Khu di tích quốc gia “nhiễm”... chợ!

Cập nhật: 09/12/2008
Được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia đã 8 năm, nhưng hiện tại Đình Hòa Ngãi đang bị tàn phá do biến thành nơi họp chợ.

Ngày 21/8/2000, Đình Hoà Ngãi (xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng công nhận là di tích văn hoá lịch sử cấp quốc gia.

Theo sử sách ghi chép, Đình Hoà Ngãi là nơi thờ phụng Lôi Công Đại Vương - một vị tướng của Lý Bôn (vua Lý Nam Đế) đã có công đánh giặc Lương vào thế kỷ thứ 6 trước công nguyên và một vị tướng giúp ông đánh giặc là Không Hoàng Hộ Quốc. Ngôi đình đã được người dân Thanh Hà thờ cúng, giữ gìn và tôn tạo.

Ông Nguyễn Đức Thụy - người hơn 40 năm trông coi khu di tích - cho biết: Đình Hoà Ngãi không chỉ có giá trị lịch sử vào loại bậc nhất so với gần 50 ngôi đình khác của tỉnh Hà Nam mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân xã Thanh Hà.

Đình là nơi người dân tụ họp trong những ngày lễ lớn của làng, là nơi các đoàn thể, quần chúng nhân dân tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ, là điểm đến của các nhà nghiên cứu khoa học cùng khách du lịch trong, ngoài nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đình Hoà Ngãi còn là cơ sở hoạt động của bộ đội du kích, là kho chứa vũ khí, lương thực, đồng thời là trụ sở Uỷ ban Hành chính xã Thanh Hà...

Vậy nhưng, khu di tích cấp quốc gia này đang bị người dân biến thành một cái chợ lớn. Hàng trăm người bày bán đủ thứ hàng la liệt trong ngoài khu di tích, thậm chí còn tràn ra hai bên đường gây cản trở đến hoạt động giao thông. Bà Nguyễn Thị Vân - một người bán thực phẩm cho biết: “Buôn bán, họp chợ trong khu di tích là sai nhưng xã không có chợ thì biết họp ở đâu? ”.

Có “mục sở thị” tại Đình Hoà Ngãi mỗi khi chợ tan mới thấy sự ảnh hưởng trầm trọng đến khu di tích cấp quốc gia này như thế nào. Phía trong, những phế phẩm như vải vóc, hoa quả thối, bã mía, túi nilon... chất thành từng đống, bốc mùi khó chịu.

Các họa tiết độc đáo của đình như đầu rồng, mình phượng trên xà ngang, cột đình bị gãy rụng vì người ta dùng làm móc căng phông bạt, giăng mắc hàng hoá. Bên ngoài, những đống rác lớn tích tụ lâu ngày bốc mùi nồng nặc, nước làm cá, gà, vịt đổ lênh láng sân đình... khiến cả khu di tích giống như một bãi “chiến trường”. Thế nhưng “cha chung không ai khóc”, người dân vẫn ngang nhiên họp chợ mà không thấy cấp quản lý ngó ngàng gì tới.

Được biết xã Thanh Hà đã có kế hoạch xây chợ cách Đình Hoà Ngãi khoảng 300m để người dân có nơi buôn bán, tránh tình trạng xâm hại tới khu di tích. Thế nhưng chợ mới lại rơi vào tình trạng quy hoạch “treo”. Ông Lê Quý Quang, cán bộ chuyên trách văn hoá xã Thanh Hà cho biết, chợ đã khởi công nhưng chưa thể hoàn thành là do thiếu kinh phí. Thiết nghĩ, không chỉ vì lý do thiếu kinh phí mà để tình trạng người dân ngang nhiên họp chợ, xâm hại đến di tích. Rất mong chính quyền địa phương có giải pháp kịp thời và dứt khoát chấm dứt tình trạng biến di tích văn hoá lịch sử cấp quốc gia thành chợ như hiện nay.

Nguồn: VOV