy con suối làm thần chứng giám, lấy cây rừng làm nhà để sinh con đẻ cái. Nhưng tình yêu ấy bị ngăn cản và tan thành mây khói bởi giữa hai bộ tộc của hai người mâu thuẫn tột cùng.

Một ngày nọ, chàng trai vạm vỡ K’Đam đau khổ bỏ bản xứ vào rừng vì duyên tình trắc trở. Anh muốn lãng quên đời mình giữa rừng sâu vì không lấy được người mình yêu thương nhất.

Điểm hẹn những cuộc tình

Nghe tin K’Đam bỏ vào rừng sâu, B’Ri vội vã đi tìm người yêu . Vượt qua bao cánh rừng già, bao ngọn núi cao, lội bao con suối giữa đại ngàn nắng gió, nhưng vẫn không thấy K’Đam đâu cả. Tìm mãi không thấy, người con gái mang tên hoa rừng ấy về bản làng đợi chờ. Mùa rẫy qua đi, mùa trăng lại tới. Đồng hành với những mùa trăng tròn rồi khuyết là nước mắt của nàng tuôn chảy không thôi. Những giọt nước mắt khóc cho chuyện tình và thương nhớ người yêu đã thành dòng suối, rồi đổ từ trên triền đồi xuống vực sâu. Nàng gục xuống đầu nguồn và hóa thành phiến đá.

Khách du lịch giữa rừng nguyên sinh

Câu chuyện tình thủy chung xúc động của đôi trai gái K’Ho đã được người dân bản xứ động lòng trắc ẩn. Để tỏ lòng mến phục K’Đam và B’Ri, người dân của hai bộ tộc đã đặt tên là thác Dambri. Và cũng từ đó, hủ tục lạc hậu về hôn thú giữa hai bộ tộc không còn khoảng cách. Người bộ tộc này hoàn toàn có thể kết duyên với người bộ tộc kia. Ranh giới hôn nhân cách trở cũng được xóa nhòa và chấm dứt. Tên thác Dambri là ghép lại tên của chàng trai K’Đam và B’Ri như một sự tưởng nhớ, trân quí mối tình thủy chung của họ.

Lê Khanh

Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường