Chúng tôi đến Sin Suối Hồ vào những ngày đầu thu. Sin Suối Hồ đổi thay rất nhiều với con đường nông thôn mới, nhà nhà xây dựng khang trang và từng đám trẻ bụ bẫm, khỏe mạnh nô đùa bên khoảng sân trống hay ven đường. Từ thánh địa của cây thuốc phiện, bản Sin Suối Hồ đã khoác lên mình tấm áo mới.
Bản nghiện, bản nghèo
Từ UBND xã Sin Suối Hồ vào bản khoảng 2 km, đường đã đổ bê tông kiên cố. Bản sạch sẽ, con đường uốn lượn quanh co qua những vườn lan và hoa dã quỳ trải kín ven rừng. Sin Súi Hồ tựa một khu du lịch sinh thái.
Vào bản, ấn tượng đầu tiên là tấm biển: "Điểm du lịch cộng đồng, bản Sin Súi Hồ" cùng một hàng chữ tiếng Anh "Resort Community Ecology" nhỏ hơn ở bên dưới. Bản có bóng điện sáng trưng, có wife phủ sóng. Cứ 10m đường lại có sọt rác đan phên tre với dòng chữ quấn mây: “cho cháu xin rác”. Tất cả sạch từ nhà ra ngõ và rợp bóng cây.
Cách thành phố Lai Châu khoảng 30 km, bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ) nằm yên bình dưới chân núi Sơn Bạc Mây. Nơi đây có 135 hộ gia đình người Mông sinh sống. Ảnh: Vàng A Chỉnh
Người dân ở bản từ trẻ con, người già, phụ nữ… ai ai cũng chào hỏi, tiếp chuyện vui vẻ. Đặc biệt, các em nhỏ hễ thấy có khách là các em đứng dậy khoanh tay trước ngực chào. Cuộc sống của các hộ dân ở Sin Súi Hồ khá sung túc. Các ngôi nhà khang trang, rộng rãi, khu nhà ở được dựng riêng biệt với khu bếp, khu chăn nuôi, khu vệ sinh…
Trước đây, những năm 90 về trước bản Sin Suối Hồ từng là bản nghèo nhất huyện Phong Thổ, thậm chí nhất tỉnh Lai Châu và gần như biệt lập với bên ngoài với 5 không: không đường giao thông, không trạm y tế, không trường học, không có điện, không có nước sạch. Đời sống người dân vô cùng khó khăn.
“Ngày ấy, toàn bản có 80 hộ thì chỉ có 2-3 hộ đủ ăn một năm, còn lại 6-7 tháng là thiếu ăn. Nhà cửa ngập ngụa những phân lợn, phân gà. Người và vật nuôi ăn, ở cùng nhau”, Trưởng bản Vàng A Chỉnh nhớ lại.
Trong trí nhớ của anh Hảng A Xà, một người uy tín tại bản và cũng là người hiểu rõ nhất về những năm tháng đau thương của bản Sin Suối Hồ thì trước kia, người dân nơi đây không chỉ quanh năm thiếu ăn mà còn chìm trong nghiện ngập. Người dân chỉ ăn củ mài, rau rừng, một bộ quần áo mặc quanh năm. “Ban ngày người dân vào rừng tìm củ mài, tối say sưa bên đèn bàn, lỗ điếu”, anh nói.
Anh Hảng A Xà, một người uy tín trong bản Sin Suối Hồ. Ảnh nhân vật cung cấp.
Vì lúc đó, ở bản Sin Suối Hồ chỉ trồng toàn cây thuốc phiện. Cũng bởi trồng thuốc phiện, cho nên trai gái trong bản ai cũng bị thứ thuốc này mê hoặc. Rồi một vòng luẩn quẩn như bóng ma cứ ám lấy người dân trong bản xui khiến họ trồng thuốc và chìm đắm, đê mê trong những cơn phê hư ảo mà chẳng còn tâm trí để suy nghĩ sẽ làm gì khác để thay đổi. Cứ thế, nghiện ngập ngày càng thêm nghiện ngập. Cái tên ‘bản nghiện’ cũng vì thế ra đời. Và nhắc đến Sin Suối Hồ, ngày ấy người ta chỉ nghĩ đó là bản nghiện ngập, nghèo đói, lạc hậu.
“Hồi đấy, cả bản trồng đến vài hecta cây thuốc phiện. Thế nên hầu hết nhà nào cũng có người nghiện, có hộ cả nhà đều nghiện. Nhà tôi, bố tôi nghiện, anh trai nghiện, mẹ nghiện, bản thân tôi cũng đã hút thuốc phiện nhưng chưa nghiện. Trong nhà có thứ gì đều cũng mang đi đổi thuốc phiện. Đói khổ, nhà cửa tan hoang, bản làng xơ xác”, anh Hảng A Xà rùng mình nhớ lại.
Thay đổi tư duy vươn lên làm giàu
Hào hứng khi chuyển hướng câu chuyện về bản Sin Suối Hồ hôm nay, anh Hảng A Xà nói: “Người dân trong bản Sin Suối Hồ hủ tục lạc hậu, nhiều tệ nạn, đói kém. Cứ như thế con cháu sẽ không có tương lai. Những điều đó thôi thúc tôi phải làm điều gì đó. Muốn phát triển được thì phải cai nghiện thuốc phiện. Không cai nghiện thuốc phiện, thì cuộc sống không thể đi lên được. Tôi quyết định đưa mọi người trong bản đi cai nghiện”.
Từ năm 1995, anh Xà đã cùng bí thư, trưởng bản, già làng, chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng đến từng nhà vận động người dân cai nghiện. Trước tiên, họ tiến hành đập bỏ hết điếu hút, sau đó đưa những người nghiện lên các lán trại ở trên nương. Hàng ngày, những người cai nghiện này sẽ được người thân và người có uy tín trong bản tiếp tế thức ăn để đảm bảo sức khỏe. Đến năm 2005, thì nhiều người cai nghiện thành công.
Tận dụng khí hậu trong lành, mát mẻ cùng bản sắc văn hóa độc đáo, người dân ở bản đã đẩy mạnh làm du lịch cộng đồng. Ảnh: Vàng A Chỉnh
Bắt đầu từ năm 2011, người dân đồng lòng thực hiện những công việc theo kế hoạch mà họ đã đề ra để thay đổi cuộc sống, cố gắng sản xuất, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Năm 2012, được Nhà nước hỗ trợ xi măng, người dân Sin Suối Hồ đã xây dựng con đường bê tông dài 5km. Tận dụng khí hậu trong lành, mát mẻ cùng bản sắc văn hóa độc đáo, người dân ở bản đã đẩy mạnh làm du lịch cộng đồng và trồng địa lan.
Năm 2014, người dân Sin Suối Hồ đã bắt tay xây dựng chợ với 54 gian hàng để người dân trao đổi các nông sản của gia đình, bán cho khách du lịch và làm con đường lên suối lên thác nước. Cùng với đó, người dân Sin Suối Hồ làm nhà vệ sinh, quy hoạch lại chuồng gà, chuồng lợn, trâu bò, để nuôi nhốt, không thả rông.
Người dân Sin Suối Hồ làm đường bê tông. Ảnh: Vàng A Chỉnh
Trưởng bản Vàng A Chỉnh vẫn nhớ như in cột mốc năm 2015, Sin Suối Hồ được tỉnh Lai Châu cấp giấy chứng nhận Khu Du lịch cộng đồng và sau đó được Nhà nước công nhận đạt Nông thôn mới. Cuối năm 2018, bản đã thành lập Hợp tác xã trái tim Sin Suối Hồ gồm 12 hộ gia đình tham gia nhằm liên kết, phát triển du lịch; mở ra hướng đi mới cho người dân.
HTX xây dựng khu nghỉ dưỡng này diện tích 2,5ha trên quả đồi đầu bản gồm 4 nhà nghỉ, một bếp ăn tập thể, phòng lễ tân thiết kế bằng gỗ. Quanh khuôn viên có trồng cây xanh với hệ thống trò chơi dân gian của người Mông như xích đu, guồng quay phục vụ khách du lịch.
Chợ Sin Suối Hồ tấp nập mua bán. Ảnh: Hồ Huyền
“Những người nghiện trước kia ở bản sau khi cai nghiện thành công được hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, từ đó hướng nghiệp, tư vấn cho họ cách kinh doanh, phát triển kinh tế. Giờ đây, một số người đã trở thành chủ cửa hàng, lãnh đạo trong bản....”, anh Hảng A Xà nói.
… Trung bình mỗi năm thu nhập 200 triệu đồng
Hiện nay, ở Sin Suối Hồ có 135 hộ với 702 nhân khẩu. Trong đó có 10 hộ gia đình làm homestay. Trung bình mỗi năm, bản đón khoảng hơn 15.000 lượt du khách quốc tế và Việt Nam. Mô hình du lịch tại Sin Suối Hồ thậm chí còn được làm kiểu mẫu, đem áp dụng ở nhiều nơi.
"Trung bình cả bản thu nhập du lịch 400 – 500 triệu/năm. Năm nay do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên lượng khách du lịch đến bản ít hơn mọi người, nhưng cuộc sống người dân vẫn ổn định” - Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Suối Hồ chia sẻ.
Trưởng ban Vàng A Chỉnh tại homestay nhà mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bên cạnh làm du lịch cộng động, đồ lưu niệm thông thường, Sin Suối Hồ còn phát triển thêm các sản phẩm đặc trưng như cây cảnh: địa lan, phong lan, hoa đào và các loại cây ăn quả như mận, đào, táo mèo. Đến nay 100% hộ trong bản đều trồng địa lan. Hiện Sin Suối Hồ có hơn 30.000 chậu địa lan, thu nhập mỗi năm hơn 2 tỉ.
Trưởng ban Vàng A Chỉnh hiện nay trồng 600 cây địa lan. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trong bản cũng có 80 hộ trồng thảo quả, với giá thảo quả tương đối ổn định từ 110-130 nghìn/ kg, mỗi năm các hộ đều thu về hàng chục triệu đồng.
Là một trong những hộ khá giả nhất bản, Trưởng bản Vàng A Chỉnh cho biết, hiện tại nhà anh đang làm homstay, trồng 600 cây địa lan, 7 hecta thảo quả, ngoài ra trồng táo mèo, làm nương, trồng lúa…. Năm 2019, gia đình anh thu nhập khoảng 430 triệu đồng/ năm.
Trong bản Sin Suối Hồ hiện có 80 hộ trồng thảo quả, trung bình mỗi năm thu hoạch 3 tạ/ hộ. Ảnh: Vàng A Chỉnh
Trưởng bản Vàng A Chỉnh cho biết hiện nay tỉ lệ hộ nghèo trong bản chỉ còn 20 hộ. Hộ giàu chiếm 30%. Thu nhập bình quân mỗi hộ năm 2019 là 200 triệu hộ/ năm.
Trưởng bản cũng cho biết, triển khai xây dựng nông thôn mới, được Nhà nước hỗ trợ vật liệu, người dân góp công nên hầu hết các tuyến đường giao thông liên thôn, liên gia ở thôn đã được bê tông hóa, tạo thuận lợi cho người dân, du khách đi lại, phát triển kinh tế. Giờ đây, Sin Suối Hồ 100% đường bê tông.
Ở Sin Suối Hồ có những thùng rác ở khắp mọi nơi. Ảnh: Hồ Huyền
Ở bản Sin Suối Hồ cũng đang thực hiện 5 không: Không vứt rác bừa bãi, không bạo lực gia đình, không tệ nạn xã hội, không nghiện ngập thuốc lá, rượu bia, không trai gái, cờ bạc.
Hiện Sin Suối Hồ là bản dẫn đầu của xã về phát triển kinh tế, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. "Cuộc sống người dân Sin Suối Hồ so với trước kia thay đổi một trời một vực. Bây giờ, người dân trong bản có cơm ăn áo mặc đầy đủ. Cuộc sống người dân cải thiện rất nhiều”, Trưởng bản Vàng A Chính ánh mắt đầy niềm vui chia sẻ.
“Hiện tại ở bản chỉ còn 3-4 người nghiện và đều là những người già. Bản tiếp tục vận động họ cai nghiện và hướng nghiệp, tìm cho họ công việc phù hợp với trình độ của họ để họ có thể kinh doanh, vươn lên trong cuộc sống", anh Hảng A Xà cho biết.
Cuộc sống người dân Sin Suối Hồ xung túc với các ngôi nhà khang trang. Bóng điện sáng trưng, có wife phủ sóng. Ảnh: Vàng A Chỉnh
Chủ tịch UBND xã Sin Suối Hồ, anh Chẻo Quẩy Hòa, khẳng định: “Bản Sin Suối Hồ là bản đi đầu trong công tác xây dựng nông thôn mới ở Lai Châu. Nhà nước, chính quyền xã định hướng cũng như đầu tư một số hạ tầng giúp bà con trong bản, nhưng chủ yếu giao cho bản tự làm. Sự chuyển biến về nhận thức của người dân rất rõ rệt. Mọi định hướng của Nhà nước và địa phương đều nhận sự đồng thuận của người dân. Hình mẫu của Sin Suối Hồ, chúng tôi sẽ nhân rộng ra hai bản trong xã là: Dền Xung, Sùng Mà Pho.
Phạm Lý