Hệ thống hang động núi lửa của Công viên địa chất toàn cầu đã được Hiệp hội Hang động núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục Đông Nam Á về quy mô, độ dài và tính độc đáo
Kỳ họp Hội đồng Chấp hành UNESCO khóa 209 được tổ chức vào tháng 7 vừa qua đã chính thức công nhận Công viên Địa chất (CVĐC) Đắk Nông là CVĐC toàn cầu. Đây là cơ hội lớn để tỉnh Đắk Nông quảng bá những di sản đến với du khách trong và ngoài nước, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch.
Hành trình đến với CVĐC toàn cầu
Năm 2014, từ những công bố của Hiệp hội Hang động núi lửa Nhật Bản về việc phát hiện hệ thống hang động núi lửa khu vực huyện Krông Nô lập một số kỷ lục Đông Nam Á, tỉnh Đắk Nông đã quyết tâm xây dựng và theo đuổi mô hình CVĐC toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức, sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản.
Tháng 12-2015, CVĐC Đắk Nông được thành lập với diện tích hơn 4.700 km2, trải dài trên 6 huyện, thành phố. Đồng thời, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xây dựng CVĐC Đắk Nông, từng bước hướng đến danh hiệu CVĐC toàn cầu. Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, chia sẻ để đạt được danh hiệu cao quý này, CVĐC Đắk Nông trải qua rất nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng và phát triển. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là sự thay đổi tư duy, nhận thức và hành động để tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở.
Hang C7 dài hơn 1 km, đường kính cửa hang khoảng 20 m, xung quanh là vách cao dựng đứng Ảnh: Takeshi Murase
Sau thời gian đầu triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, Ban Quản lý CVĐC Đắk Nông tư duy lại cách làm, từ việc thay đổi mô hình quản lý cho đến cơ chế hợp tác giữa các cơ quan, đơn vị, chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước. Từ đó, nhận thức về CVĐC của các cấp chính quyền và người dân địa phương cũng được nâng cao, hỗ trợ rất lớn cho quá trình triển khai xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí của UNESCO và mạng lưới.
Hang động núi lửa quý hiếm
Điểm nhấn quan trọng nhất trong khu vực CVĐC Đắk Nông là hệ thống hang động trong đá bazan, phân bố ở khu vực Đray Sáp-Chư R’Luh. Hệ thống hang động núi lửa này đã được Hiệp hội Hang động núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục Đông Nam Á về cả quy mô, độ dài và tính độc đáo.
Hang C3 - một trong gần 60 hang động tại CVĐC Đắk Nông - dài hơn 590 m, có sự phân nhánh kép ở phần trung tâm, với những đường vòng quanh co, trần khá ổn định nên được đánh giá là một trong những hang động đẹp và an toàn. Điểm nhấn thú vị của hang C3 là trên tường hang có một khuôn hình cây gỗ với đường kính 80 cm được hình thành bởi nham thạch bao phủ.
Núi lửa Nâm B’lang (xã Buôn Chóah, huyện Krông Nô) ảnh: Tôn Ngọc Bảo
Hang C7, dài hơn 1 km, đường kính cửa hang khoảng 20 m, xung quanh là vách cao dựng đứng, muốn vào hang phải bám vào cây hoặc sử dụng dây thừng để xuống, phù hợp cho những người thích thám hiểm. Hang được đánh giá thuộc loại hang động núi lửa quý hiếm, có giá trị nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch. Trong khi đó, tại hang C6-1, các nhà khoa học tìm thấy di cốt của 5 trẻ sơ sinh, 4 người trưởng thành và 1 thiếu niên cách đây đến 4.600-7.950 năm. Bên cạnh đó, hệ thống núi lửa được bảo tồn khá nguyên vẹn cũng tạo nên những điểm nhấn thú vị. Núi lửa Nâm Gleh R’luh nằm ở huyện Đắk Mil, hoạt động cách đây khoảng 781.000 - 126.000 năm, được xem là một trong những núi lửa trẻ ở khu vực Tây Nguyên. Núi lửa kéo dài thành lòng máng hẹp, phần thấp nhất tạo nên rãnh hẹp sâu kéo dài. Hay núi lửa Ea T’ling (huyện Cư Jút) là kiểu di sản địa mạo có giá trị khoa học. Miệng núi lửa có hình nón cụt trũng giữa, trong miệng hình phễu và có khe thoát dòng là đặc trưng cho kiểu phun trào trung tâm, mang tính điển hình đang được đề xuất xếp hạng Di sản địa chất cấp quốc gia.
Bà Lê Thị Hồng An, Phó Giám đốc Ban Quản lý CVĐC Đắk Nông, cho biết ngoài các cảnh quan tự nhiên đẹp và độc đáo như các miệng núi lửa, hệ thống các thác nước hùng vĩ như thác Gia Long, thác Trinh Nữ, Đray Sáp… CVĐC Đắk Nông còn là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như: Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, di tích cấp quốc gia đặc biệt và 5 di tích cấp quốc gia khác. Với định hướng phát triển du lịch "Xứ sở của những âm điệu", tỉnh Đắk Nông đã quy hoạch và đầu tư 44 điểm đến, hình thành 3 tuyến du lịch đặc trưng, đầy tính nhạc trong vùng CVĐC Đắk Nông.
Bảo tồn di sản để phát triển kinh tế - xã hội
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết thêm hơn cả một danh hiệu cao quý, CVĐC toàn cầu UNESCO là một mô hình phát triển bền vững. CVĐC toàn cầu UNESCO chứa đựng, liên kết trong mình các di sản: địa chất, văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, cảnh quan, đa dạng sinh học...
Bên cạnh mục tiêu bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nâng cao nhận thức cộng đồng, CVĐC toàn cầu UNESCO đề ra một mục tiêu rất rõ ràng là nâng cao đời sống cộng đồng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển một cách bền vững, đặc biệt là thúc đẩy du lịch và phát triển hạ tầng, dịch vụ phục vụ du lịch. Cũng theo bà Hạnh, đối với các CVĐC, việc bảo tồn giá trị di sản và phát triển kinh tế - xã hội luôn đồng hành, hỗ trợ nhau. Việc bảo tồn giá trị di sản để phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc phát huy giá trị di sản và ngược lại phát triển kinh tế - xã hội dựa vào giá trị di sản sẽ làm phát huy, sống lại các giá trị di sản. Do đó, tỉnh Đắk Nông đã có chủ trương xây dựng đề án khoanh vùng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trong vùng CVĐC. Đề án sẽ có nhiệm vụ khoanh định các giá trị di sản để bảo tồn nhưng bên cạnh đó phải có phương án phát huy các điểm nhằm phát triển kinh tế - xã hội thông qua hoạt động du lịch.
Đến với CVĐC toàn cầu UNESCO - Xứ sở của những âm điệu, du khách sẽ được trải nghiệm những thanh âm của của tự nhiên từ hệ thống thác, suối, ao, hồ, âm thanh của con người qua ngôn ngữ, lời ca, tiếng hát cùng hệ thống nhạc cụ đa dạng và phong phú của 40 dân tộc anh em. Đặc biệt hơn cả, du khách sẽ được lắng nghe âm thanh của sự tương tác giữa con người với tự nhiên, với vũ trụ thông qua những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và duy nhất tại CVĐC Đắk Nông.
Các phát hiện về di chỉ khảo cổ người tiền sử sinh sống trong khu vực hang động núi lửa của CVĐC Đắk Nông đang thu hút sự chú ý của rất nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
|
Cao Nguyên