Nhật Bản phát triển túi nhựa phân hủy sinh học trong nước biển

Cập nhật: 03/08/2020
Công ty Mitsubishi Chemical của Nhật Bản mới đây tuyên bố họ đang phát triển loại túi nhựa có khả năng phân hủy trong nước biển.

Nhật Bản là quốc gia sử dụng nhựa nhiều thứ hai thế giới, sau Mỹ

Theo đó, những chiếc túi này được làm từ một loại vật liệu thành phần trong đó có mía. Khi chạm tay vào, có cảm giác chiếc túi này không khác biệt gì so với túi nhựa thông thường.

Được biết, Công ty hiện đang chuẩn bị để bắt đầu sản xuất hàng loạt. Giá mỗi chiếc túi sẽ vào khoảng 12 - 50 yên Nhật (tương ứng 11 - 47 cent), tùy thuộc vào kích thước túi, đắt hơn khoảng sáu lần so với giá túi nhựa thông thường. Công ty Mitsubishi Chemical hy vọng rằng, phát kiến của họ sẽ giúp chống ô nhiễm nước biển và đại dương.

Từ ngày 1/8, tại Nhật Bản, tất cả các cửa hàng bắt đầu tính phí cho túi nhựa. Một số cửa hàng bắt đầu cung cấp túi miễn phí được làm từ vật liệu phân hủy sinh học, tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp, khách hàng phải tự mang theo túi khi đi mua sắm.

Trước đó, Nhật Bản đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 25% lượng rác thải nhựa có thể phân hủy và đến năm 2035, tái chế hoặc tái sử dụng 100% các loại rác thải nhựa, bao gồm rác thải nhựa sinh hoạt và rác thải nhựa công nghiệp. Bộ Môi trường Nhật Bản dự kiến sẽ yêu cầu các nhà bán lẻ sử dụng khoản thu từ việc tính phí túi ni lông để phục vụ các hoạt động chống ô nhiễm môi trường như trồng rừng và nâng cao nhận thức về ô nhiễm biển.

Nguyên Hằng

Nguồn: Tạp chí Môi trường