Tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra sáng 20-7, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết hiện chưa có sự thống nhất về tổ chức, chính sách quản lý các khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Việt Nam hiện có 9 khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) được Chương trình con người và sinh quyển thế giới (MAB - UNESCO) công nhận, thuộc cả vùng đồng bằng, miền núi, ven biển và hải đảo.
Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành điều hành họp báo thường kỳ
9 Khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam gồm: Khu DTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ ; quần đảo Cát Bà; DTSQ châu thổ sông Hồng; DTSQ ven biển và biển đảo Kiên Giang; khu DTSQ miền Tây Nghệ An; DTSQ Mũi Cà Mau; DTSQ Cù Lao Chàm – Hội An; khu DTSQ Đồng Nai; khu DTSQ Lang Biang.
Tổng diện tích của 9 khu DTSQ của Việt Nam là hơn 4 triệu ha, chiếm 12,1% diện tích tự nhiên của cả nước. Đây cũng là nơi sinh sống của khoảng 1,78 triệu người. Diện tích vùng lõi chiếm 11% tổng diện tích của các khu DTSQ (khoảng 450.000 ha), là nơi tập trung đa dạng sinh học cao, gồm nhiều dịch vụ hệ sinh thái.
Theo Bộ TN-MT, khu DTSQ của Việt Nam chịu sự quản lý của rất nhiều cơ quan khác nhau. Vùng lõi (Vườn quốc gia, Khu bảo tồn) được quản lý trực tiếp theo ngạch dọc của các Bộ chuyên ngành.
Ngoài ra, các khu DTSQ thành lập các BQL và các bộ phận hỗ trợ, đối với khu DTSQ nằm trong ranh giới 1 tỉnh sẽ do tỉnh phê duyệt quyết định thành lập Ban quản lý (BQL); nếu liên tỉnh sẽ do Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam thành lập. BQL thực hiện nhiệm vụ tham mưu giúp UBND tỉnh/thành phố quản lý theo các quy định của pháp luật Việt Nam và theo hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan chuyên sâu.
Bộ TN-MT cho biết về cơ cấu tổ chức, các BQL khu DTSQ hiện chưa có mô hình tổ chức thống nhất. Mỗi địa phương hình thành bộ máy tổ chức quản lý khu DTSQ tùy thuộc tiếp cận của mình. Về mặt chính sách, theo Bộ TN-MT, hiện nay vẫn chưa đề cập "khu DTSQ" trong những chính sách quan trọng như là một thể thống chất và vì thế chưa được quản lý một cách chính thống, chỉ được đề cập như là một hợp phần của khu DTSQ vùng lõi.
Hiện tại, khái niệm khu DTSQ còn chưa có trong hệ thống quy phạm pháp luật quản lý của quốc gia hiện hành; chưa có chính sách quản lý thống nhất đối với khu DTSQ từ cấp trung ương đến địa phương. Thậm chí, các hướng dẫn về các quy định chung đối với quản lý khu DTSQ vẫn còn đang rất thiếu.
Cũng tại buổi họp báo, phóng viên các cơ quan báo chí đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến việc xem xét, đánh giá, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) Dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, TP HCM.
Ông Hoàng Văn Thức - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) - đã giao cho ông Nguyễn Xuân Hải - Vụ trưởng Vụ Thẩm định Đánh giá tác động môi trường - trả lời câu hỏi này của các nhà báo.
Ông Nguyễn Xuân Hải trả lời tại cuộc họp báo
Theo ông Hải, Bộ TN-MT ý thức rõ trách nhiệm của mình khi xem xét dự án để phát triển kinh tế nhưng phải bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững và việc xem xét phải đặt trên các mục tiêu cụ thể. Trong đó thực hiện dự án nhưng phải giữ được rừng ngập mặn Cần Giờ. Phải có biện pháp giảm thiểu tác động môi trường phù hợp nhằm hạn chế tối đa tác động bất lợi đối với dòng chảy, xói lở, thoát lũ, ô nhiễm môi trường.
Theo ông Nguyễn Xuân Hải, việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án được thực hiện theo quy định tại Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường, làm căn cứ quyết định chủ trương đầu tư của dự án.
"Đây là dự án có quy mô lớn, nằm kế cận vùng chuyển tiếp Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ nên chúng tôi đã hết sức thận trọng trong quá trình thẩm định và phê duyệt ĐTM. Qua nhiều bước bổ sung, chỉnh sửa, báo cáo ĐTM của dự án đã được thông qua bởi Hội đồng thẩm định gồm các nhà khoa học hàng đầu, được tiến hành thận trọng và tuyệt đối tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật"- ông Hải khẳng định:
Trong quá trình thẩm định hồ sơ, Bộ TN-MT nhận thấy báo cáo ĐTM đã nhận diện, đánh giá khá đầy đủ, thận trọng các tác động có thể có và đưa ra giải pháp khá tổng thể nhằm giảm thiểu tác động đối với môi trường, đã xây dựng chương trình quản lý, giám sát môi trường và ứng phó sự cố môi trường.
Ông Hải đánh giá chủ đầu tư đã cung cấp các hồ sơ kỹ thuật, chuyên đề nghiên cứu, báo cáo đánh giá độc lập được thực hiện bởi các đơn vị, tổ chức uy tín ở trong nước và quốc tế.
"Đây là các báo cáo chuyên đề liên quan đến các vấn đề lớn mà dự án có thể gây tác động như: Đa dạng sinh thái rừng ngập mặn, dòng chảy tự nhiên, nguy cơ gây bồi lắng, xói lở; nguy cơ ô nhiễm nguồn nước; các tác động về kinh tế - xã hội và có các đơn vị tư vấn có uy tín để lập các mô hình với các kịch bản khác nhau về lan truyền ô nhiễm, thay đổi độ mặn, nước biển dâng"- ông Nguyễn Xuân Hải cho hay.
Một góc dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ nhìn từ trên cao - Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc đánh giá tác động môi trường của dự án có thiếu điều kiện hay không? ông Nguyễn Xuân Hải nhấn mạnh việc có các điều kiện kèm theo là hoàn toàn phù hợp với quy định về phê duyệt báo cáo ĐTM vì đánh giá tác động môi trường là việc phân tích, dự báo tác động đến môi trường của dự án.
Ông Hải khẳng định để đảm bảo tính khách quan, cẩn trọng, hồ sơ đề nghị phê duyệt ĐTM của dự án còn có các báo cáo chuyên đề do các cơ quan, tổ chức trong nước và ngoài nước có uy tín thực hiện.
Đó là, báo cáo ĐTM của Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ từ các chuyên gia quốc tế; Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch khu đô thị lấn biển Cần Giờ; Báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học do Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP HCM thực hiện; Báo cáo đánh giá tác động giao thông do Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải thực hiện; Báo cáo đánh giá lan truyền ô nhiễm nước thải từ dự án do Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia điều khiển số và Kỹ thuật hệ thống, Đại học Quốc gia TP HCM thực hiện; Báo cáo thẩm tra thủy thạch động lực do Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP HCM thực hiện.
Liên quan đánh giá tác động ĐTM với rừng ngập mặn Cần Giờ, ông Hải cho biết dự án nằm kế cận vùng chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển vùng ngập mặn Cần Giờ. Như vậy việc thực hiện dự án có vị trí không thuộc ranh giới rừng phòng hộ Cần Giờ tại khu vực kế cận với vùng chuyển tiếp là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và khung pháp lý của Unesco, với những biện pháp thi công tiên tiến, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn Việt Nam cao nhất.
"Kết quả đánh giá ĐTM thông qua các mô hình cho thấy dự án tác động không đáng kể đến khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ"- ông Nguyễn Xuân Hải khẳng định.
Nguyễn Thế