3 tỉnh đoàn kết đưa Quần thể danh thắng Yên Tử thành Di sản thế giới

Cập nhật: 07/09/2020
Quần thể danh thắng Yên Tử có thể sẽ là Di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam phân bổ trên 3 địa phương khác nhau, Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang

Vừa qua, 3 tỉnh là Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang cùng thống nhất về việc sẽ xây dựng hồ sơ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận khu di tích Yên Tử (bao gồm cả Tây Yên Tử thuộc tỉnh Bắc Giang và khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc thuộc tỉnh Hải Dương) trở thành di sản thế giới.

Hiện ngành văn hóa của các địa phương này đã đưa ra dự kiến lộ trình, thời gian xây dựng hồ sơ. Đồng thời, trong thời gian sớm nhất có thể, thực hiện các công việc chuyên môn liên quan để hoàn thiện hồ sơ di sản, bảo vệ trước Hội đồng Di sản Quốc gia, sau đó trình lên Thủ tướng Chính phủ để xin phép nộp hồ sơ lên UNESCO.

Du khách hành hương về Yên Tử. Ảnh: Cường Vũ

Theo lộ trình, trong các năm 2021 và 2022, bản hồ sơ hoàn thiện bằng tiếng Anh của quần thể danh thắng Yên Tử cần được gửi tới trụ sở UNESCO tại Paris. Tiếp đến, Việt Nam cũng cần đón các chuyên gia ICOMOS/IUCN (Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế, thuộc Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế của UNESCO) sang thẩm định di sản và có ý kiến cụ thể. Sau giai đoạn thẩm định này, hồ sơ sẽ được giải trình, bổ sung, phản biện... để có thể thực hiện bảo vệ hồ sơ tại kỳ họp của Hội đồng Di sản Thế giới của UNESCO vào đầu năm 2023.

Tờ Ngày Nay dẫn lời bà Phạm Thị Thanh Hường - Trưởng ban văn hoá của UNESCO tại Việt Nam cho biết, việc xây dựng hồ sơ có hai nhiệm vụ quan trọng mà các địa phương tham gia phải thực hiện được. Thứ nhất, ba địa phương phải phối hợp để cùng xây dựng một bộ hồ sơ khoa học về văn hoá, tự nhiên và các giá trị nổi bật của Yên Tử. Để làm được việc này, đội ngũ xây dựng hồ sơ phải tập hợp toàn bộ các thông tin, giá trị cốt lõi và nổi trội của Yên Tử đưa vào hồ sơ.

Ngoài việc tập hợp tài liệu, các địa phương phải tổ chức các hội thảo khoa học quốc tế, tham vấn ý kiến các chuyên gia về văn hoá, thiên nhiên để có thể hiểu hết được những giá trị của Yên Tử…

Nhiệm vụ thứ hai, các địa phương tham gia xây dựng hồ sơ phải thống nhất, đoàn kết cùng đưa ra một phương án quản lý, vận hành di sản sau khi đã được công nhận. UNESCO rất coi trọng việc này nên việc các địa phương đưa ra phương án về bộ máy vận hành di sản như nào sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả của quá trình trình hồ sơ.

"Việc quản lý, vận hành di sản sau khi đã được UNESCO công nhận luôn được đánh giá tối quan trọng, từ việc phát huy những giá trị văn hoá, thì mỗi di sản còn gắn liền với hoạt động du lịch. Phía UNESCO quan tâm đặc biệt tới việc vận hành, quản lý di sản sau khi đã được công nhận vì lúc đó du khách quốc tế sẽ tìm đến rất đông, việc bảo vệ di sản phải có những phương án từ ngay khi lập hồ sơ trình", Bà Hường nhấn mạnh.

Còn về việc Yên Tử sẽ là di sản liên tỉnh đầu tiên tại Việt Nam, bà Hường cho biết, đây là vấn đề nội bộ của đất nước trình hồ sơ. Đối với UNESCO thì hồ sơ đó là của Việt Nam chứ không quan tâm là có bao nhiêu tỉnh thành tham gia. UNESCO chỉ quan tâm khi mà di sản đó nằm trên nhiều đất nước thì lúc đó họ sẽ có những hướng dẫn và khuyến cáo rất cụ thể.

Với lợi thế là một địa điểm thiên nhiên hùng vĩ, nhiều tầng lớp văn hoá và đặc biệt được xem là cái nôi của nền Phật giáo Việt Nam, việc lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên, văn hoá của nhân loại cho Yên Tử là vô cùng xứng đáng.

Trong trường hợp thành công, quần thể danh thắng Yên Tử sẽ là Di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam phân bổ trên 3 địa phương khác nhau.

Hoàng Nguyên

Nguồn: Báo Nông nghiệp