Di sản Thế giới tại Đông - Nam Á trong đại dịch Covid-19

Cập nhật: 11/09/2020
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã ghi danh 38 di sản tại khu vực Đông-Nam Á vào danh sách Di sản Thế giới (WHS) bởi các giá trị văn hóa độc đáo, bối cảnh lịch sử và cảnh quan độc đáo. Trong bối cảnh du lịch chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, các WHS của khu vực Đông-Nam Á cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng.

Di sản Thế giới - Đền Phật giáo Borobudur ở Trung Java, Indonesia đã mở cửa đón du khách trở lại từ tháng 6 (Ảnh: THEJAKARTAPOST)

WHS tại Đông-Nam Á đa dạng bao gồm các đền đài, các di tích lịch sử, ruộng bậc thang và các khu rừng nhiệt đới gió mùa. Tất cả đều là những điểm hấp dẫn, thu hút hàng triệu du khách trên toàn thế giới.

Bốn quốc gia thành viên ASEAN gồm Indonesia, Việt Nam, Philippines và Thái lan có 27 trong tổng số 38 Di sản thế giới UNESCO.

Việc quảng bá di sản văn hóa và các truyền thống dân tộc thúc đẩy sự phát triển du lịch của Đông-Nam Á, là một phần không thể thiếu trong các chính sách kinh tế ở khu vực. Du khách đến khu vực muốn được trải nghiệm di sản văn hóa và tôn giáo đa dạng, những truyền thống dân tộc và kiến trúc thuộc địa.

Đến năm 2027, WHS được dự báo sẽ đóng góp 563 tỷ USD vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN, với mức tăng trưởng hàng năm khoảng 5,7%. Do đó, lĩnh vực lữ hành và du lịch trong khu vực sẽ đóng một vai trò thiết yếu trong việc giúp các quốc gia thành viên ASEAN tăng trưởng bằng cách tạo ra việc làm và tạo điều kiện phát triển khu vực hội nhập.

Đại dịch Covid-19 hiện gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống, các ngành công nghiệp địa phương và toàn bộ nền kinh tế nói chung. Ngành công nghiệp du lịch là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch Covid-19. Các biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 như phong tỏa thành phố, ngừng di chuyển và hạn chế đi lại đã dẫn tới sự đóng cửa của một loạt doanh nghiệp, các địa danh, công viên giải trí, các di sản thế giới về văn hóa, tự nhiên.

Bản đồ 38 Di sản thế giới tại ASEAN (Ảnh: THEASEANPOST)

Tại thời điểm các quốc gia trong khu vực đồng loạt đóng cửa các địa danh, di sản thế giới nhằm ngăn chặn Covid-19, Campuchia vẫn mở cửa di sản nổi tiếng thế giới Angkor Wat. Song tình trạng du khách quốc tế thưa thớt do đại dịch Covid-19 khiến ngành du lịch của quốc gia này bị ảnh hưởng nặng nề. 

Moninita Un, nhà khảo cổ học người Campuchia và là Giám đốc tổ chức Bảo vệ Di sản Campuchia (Heritage Watch Campuchia), một tổ chức phi lợi nhuận chuyên bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, cho biết: “Các gia đình sống phụ thuộc vào các công việc bên trong và chung quanh quần thể Angkor Wat đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn nghiêm trọng. Dự kiến, lượng du khách tới khu vực này giảm hơn 250 nghìn mỗi tháng. Đây mới chỉ là tại một địa điểm. Hơn 75% các công ty trong lĩnh vực du lịch hiện ngừng hoạt động”. 

Tại Philippines, khi các hướng dẫn viên và nhân viên an ninh đang bảo đảm việc bảo vệ các di sản văn hóa, thì các nhân viên kiểm lâm công viên biển cũng tiếp tục tuần tra tại các di sản thiên nhiên như Rạn san hô Thubbataha ở Philippines. Sự đóng góp của họ rất quan trọng để bảo đảm việc bảo thế giới hoang dã trong tam giác san hô. Tuy nhiên, công việc của họ trở nên khó khăn hơn trong cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra khi nguồn thu nhập bị cắt đứt (do du lịch ngừng trệ). Nhiều quốc gia báo cáo về tình trạng gia tăng săn bắt trộm và buôn bán trái phép động vật hoang dã trong thời kỳ đại dịch.

Bởi vậy, cần thiết phải duy trì việc bảo vệ các di sản thế giới trong đại dịch. ASEAN giữ trách nhiệm chung trong việc bảo tồn và duy trì những di sản đã được UNESCO ghi danh vì đây là những yếu tố mang lại nguồn thu du lịch trong khu vực. Du lịch văn hóa phải tăng cường nhận thức và hiểu biểu của lịch sử khu vực, và do đó, các chính phủ và các tổ chức luôn thúc đẩy việc bảo tồn và duy trì các WHS trong quá trình quảng bá du lịch. 

Dù đóng cửa hoạt động vì Covid-19, nhiều quốc gia ASEAN chọn cách bảo trì, trùng tu nhiều di sản. Tại Indonesia, số ca mắc Covid-19 chưa có dấu hiệu giảm tốc song các di sản UNESCO như ngôi đền Phật giáo Borobudur, quần thể đền Prambanan, đảo Bali, cũng đã lần lượt mở cửa trở lại để đón khách du lịch trong nước và quốc tế sau nhiều tháng phải đóng cửa vì đại dịch.  Thư ký ban quản lý các cụm di sản Borobudur, Prambanan, Emilia Eny Utari cho hay, trong thời gian đóng cửa, công tác trùng tu ở các khu vực đền vẫn được thực hiện liên tục. 

T.Linh (Theo The ASEAN Post, The Jakarta Post)
 

Nguồn: Báo Nhân dân