Mặc dù đã có trên 15 ha mặt nước đã được người dân chuyển sang nuôi thủy sản (chủ lực là cá tra) nhưng luôn đảm bảo vệ sinh môi trường về nguồn nước mặt và mùi hôi. Cạnh đó nhà máy chế biến thủy sản Miền Nam đang hoạt động trên cồn Sơn với qui mô lớn nhưng luôn đảm bảo các tiêu chí về môi trường sống cho cư dân tại đây.
Người dân cồn Sơn thu gom rác thải
Trên chiếc đò máy đưa chúng tôi vượt sông Hậu rộng mệnh mông tiến dần đến cồn Sơn (tọa lạc tại khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), bà Nguyễn Thị Dịch Thủy, người đã có trên 30 năm hành nghề đưa khách qua sông nói với vẻ tự hào: “Ở đâu không biết chớ lên cồn nầy hỏi chuyện phân loại rác thải, tiêu hủy rác, bỏ rác đúng nơi thì từ người lớn tới con nít đều thuộc nằm lòng.
Vì vậy chuyện ô nhiễm môi trường từ rác chưa từng xảy ra. Từ đó khách đến tham quan rất thích thú khi đến đây tham quan du lịch”.
Viên ngọc xanh giữa lòng sông Hậu
Cồn Sơn là dãy đất cù lao nằm giữa sông Hậu cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 5 km. Cồn này có diện tích 90 ha đất sản xuất với chiều dài khoảng 3 km, ngang 1 km, với hơn 90 hộ dân đang sinh sống chủ yếu là canh tác vườn, làm du lịch sinh thái, chế biến các loại bánh dân gian…Đây đang là điểm du lịch rất nổi tiếng đất Tây Đô khoảng 4 năm trở lại đây, đặc biệt là vào các ngày lễ, tết, ngày nghỉ.
Ông Huỳnh Ngọc Ngon, 70 tuổi, cư dân tại đây trên 50 năm cho biết: “Xứ này sống bằng nghề làm vườn và du lịch. Nếu không làm tốt khâu bảo vệ môi trường thì chính mình là người bị ảnh hưởng nhiều nhất, cạnh đó sẽ không thu hút được khách đến tham quan nghỉ dưỡng. Vì vậy chúng tôi luôn bảo nhau xem tiêu chí môi trường sạch, đẹp, an toàn là chuyện sống còn của mỗi gia đình và của cả cồn Sơn”.
Hiện nay cồn Sơn đang có 18 điểm du lịch sinh thái mi ni do chính cư dân tại đây đảm trách với nhiều hoạt động rất phong phú, mới lạ, hấp dẫn thu hút du khách đến đây, nhất là trong các ngày nghỉ, lễ, các dịp tết.
Ông Tạ Thuyên, du khách đến từ TP Đà Nẵng ngạc nhiên nói: “Tôi đã từng đi tham quan rất nhiều “cồn” làm dịch vụ du lịch từ Bắc chí Nam nhưng chưa từng thấy ở đâu lại giữ được nét dân dã, chân quê, mộc mạc Nam bộ như ở đây dù chỉ cách trung tâm thành phố Cần Thơ vài km. Cạnh đó cồn nầy rất sạch sẽ, môi trường rất trong lành, người dân làm rất tốt khâu xử lý rác sinh hoạt từ gia đình lẫn du khách đến đây”.
Chính quyền khen thưởng người dân cồn Sơn làm tốt khâu gìn giữ môi trường
Cả cộng đồng chung tay gìn giữ môi trường
Trên con đường bao quanh cồn Sơn bằng xi măng rất sạch đẹp, được bố trí nhiều thùng chứa rác đủ màu sắc, chúng tôi bắt gặp nhiều người dân đang phân loại rác trước khi bỏ vào thùng. Nhiều hộ khác còn vui vẻ hướng dẫn du khách nước ngoài bỏ rác đúng qui định.
Một số người dân đang chôn rác tự hủy vào các hố đúng kỹ thuật. Một số xe chuyển rác ni lông đang chuẩn bị vượt sông tập kết rác về điểm qui định. Tất cả đã tạo nên một khí thế lao động rất hăng hái, sôi nổi với mục tiêu chung gìn giữ tốt môi trường cồn Sơn.
Điều khiến chúng tôi càng ngạc nhiên là đã có trên 15 ha mặt nước đã được người dân chuyển sang nuôi thủy sản (chủ lực là cá tra) nhưng luôn đảm bảo vệ sinh môi trường về nguồn nước mặn và mùi hôi. Cạnh đó nhà máy chế biến thủy sản Miền Nam đang hoạt động trên cồn Sơn với qui mô lớn nhưng luôn đảm bảo các tiêu chí về môi trường sống cho cư dân tại đây.
Bà Nguyễn Thị Út, nguyên trưởng khu vực 1 cho biết: “Cái hay của cồn Sơn là vừa phát huy tiềm năng kinh tế vốn có, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường tuyệt đối. Cồn Sơn còn là điểm sáng của TP Cần Thơ về công tác đảm bảo vệ sinh môi trường được nhiều địa phương đến đây học tập, làm theo”.
Phân loại rác thải ở cồn Sơn
Chúng tôi đi dọc chiều dài cồn Sơn và đâu đâu cũng thấy, cũng nghe chuyện trúng mùa, trúng giá; chuyện phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường.
Ông Đặng Văn Hạp, 91 tuổi cho biết: “Mỗi ngày tui thường động viên con cháu phân loại rác thải đúng qui định, cái nào chôn thì chôn, cái nào không “ rả” được thì để riêng đưa qua sông giao cho mấy ông lấy rác. Cái nào có thể làm phân bón thì làm. Mình ở “cồn” văn hóa thì phải thực hiện nếp sống văn hóa chớ”. Ông cười rất vui.
Điều rất đáng ngạc nhiên là tại cồn Sơn đã hình thành mô hình “CLB Liên Thế Hệ Tự Giúp Nhau” trực thuộc sự quản lý của chi hội Người cao tuổi (NCT). Đây là mô hình thứ 2 của cả nước (sau tỉnh Quảng Ninh) và là mô hình đầu tiên của ĐBSCL với tôn chỉ hoạt động: các thế hệ trong dòng tộc, họ hàng, làng xóm giúp nhau phát triển kinh tế, đảm bảo tốt vệ sinh môi trường nơi cư trú”.
Bà Phan Kim Ngân, chi hội trưởng chi hội NCT khu vực 1, chủ nhiệm CLB vừa nêu cho biết thêm: “Chúng tôi đã có được 35 thành viên tham gia sinh hoạt, trong đó có gần 20 hộ hành nghề kinh doanh du lịch. Mỗi ngày chúng tôi phân công người đi kiểm tra nguồn nước, nguồn rác thải trên địa bàn để có hướng xử lý tốt nhất. Cạnh đó chúng tôi còn thường xuyên phối hợp với các ban ngành, đoàn thể ra quân tổng vệ sinh môi trường, làm sạch các tuyến đường; hướng dẫn du khách thực hiện tốt việc bỏ rác đúng điểm qui định. Từng thành viên của CLB luôn đi đầu trong việc xử lý rác và bảo vệ môi trường”.
Đánh giá về tình trạng môi trường tại cồn Sơn hiện nay, ông Mai Văn Sử, trưởng KV 1, phường Bùi Hữu Nghĩa phấn khởi nói: “Rất mừng là từ nhiều năm qua, chúng tôi luôn nhận được sự đồng tình, khen ngợi từ du khách khi tới cồn Sơn trong đó là những lời khen về quang cảnh sáng, xanh, sạch, đẹp. Có được kết quả đó chính từ sự nhận thức, tự nguyện vào cuộc của tất cả cư dân ở đây. Đây chính là một trong những điểm nhấn đẹp trong lòng du khách mỗi khi đến với cồn Sơn hôm nay.
Trương Thanh Liêm